Bản sắc

Con gái rượu Thiệu Hưng

Thiệu Hưng là một thành phố cỡ vừa của tỉnh Chiết Giang, miền nam Trung Quốc. 

Ảnh | BAITAWINE
Ảnh | BAITAWINE

Từ lâu đời ở đây còn lưu truyền một câu chuyện như sau: Vào thời Tống, có một người thợ may lành nghề ở Thiệu Hưng khi biết tin vợ có thai đã rất mừng, hy vọng đứa bé là con trai để sau này nối nghiệp mình. Ông liền đặt người nấu hai chục hũ rượu nếp to, để dành cho ngày ăn đầy tháng đứa trẻ. Đến khi người vợ hạ sinh một bé gái, ông thất vọng và quyết định không tổ chức lễ đầy tháng linh đình nữa, bèn chôn phần lớn các hũ rượu kia xuống gốc cây hoa mộc trong vườn và quên bẵng. Thời gian thấm thoắt trôi đi, bé gái đã trở thành một thiếu nữ. Không chỉ xinh đẹp, cô gái còn rất khéo tay và thông minh. Cô học được hết các kỹ thuật thêu thùa, may vá, quản lý sổ sách và làm cho hiệu may làm ăn phát đạt hẳn lên, phải thuê thêm người làm. Ông thợ may khi đó mới hiểu ra rằng cô con gái mình thật là báu vật trời cho. Ông tìm cách sắp đặt cho con gái lấy người thợ học việc giỏi nhất của mình để sau này cửa hiệu vẫn được người nhà duy trì. Đám cưới diễn ra linh đình. Khách khứa ra vào tấp nập, cỗ bàn bày chật sân. Do đông khách quá nên đang ăn uống thì hết rượu. Bí quá, ông chủ hiệu may mới nhớ ra những hũ rượu chôn dưới gốc cây ngày xưa. Ông vừa đào lên vừa thấp thỏm, không biết sau mười tám năm, rượu có còn uống được hay không? Mới mở nắp hũ rượu ra thì một mùi thơm ngọt ngào tỏa khắp căn nhà. Khách mời dùng thử đều tấm tắc khen rằng đây đúng là loại rượu ngon nhất từ trước đến giờ họ từng uống. Câu chuyện sau đó được truyền tụng, dần dần trở thành truyền thống ở Thiệu Hưng. Hễ nhà nào sinh được con gái thì sẽ hạ thổ rượu trong vườn, đến khi con gái đi lấy chồng thì mới lấy lên dùng trong tiệc cưới. Rượu này gọi là “Nữ nhi tửu” hay “Nữ nhi hồng” (vì trang trí hũ rượu mầu đỏ mừng cưới). Từ đấy mà sinh ra thuật ngữ “con gái rượu” nhằm chỉ cô con gái được yêu quý, khi đi lấy chồng thì cha mẹ phải “tốn” rất nhiều “rượu con gái” quý giá.

Nữ nhi tửu trở thành một lễ vật không thể thiếu trong đồ hồi môn của nhà gái vùng Thiệu Hưng. Những gia đình nhà gái giàu có thường trang trí những hũ rượu này rất cầu kỳ, với hình hoa, long phượng, song hỷ nên rượu này còn gọi là “Hoa điêu tửu” (rượu khắc hình hoa). Gia đình càng giàu thì số rượu gửi đến lễ cưới càng nhiều. Trong lễ cưới mà uống không hết thì nhà trai lại hạ thổ lần nữa, đợi đến khi cháu gái lấy chồng. Loại rượu 40 năm tuổi này gọi là “Thái điêu”, sau ngần ấy năm nó rất đậm và đặc, phải pha thêm với ba phần tư rượu mới thì mới uống được. Một hũ rượu Thiệu Hưng 50 lít ủ từ những năm 90 hiện nay đã có giá vào khoảng 30 vạn Nhân dân tệ, tức hơn một tỷ đồng Việt Nam. Tương tự với nhà đẻ con trai thì cũng chôn rượu xuống đất, năm 18 tuổi khi mà ngày xưa đi thi làm quan, ngày nay thi đại học thì mới lấy lên gọi là “Trạng nguyên hồng”.

Nếu hỏi người Trung Quốc rằng thành phố Thiệu Hưng nằm ở đâu thì không nhiều người biết, nhưng hỏi Thiệu Hưng có đặc sản gì thì ai cũng có thể trả lời đó là rượu Thiệu Hưng. Rượu Thiệu Hưng (phiên âm quốc tế là Shaoxing) không chỉ là một đồ uống có cồn hảo hạng, mà còn là một nguyên liệu rất phổ biến dùng trong chế biến đồ ăn Trung Hoa, nên lại được biết đến rộng rãi trên thế giới dưới dạng “rượu gạo nấu ăn”.

Rượu Thiệu Hưng là loại rượu gạo được ủ lên men có mầu vàng nên gọi là hoàng tửu, có độ cồn từ 10 - 20%, phân biệt với bạch tửu (rượu trắng) là rượu được chưng cất, có nồng độ cồn cao 35 - 50% như kiểu Mao Đài. Tương tự như các loại rượu gạo khác ở Đông Á, rượu Thiệu Hưng được ủ để chuyển tinh bột trong cơm rượu thành đường, rồi dùng men gạo đỏ để lên men đường thành rượu. Rượu thành phẩm có mầu vàng sóng sánh như mật ong, thơm nhẹ và ngọt dịu. Cũng giống sake của Nhật, nguồn nước được coi là nguyên liệu quan trọng nhất để quyết định chất lượng của rượu. Nước làm rượu Thiệu Hưng được lấy từ hồ Giám trong veo, rất tinh khiết, khiến hoàng tửu ở vùng này thơm ngon hơn hẳn các nơi khác. Có câu thơ lưu truyền rằng:

Cấp thủ môn tiền Giám hồ thủy

Nhưỡng đắc Thiệu tửu vạn lí hương.

Nghĩa là:

Lấy nước Giám hồ ngay trước cửa

Làm ra Thiệu tửu vạn dặm thơm.

Nước hồ Giám do chảy từ suối trên núi Cối Kê xuống, thấm qua nhiều lớp cát và đá, lại lọc qua lớp than bùn dưới đáy hồ nên trong, ngọt và không có tạp chất. Truyền thuyết về sự ra đời của nghề nấu rượu ở Thiệu Hưng cũng gắn liền với câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật 10 năm chờ đánh nước Ngô.

Sau khi Câu Tiễn xưng thần, nước Việt nhận làm chư hầu của Ngô, Văn Chủng là quân sư, bày kế cho Câu Tiễn xin vay thóc nước Ngô. Văn Chủng sang Ngô vay được một vạn hộc thóc. Năm sau, khi nước Việt được mùa, Văn Chủng đề nghị đem một vạn hộc thóc loại tốt nhất sang trả lại để tạo lòng tin với vua Ngô. Trước khi đem thóc sang trả, Văn Chủng cho đào hàng trăm cái hố cạnh hồ Giám, nhóm lửa, rồi cho múc nước vào chảo luộc hết thóc lên. Thóc đem sang vừa mẩy vừa trông như bình thường nên người Ngô đem cất vào kho làm thóc giống. Thóc ấy đem ra gieo không nẩy nầm, năm sau nước Ngô bị đói. Từ đấy nước Ngô suy yếu, vài năm sau nước Việt diệt nước Ngô. Sau khi chiến thắng, dân nước Việt lấy nước hồ nấu gạo rồi ủ rượu, làm ra loại rượu Thiệu Hưng nổi tiếng đến nay.

Con gái rượu Thiệu Hưng -0
Thiệu Hưng hoa điêu tửu. 

Với khoảng bốn triệu dân, Thiệu Hưng chỉ là một thành phố nhỏ ở Trung Quốc, nhưng đây lại là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng ở các lĩnh vực văn hóa - chính trị như nhà thư pháp Vương Hi Chi đời Tống, nhà văn Lỗ Tấn, nhà nữ cách mạng Thu Cẩn, Thủ tướng Chu Ân Lai hay diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng chuyên vai Tôn Ngộ Không. Thủ tướng Chu Ân Lai nổi tiếng là người có tửu lượng phi thường, được đặt biệt danh là “thiên bôi bất túy” (nghìn chén không say). Nhưng người đã vô tình quảng bá nghề làm rượu và văn hóa uống rượu đặc trưng của Thiệu Hưng rộng rãi nhất có lẽ là nhà văn Lỗ Tấn qua các tác phẩm của ông. Điều này thể hiện rõ nhất ở truyện ngắn Khổng Ất Kỷ nói về một kẻ sĩ thất thế khi thời cuộc thay đổi, vẫn thường đến uống rượu ở Hàm Hanh tửu điếm. Quán rượu Hàm Hanh chính là một điển hình cho văn hóa uống rượu ở Thiệu Hưng. Năm 1981, nhân dịp 100 năm ngày sinh Lỗ Tấn, người ta đã phục dựng lại quán rượu này đúng như nguyên bản và trở thành một điểm hẹn văn hóa, điểm đến du lịch nổi tiếng.

Việc uống rượu ở Thiệu Hưng là một việc thường nhật giống như nơi khác người ta uống cà-phê, trà đen hay nước chè xanh vậy. Bởi thế, các quán rượu thường có một cái quầy ngay mặt đường để người qua đường dừng chân uống rượu. Rượu ở đây uống bằng bát, và thường hâm nóng trước khi uống nên trong quầy có sẵn nồi nước sôi. Thiệu Hưng còn nổi tiếng với nghề đúc đồ thiếc, nên các bình rượu cũng được làm bằng thiếc, trông như ấm trà thông thường, nhưng lại có hai lớp, rượu rót vào lớp trong, còn nước sôi rót vào giữa hai lớp thiếc để giữ cho rượu được ấm lâu. Quầy rượu mặt đường dành cho tầng lớp lao động đứng uống, tạt qua giải khát cuối mỗi ngày làm việc, mà Lỗ Tấn gọi là những người “áo ngắn”. Còn phòng phía trong, ngăn riêng là dành cho những người “áo dài”, gọi món nhắm, khề khà ngồi uống. Nhưng cái thú nhấp một ngụm rượu nóng, nhâm nhi đĩa đậu ướp hoa hồi, nhẩn nha chuyện trò thì chẳng phân biệt sang hèn. Như một nhà văn quê Thiệu Hưng sống ở nước ngoài đã viết, cảnh tượng đáng nhớ nhất trong ký ức của bà về quê hương là những người đứng dựa vào quầy rượu bên hè phố chuyện trò vui vẻ, mầu rượu vàng óng ánh hòa cùng ánh chiều tà vàng ruộm khiến một ngày lao động vất vả chầm chậm trôi đi.