GMT - “vũ khí” chống trốn thuế hữu hiệu?

Người ta đã thấy được “hình hài” ban đầu của thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (GMT) sau khi 130/139 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia đàm phán về thỏa thuận này đạt được sự đồng thuận. Thỏa thuận toàn cầu nhằm áp thuế suất tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia được cho là thỏa thuận thuế quốc tế quan trọng nhất trong một thế kỷ qua.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết GMT sẽ tác động đến 8.000 công ty đa quốc gia trên toàn thế giới. Ảnh | AFP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết GMT sẽ tác động đến 8.000 công ty đa quốc gia trên toàn thế giới. Ảnh | AFP

Không còn chỗ để “giấu lợi nhuận”

Nội dung chính của GMT là các tập đoàn phải trả mức thuế tối thiểu 15% tại quốc gia họ có doanh thu, chứ không chỉ nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính như hiện nay. GMT mang lại các quyền đánh thuế mới cho các quốc gia, vốn là thị trường của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng lại không phải là nơi các công ty đặt trụ sở. Vì thế, GMT được trông đợi sẽ trở thành vũ khí quan trọng để ngăn các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp. Nói như Tổng thống Mỹ Joe Biden, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không còn cơ hội “giấu lợi nhuận” ở những nơi đánh thuế thấp. GMT sẽ góp phần chấm dứt câu chuyện vô lý như một công ty con của Microsoft ở Dublin (Ireland) có doanh thu gần bằng 3/4 GDP của Ireland, nhưng không phải trả một đồng thuế nào cho Chính phủ Ireland. 90 công ty trong Danh sách Fortune 500 của Mỹ nhưng không phải nộp một đồng thuế nào cho Chính phủ Liên bang.

Nhưng cũng có thể nảy sinh câu chuyện tập đoàn sẽ chọn đóng trụ sở tại một nước có mức thuế thấp để khỏi phải nộp nhiều thuế. GMT với mục tiêu hướng tới sự công bằng sẽ không cho phép điều này xảy ra bởi nếu tập đoàn đó làm như vậy, họ sẽ phải trả bù phần tiền thuế chênh lệch giữa quốc gia đặt trụ sở và quốc gia nơi tập đoàn tiến hành các hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận.

Rõ ràng GMT mang lại lợi ích cho các quốc gia bị thất thu thuế bấy lâu nay. Theo ước tính, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% có thể giúp các chính phủ thu về thêm khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia GMT chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới nên tầm ảnh hưởng của GMT là rất lớn. Với sự tham gia của các thành viên chủ chốt như tất cả các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Liên hiệp châu Âu, GMT được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế thế giới, mà trước tiên hệ thống thuế toàn cầu sẽ được cải tổ. Một khi ra đời, GMT sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, hướng nền kinh tế toàn cầu trở nên công bằng hơn cho tất cả.

Chẳng hạn, GMT sẽ ngăn các quốc gia giảm thuế suất doanh nghiệp xuống dưới ngưỡng tối thiểu để thu hút các công ty chuyển hoạt động đầu tư, kinh doanh tới nước họ từ những nước có mức thuế cao hơn. Ireland, quốc gia phản đối GMT từng hạ thuế suất xuống 12,5% để hút các nhà đầu tư từ nước khác đến làm ăn. Suốt 20 năm qua, thế giới đã chứng kiến “cuộc chạy đua xuống đáy” về thuế khi các nước thi nhau giảm thuế doanh nghiệp để hút đầu tư. Trong quãng thời gian đó đã có 76 quốc gia giảm thuế, 12 quốc gia giữ nguyên và chỉ có sáu quốc gia tăng thuế. Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng GMT sẽ giúp chấm dứt cuộc đua tai hại này.

GMT - “vũ khí” chống trốn thuế hữu hiệu? -0
Các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số đa quốc gia là những đối tượng hàng đầu chịu tác động của GMT. Ảnh | Reuters 

Không chỉ các “đại gia” kỹ thuật số lọt “tầm ngắm”

Mục tiêu ban đầu của GMT là nhắm tới các hãng công nghệ kỹ thuật số đa quốc gia kiểu như Amazon, Microsoft, Facebook hay Google. Các “ông lớn” kỹ thuật số này đăng ký kinh doanh ở những nước có mức thuế thấp và chính sách bảo mật thông tin doanh nghiệp cao, nhưng để né thuế, họ lại bán hàng hóa và dịch vụ ở những nước mà hãng không có trụ sở hoạt động. Ngoài ra, GMT theo đề xuất ban đầu cũng hướng áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm đạt ít nhất một tỷ USD. Nếu thực hiện như vậy, thì Mỹ sẽ là nước bị đánh thuế nhiều nhất. Các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số lớn nói trên đều của Mỹ và Mỹ hiện có 288 tập đoàn có quy mô doanh thu như trên.

Đây cũng chính là một trong những “nút thắt” trong suốt quá trình đàm phán về GMT khởi động từ năm 2013. Chính quyền Tổng thống Joe Biden không đời nào chấp thuận một thỏa thuận chỉ tập trung vào các công ty công nghệ vì cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và lỗi thời, bởi tính chất kỹ thuật số ngày càng tăng ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, để gỡ “nút thắt”, 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí phương án áp dụng GMT cho bất kỳ doanh nghiệp lớn nào có doanh thu toàn cầu từ khoảng 24 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận ít nhất 10%.

Sự thay đổi trên là hợp lý góp phần gia tăng số lượng các tập đoàn lớn phải tuân thủ các quy định cải cách thuế theo GMT. Bởi nếu không sẽ có quá ít số lượng các tập đoàn lớn, chỉ khoảng 100 tập đoàn có liên quan đến cuộc cải tổ thuế theo GMT, so với số lượng các công ty đa quốc gia đang lạm dụng các biện pháp để tối ưu hóa thuế như hiện nay. Hàng loạt các tập đoàn tài chính, khai khoáng có lợi nhuận khổng lồ, nếu theo những đề xuất ban đầu đều không phải là đối tượng của GMT. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, sáng kiến thuế mới này sẽ tác động đến 8.000 công ty đa quốc gia trên toàn thế giới.

Điều đáng nói là cho đến nay, các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn cũng đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch theo GMT, vì nó có thể giúp họ tránh được việc một số nước như Pháp và Anh tự lập ra các quy định riêng về thuế. Bài học từ Google mới đây bị Cơ quan Quản lý cạnh tranh của Pháp phạt 220 triệu euro (267 triệu USD) vì đã lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến. Đây là động thái mới nhất của nhà chức trách châu Âu nhằm thể hiện lập trường cứng rắn hơn với các “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ nói chung chứ không riêng gì Google, trong đó không loại trừ cả những “gọng kìm” thuế suất trong tương lai.

Công việc còn lại là lên một kế hoạch thực hiện chi tiết cũng như các vấn đề liên quan đến GMT, dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 10 năm nay. Về cơ bản, việc 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ký vào Tuyên bố là một lời khẳng định chắc chắn thỏa thuận này trước sau gì cũng sẽ được thực thi. Còn sau đó, không loại trừ sẽ có thêm các quốc gia tham gia vào thỏa thuận được cho là lịch sử này vì cánh cửa luôn được để ngỏ cho tất cả, nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất của một thỏa thuận mang tính toàn cầu.

Cơ hội cho Việt Nam?

Việt Nam được đánh giá là có thị trường nội địa tương đối lớn, nên GMT với mục tiêu buộc các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế cho cả các quốc gia thị trường, thì thỏa thuận này có thể mang những lợi ích cho Việt Nam. GMT sẽ cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế ở mức độ nào đó, trước hết là đối với các công ty công nghệ và thương mại điện tử có doanh thu lớn tại Việt Nam. Việt Nam đang bị thất thu lớn tiền thuế từ các giao dịch thương mại điện tử và Chính phủ đang tìm cách khắc phục tình trạng này.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống quản lý thuế cũng như nâng cao năng lực quản lý thuế nhằm đáp ứng các yêu cầu và phối hợp ở tầm quốc tế. Việt Nam gần đây đã thông qua Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế mới nhằm quản lý việc thu thuế từ các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhưng hiện chưa thể khẳng định nghị định mới sẽ đạt hiệu quả như thế nào trong việc tăng nguồn thu thuế từ các công ty này.

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích, Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm khả năng thu hút các công ty nước ngoài. Mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất theo GMT, nhưng Việt Nam có những quy định ưu đãi thuế riêng cho nhiều đối tượng doanh nghiệp. Chẳng hạn, hiện Việt Nam miễn thuế bốn năm, giảm 50% trong chín năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm cho các công ty công nghệ cao đủ điều kiện. Nếu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% được áp dụng, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đang được hưởng các ưu đãi thuế này ở Việt Nam đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của GMT, vì vậy tất cả những tác động còn cần thêm thời gian mới có thể bộc lộ rõ. Nhưng một điều có thể chắc chắn, một khi GMT được thực thi, khó có quốc gia nào trên thế giới nằm ngoài vùng ảnh hưởng trong bối cảnh các quốc gia và tổ chức hợp tác ở các khu vực và thế giới đang cho thấy quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ “vẽ lại” hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, thậm chí là thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này.