Bản sắc

Độc đáo Lễ hội Nến ở Ubon

Những tác phẩm điêu khắc bằng nến khổng lồ đặt trên xe tải, chậm rãi diễu hành qua đường phố trong tiếng nhạc tưng bừng, hòa cùng các nhóm vũ công ăn mặc rực rỡ, nhảy múa các vũ điệu truyền thống sống động, đầy mầu sắc. Đó là cảnh tượng choáng ngợp tại Lễ hội Nến ở tỉnh Ubon Ratchathani, đánh dấu sự khởi đầu của mùa mưa hằng năm ở Thái Lan.

Các nhà sư trang trí tượng nến trước khi đưa tới điểm trưng bày. Ảnh | Tổng cục Du lịch Thái Lan
Các nhà sư trang trí tượng nến trước khi đưa tới điểm trưng bày. Ảnh | Tổng cục Du lịch Thái Lan

Là một trong bốn tỉnh lớn ở vùng đông bắc Thái Lan, Ubon Ratchathani, hay còn được gọi tắt là Ubon, nằm hai bên bờ con sông Mun, bắt nguồn từ Khao Yai và kéo dài hơn 600 km về phía đông cho tới khi nó nhập vào sông Mekong ở biên giới Thái - Lào. Đối với người dân Ubon Ratchathani, nến là biểu tượng gắn bó với đời sống văn hóa của họ bởi nến không chỉ mang lại ánh sáng mà còn là biểu tượng của sự thịnh vượng. Bởi vậy, lễ rước nến đã trở thành một nét văn hóa thể hiện nhu cầu về tinh thần và tín ngưỡng, đồng thời cũng góp phần xây dựng gắn kết cộng đồng.

Lễ hội Nến ở Ubon Ratchathani được tổ chức hằng năm vào đầu mùa chay Phật giáo (Khao Phansa), trong hai ngày cuối tháng 7. Trên thực tế, cũng có khá nhiều nơi ở Thái Lan có lễ hội kiểu này, nhưng Lễ hội Nến ở Ubon Ratchathani được xem là nổi bật nhất bởi đây là một trong những tỉnh mang đậm nét truyền thống Phật giáo với nhiều chùa chiền nhất ở Thái Lan. Ubon Ratchathani còn là nơi có nguồn nguyên liệu sản xuất nến quan trọng, đó là sáp ong. Văn phòng Hoàng gia Thái Lan từng mua sáp từ Ubon Ratchathani để chế tạo nến cho hoàng gia.

Lễ hội có nguồn gốc từ những lễ nghi, truyền thống Phật giáo chung quanh mùa mưa của người dân Thái Lan thuở trước. Theo phong tục cổ xưa, trong ba tháng mùa mưa, các nhà sư phải nhập thất trong chùa của mình, thiền định hằng ngày và không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ phải tập trung vào việc cầu nguyện, suy ngẫm và đọc sách. Do các nhà sư Thái Lan thường sống bằng việc quyên góp thực phẩm và quà tặng thu thập được vào mỗi buổi sáng, họ sẽ phải chuẩn bị đầy đủ vật phẩm để tồn tại trong ba tháng mà không bị cạn kiệt nguồn cung cấp hoặc phải bước ra ngoài cổng chùa. Thời điểm đó, nguồn sáng duy nhất để thắp sáng các lối đi trong chùa và để các nhà sư đọc sách vào ban đêm là ánh sáng từ những ngọn nến. Bởi vậy, trong lễ cúng dường người dân luôn kèm theo nến. Và đó chính là sự là khởi đầu cho lễ hội ngày nay.

Ban đầu, người dân thường buộc những cây nến nhỏ lại với nhau thành một bó nến to và làm lễ rước đến chùa để quyên tặng các nhà sư. Việc bó các cây nến này với nhau thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Dần dần, khi việc sản xuất nến phát triển hơn, người ta bắt đầu đổ sáp thành những cây nến lớn với các hình chạm khắc trang trí đẹp mắt, chủ yếu là các câu chuyện Phật giáo và các mẫu hình truyền thống miền đông bắc Thái Lan để cúng dường. Sau đó, các cộng đồng dân cư bắt đầu tổ chức cuộc tranh tài để xem cộng đồng nào tạo ra được một tác phẩm điêu khắc nến ấn tượng nhất. Ngày nay, những tác phẩm dự thi được đưa ra diễu hành trên đường phố và trở thành sự kiện chính của lễ hội. Buổi tối trước buổi diễu hành, ban tổ chức lễ hội tổ chức kỷ niệm ngày Asahna Bucha, ngày kỷ niệm buổi giảng pháp đầu tiên của Đức Phật cho 5 đệ tử đầu tiên của mình sau khi Ngài giác ngộ.

Độc đáo Lễ hội Nến ở Ubon -0
Các nghệ sĩ biểu diễn trong lễ rước nến tại lễ hội. Ảnh | VERYUBON.COM 

Năm 1901, dưới thời Đức vua Rama V, Lễ hội Nến lần đầu tiên chính thức được tổ chức tại Ubon Ratchathani với cuộc diễu hành nến chung quanh thành phố. Từ đó đến nay, lễ hội này được tổ chức hằng năm với quy mô ngày càng phát triển. Đến năm 1940, cuộc thi nến bắt đầu được tổ chức và các nghệ nhân bắt đầu điêu khắc các hình chạm trổ hoa văn nổi với nhiều mầu sắc khác nhau trên các tác phẩm nến. Các tác phẩm tham dự cuộc thi được chia thành hai hạng mục đối với mỗi kích thước lớn, vừa và nhỏ. Tác phẩm chiến thắng sẽ được trưng bày ở chùa trong suốt cả năm và sẽ được đưa ra diễu hành một lần nữa vào lễ hội năm sau. Trong khi đó, các tác phẩm khác sẽ được nấu chảy ra để làm nguyên liệu chế tạo tác phẩm tham dự cuộc thi tiếp theo, đúng theo tinh thần của Phật giáo là không có gì tồn tại vĩnh viễn.

Từ những bó nến nhỏ thuở xa xưa, giờ đây các tác phẩm dự thi đã trở thành những khối nến hùng vĩ, cao hơn 5 mét và dài gần 20 mét. Để hoàn tất tác phẩm, các nghệ nhân và các nhà sư phải mất gần ba tháng chế tác và hoàn thiện. Điểm đặc biệt ở lễ hội nến là sức sáng tạo vô biên của người dân khiến các tác phẩm nến không bị trùng lặp qua các năm. Hình chạm khắc trên mỗi tác phẩm thường mô tả những truyền thuyết của đạo Hindu, đạo Phật với những sinh vật thần thoại voi ba đầu, chim thần Garuda nay thần rắn Naga... Mỗi hình ảnh đều được các nghệ nhân trau chuốt, quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhất. 

Trước ngày diễn ra lễ rước, sau khi được các nghệ nhân hoàn tất những nét điêu khắc cuối cùng, gắn biển tên chùa và trang trí bằng hoa, các tác phẩm dự thi sẽ được đưa ra triển lãm tại khu vực quanh Thung Si Muang. Dưới ánh đèn trang trí rực rỡ, những tác phẩm điêu khắc từ nến càng trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Tất cả mọi người đều háo hức chờ mong được chiêm ngưỡng và chụp hình cùng những bức tượng nến hoành tráng này. 

Là sự kiện chính của lễ hội nến, lễ diễu hành tại khu vực Thung Si Muang có sự tham gia của tất cả các quận, chùa trong tỉnh và có cả những đoàn từ các tỉnh khác. Số đoàn rước tham gia buổi lễ mỗi năm ước tính lên tới 65 đoàn, trong đó có cả đoàn rước ngọn nến Hoàng gia do Đức vua Thái Lan gửi tới. Các tác phẩm điêu khắc được đặt trên xe để di chuyển dọc con đường diễu hành. Mỗi đoàn rước sẽ có các nhạc công và nghệ sĩ nhảy múa dẫn đoàn. Được luyện tập trong nhiều tháng, các nghệ sĩ mặc quần áo sặc sỡ nhảy múa theo các bài hát dân gian và nhịp điệu của trống và khèn để ca ngợi nhà vua và nền văn hóa nông nghiệp của họ. Những bản nhạc và điệu múa vô cùng sống động, đầy sắc màu, hòa cùng với các tác phẩm điêu khắc công phu, tinh xảo, tạo nên một cảnh tượng khó quên đối với những người chứng kiến. Buổi lễ rước nến kéo dài từ đầu buổi sáng cho tới tận chiều tối.

Tại lễ hội còn có các buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng được tổ chức, hàng loạt các hoạt động văn hóa, triển lãm các đồ thủ công và điêu khắc do các nghệ nhân địa phương chế tác cùng các trò chơi, các gian hàng đồ ăn truyền thống. Người dân địa phương cùng với du khách tấp nập đổ về khu vực triển lãm, không chỉ để ngắm nhìn các lâu đài khổng lồ bằng nến, mà còn để thưởng thức bầu không khí lễ hội náo nhiệt, tưng bừng. Những người yêu thích ẩm thực cũng có cơ hội thưởng thức vô số các món ăn đường phố tại các cửa hàng tại lễ hội.

Ngày nay, Lễ hội Nến ở Ubon Ratchathani đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn của Thái Lan. Tham dự cuộc thi không chỉ có các tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân trong vùng, mà còn có cả nghệ nhân từ nhiều địa phương khác. Trong hai năm qua, dù đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, chính quyền và người dân Ubon Ratchathani vẫn nỗ lực duy trì truyền thống tốt đẹp này. Năm 2021, mặc dù các cuộc rước nến phải bị hủy bỏ do tình hình dịch căng thẳng, nhưng Ban tổ chức đã chuyển sang tổ chức lễ hội theo hình thức trực tuyến. Các quận, chùa tổ chức thi qua mạng, và được chấm điểm bằng số lần bấm “like” của người xem. 

Đối với người dân Ubon Ratchathani, Lễ hội Nến còn là thời gian để gia đình, bạn bè và những người xa lạ gặp gỡ và ăn mừng thông qua các hoạt động lễ hội và trò chơi. Trải qua hơn 100 năm, lễ hội này đã trở thành một truyền thống đáng tự hào của người dân nơi đây. Trong ánh nến lung linh rực rỡ sắc mầu, sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh thần đoàn kết, vẻ đẹp của lối sống giản dị và tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây càng tỏa sáng lấp lánh.