Cuộc chiến cân não

“Thế giới được định hình bởi các siêu cường” - luận điểm đó chưa bao giờ cũ và nó càng được chứng tỏ qua đời sống chính trị quốc tế trong năm 2021. Nói cho đúng hơn, đời sống quốc tế của năm 2021 phần nào được định hình qua các mối quan hệ nước lớn, cụ thể là giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh Nga-Mỹ mà về cơ bản, chưa bao giờ là dễ dàng...

Ðàm phán an ninh Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 1/2022. Ảnh | Reuters
Ðàm phán an ninh Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 1/2022. Ảnh | Reuters

Sức ép với Nga không ngừng tăng lên

Khi ông Joe Biden bước vào Nhà trắng một ngày hạ tuần tháng 1/2021 trên cương vị Tổng thống của nước Mỹ, thế giới chưa thể hình dung ra được quan hệ giữa Mỹ với nước Nga sẽ như thế nào.

Đến cuối năm 2021 thì mọi sự dường như sáng tỏ: Đấy là mối quan hệ cạnh tranh quyết liệt, trong nhiều thời điểm đạt gần đến mức đối đầu. Tuy đan xen giữa trạng thái căng thẳng thỉnh thoảng vẫn có những lời mời mọc đối thoại nhằm làm dịu tình hình nhưng tính chất gay gắt của quan hệ giữa Mỹ với Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị quốc tế của năm 2021.

Suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ Xô-Mỹ luôn là trục chính sách cơ bản chi phối hầu hết các mối quan hệ khác trên thế giới, thậm chí trong bối cảnh chia thành hai hệ thống chính trị xã hội, nó còn định vị vị thế của nhiều quốc gia. Khi Chiến tranh lạnh chấm dứt vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nước Nga kế thừa Liên Xô, trong khoảng thời gian 15 năm, Mỹ chiếm giữ vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới.

Mỹ đã lợi dụng ưu thế tuyệt đối đó để tiến hành các bước đi chiến lược nhằm duy trì vị thế thống trị của mình để xác lập trật tự thế giới theo những lợi ích của Washington mà một trong những bước đi quan trọng nhất là hết tốc lực mở rộng NATO, đẩy không gian ảnh hưởng của Mỹ đến sát đến đường biên giới của Nga đến hết mức có thể.

Nhưng hiện trạng đó không kéo dài được lâu. Nước Nga dưới chính quyền của Tổng thống V.Putin, người dù ở cương vị Thủ tướng hay Tổng thống cũng đều có ảnh hưởng to lớn trên chính trường, đã từng bước tìm lại vị thế siêu cường của mình. Thế nên điều không tránh khỏi là Mỹ, bằng mọi biện pháp, tìm cách gây sức ép để ngăn ngừa khả năng Nga một lần nữa vươn lên trở thành đối thủ như thời Chiến tranh lạnh.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, sức ép đối với Moscow không ngừng tăng lên. Mỹ viện cớ Nga tiến hành các hoạt động gián điệp, can thiệp bầu cử và tấn công mạng để tiến hành các hoạt động trừng phạt, đồng thời vẫn tiếp tục dùng vấn đề Crimea như là đòn bẩy để gây sức ép với Nga.

Đến thời của Tổng thống Biden từ đầu năm 2021, quan hệ Nga-Mỹ tụt xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đi ngược với xu hướng làm tổn hại các mối quan hệ với đồng minh NATO của ông Trump, Tổng thống Biden đã cố gắng tái lập chức năng quân sự của NATO, không ngừng chỉ trích Nga trong các vấn đề như Ukraine, Belarus, nhân quyền, an ninh, tập hợp lại đồng minh trong một mặt trận chung nhằm gây sức ép với Moscow.

“Món gà Kiev”

Biểu tượng của mối quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2021 là những xung đột xung quanh vấn đề Ukraine. Từ nhiều năm qua, Moscow vẫn chỉ trích Ukraine không thực hiện thỏa thuận Minsk hồi tháng 2/2015, theo đó một trong những điều khoản căn bản là quân đội Ukraine và lực lượng đối lập phải ngừng bắn ở khu vực miền Đông Ukraine.

Thế nhưng có một “điều khoản” không ghi trong văn bản lại khiến cho quan hệ Nga-Mỹ luôn mấp mé bên bờ vực của khủng hoảng. Đấy là việc sau sự sụp đổ của Liên Xô hồi đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, phía NATO đã cam kết với các nhà lãnh đạo Liên Xô (trước đây) là NATO “sẽ không tiến về phía Đông thêm 1 cm nào!”.

Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống Mỹ khi ấy là George H.W. Bush đã có chuyến thăm Ukraine; trong chuyến thăm này, ông cảnh báo Kiev là đừng có mơ một ngày nào đó sẽ gia nhập NATO. Phía Ukraine chỉ ậm ừ theo kiểu ngoại giao, không phản đối cũng không tán thành, nhưng đằng sau hậu trường, đã ví lời khuyên năm đó của vị tổng thống thứ 41 của Mỹ là “món gà Kiev”, một món ăn nổi tiếng ở thủ đô Ukraine nhưng nói đến “con gà” thì cũng ám chỉ một người mềm yếu, thiếu can đảm.

Vật đổi sao dời, kể từ năm 1991, NATO đã có tới 5 lần mở rộng, kết nạp nhiều thành viên cũ của khối Đông Âu, thậm chí cả các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết (trước đây). NATO đã mở rộng về phía Đông và theo như mô tả của Tổng thống Nga V.Putin thì “họ đã ở ngay trước cửa nhà của chúng ta!”.

Kể từ năm 2008, khi vấn đề Ukraine gia nhập NATO được đặt ra, cho dù NATO chưa có động thái thực tế nào để biến điều đó trở thành hiện thực nhưng các chính quyền nối tiếp nhau ở Ukraine liên tục thể hiện mình không phải là “món gà Kiev”. “Mối đe dọa từ phía Nga” là lập luận mà các nhà lãnh đạo Ukraine thường nêu ra để biện luận cho đề nghị gia nhập NATO của Kiev.

Mỹ và phương Tây cũng chưa một lần cam kết sẽ không kết nạp Ukraine vào NATO.

Lời cảnh báo từ Moscow

Đương nhiên là Moscow không thể ngồi yên trước nguy cơ tên lửa của NATO đang được bố trí ngày càng sát gần với các thành phố lớn của Nga. Trong năm 2021, Nga đã có hai lần động binh rầm rộ áp sát biên giới với Ukraine. Lần đầu vào tháng 4, 100.000 quân được triển khai sao cho phương Tây có thể theo dõi được từng động thái di chuyển của các đơn vị này. Đến khi tình hình căng thẳng tưởng chừng như không còn đường lùi thì bất chợt Nga rút quân, nêu lý do những cuộc diễn tập đã chấm dứt.

Nhưng đến cuộc động binh dịp cuối năm 2021 thì không chỉ Ukraine mà cả châu Âu phập phồng lo sợ. Bởi vì không chỉ số quân tăng lên 175.000 người mà kèm theo đó còn 500 xe tăng và các đơn vị cơ động và toàn bộ hoạt động triển khai được tiến hành trong âm thầm, tránh mọi khả năng thu thập thông tin của tình báo phương Tây.

Đến khi châu Âu hoảng hốt về một cuộc chiến tranh đang tới gần thì diễn ra cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống hai nước vào đầu tháng 12/2021. Trong cuộc hội đàm này, Tổng thống Biden nói rất rõ rằng nếu Nga đưa quân vào Ukraine thì sẽ phải chịu “những hậu quả kinh tế nghiêm trọng”, một lời đe dọa mà Moscow không chỉ nghe đã quen tai mà còn phải ít nhiều hứng chịu trên thực tế qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong suốt một thời gian dài qua liên quan đến việc Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014.

Vậy Moscow thực sự muốn gì qua những cuộc động binh thời gian gần đây ở vùng biên giới giữa Nga với Ukraine?

Điều đó đã được Nga làm rõ từ lâu, không chỉ một lần, thông qua những thông điệp liên tục về “giới hạn đỏ”: Mỹ cần phải sớm tiến hành các cuộc đàm phán với Nga về các bảo đảm an ninh có ràng buộc pháp lý, theo đó NATO cam kết ngừng mở rộng về phía Đông, hạn chế triển khai quân đội hoặc vũ khí ở Ukraine mà có thể được sử dụng để tấn công Nga.

Sự bất an của Moscow đã khởi đầu từ giữa những năm 2000, khi NATO lần đầu tiên mở rộng sang khu vực các nước trước đây thuộc Liên Xô bằng cách kết nạp Estonia, Latvia và Litva vào tổ chức này. Tiếp đó, việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania lại càng khiến cho Nga lo ngại. Thế cho nên những cuộc động binh trong năm 2021 chắc chắn không phải là những lời cảnh báo cuối cùng mà Nga gửi tới Mỹ và phương Tây.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong quan hệ với nước Nga chung quanh vấn đề Ukraine, Mỹ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nếu xoa dịu Nga bằng cách đưa ra một cam kết bảo đảm không kết nạp Ukraine vào NATO thì khác nào tung cờ trắng chấp nhận thất bại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Âu với đối thủ của mình; đó là điều mà Mỹ không bao giờ có thể chấp nhận.

Nhưng nếu lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn thì liệu Mỹ có thể đi xa đến đâu nếu như Nga lựa chọn phương thức cũng cứng rắn với Ukraine?

Cách tốt nhất là sử dụng sức mạnh của liên minh, chia sẻ rủi ro với Mỹ qua việc thúc đẩy châu Âu tham gia cùng với Mỹ trong các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như nhắm vào xuất khẩu năng lượng của Nga hay loại nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Đó là những biện pháp theo hướng “lưỡng bại câu thương”, chắc chắn sẽ làm tổn thương các nền kinh tế châu Âu hơn là kinh tế Mỹ; như vậy, dễ gì Brussels chịu hy sinh những lợi ích thiết yếu của mình vì một quốc gia chưa phải thành viên NATO mà cũng chẳng phải thuộc EU!

Tất cả những gì mà Mỹ có thể làm chỉ là tự mình sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Mỹ hiện nắm con bài chủ lực là chiếm ưu thế về tài chính, khi các thể chế của Nga vẫn phụ thuộc vào việc thanh toán bằng đồng USD, tài sản của giới tinh hoa Nga vẫn cần các “thiên đường thuế” của Mỹ và phương Tây.

Thế nên toàn bộ triển vọng của quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2022 nằm ở chỗ: Moscow phải trả lời câu hỏi là nếu Nga có các hành vi quyết đoán ở Ukraine, liệu Mỹ và phương Tây có áp dụng những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hay không? Còn câu hỏi mà Mỹ phải trả lời cũng đau đầu không kém: đâu là giới hạn những hành động của Nga chung quanh Ukraine và nếu có nhượng bộ thì bao nhiêu là đủ?

Đấy vẫn là một cuộc chiến tranh cân não với những câu hỏi khó trả lời.