Chuyện của những tấm thảm cổ Azerbaijan

Dệt thảm ở Azerbaijan không chỉ là nghề thủ công đơn thuần mà còn là một trong những nghệ thuật cổ xưa nhất của vùng Caucasus, có từ thời kỳ đồ đồng. Thảm đã là trung tâm của nghệ thuật và văn hóa của Azerbaijan trong hàng nghìn năm qua.

Nhìn từ ngoài, bảo tàng giống như một tấm thảm cuộn khổng lồ.
Nhìn từ ngoài, bảo tàng giống như một tấm thảm cuộn khổng lồ.

Bà Anar Kerimov, Bộ trưởng Văn hóa của Azerbaijan cho rằng thảm là một biểu tượng của văn hóa Azerbaijan: “Đó là di sản mà chúng tôi được kế thừa từ tổ tiên và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều thế kỷ. Nó thân thương và gần gũi với người dân Azerbaijan đến nỗi bạn có thể tìm thấy tấm thảm trong mọi ngôi nhà và mọi gia đình nơi đây”.

Bảo tàng Thảm Azerbaijan có sức thu hút đặc biệt đối với cả người dân địa phương và du khách đến Baku. Tòa nhà do kiến trúc sư người Áo Franz Janz thiết kế nhìn từ bên ngoài trông giống như một tấm thảm cuộn khổng lồ, được mở cửa vào năm 2014. Bảo tàng là nơi có bộ sưu tập thảm lớn nhất trên thế giới cũng như các hiện vật khảo cổ và hàng thủ công dân gian, bao gồm gốm sứ, đồ thêu và đồ trang sức, với hơn 10.000 hiện vật.

Một trong những tấm thảm lâu đời nhất được trưng bày tại Bảo tàng Thảm Baku là từ thế kỷ 17 của Trường học về thảm Tabriz. Tabriz là một thành phố ở phía nam Azerbaijan, đã thành lập trường dạy thảm của riêng mình trong thời Trung Cổ. Thảm phong cách Tabriz có xu hướng mô tả cảnh săn bắn, hình ảnh từ các bài thơ của Nizami và Omar Khayyam cũng như các truyền thuyết phổ biến được lưu truyền. Hoa lá trang trí cho các tấm thảm được dệt công phu, sặc sỡ. Mẫu vật lâu đời nhất của bảo tàng từ Trường Tabriz, được gọi là Shah Abbas mô tả cảnh săn bắn với mầu sắc xanh đậm và đỏ sẫm. (Shah Abbas (1587-1629) là một vị vua Azerbaijan và Safavid, người đã Ba Tư hóa đất nước). Thiết kế phức tạp, tinh tế của tấm thảm vay mượn từ phong cách nghệ thuật thu nhỏ của Trường nghệ thuật thu nhỏ Tabriz từ thế kỷ thứ 16.

Chuyện của những tấm thảm cổ Azerbaijan -0
Trưng bày thảm và trang phục truyền thống tại bảo tàng. 

Một số tấm thảm được trưng bày là vật gia truyền của gia đình được bán hoặc tặng cho bảo tàng. Chiếc “Khurjun” (túi yên ngựa) năm 1724 được trưng bày là do một cô dâu tặng cho người chồng tương lai của mình. Cô dâu thường tặng một chiếc túi yên ngựa và áo đi ngựa cho chú rể như một món quà cưới. Tấm thảm còn hầu như nguyên vẹn, cho thấy có lẽ nó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng không bao giờ được sử dụng. Thiết kế của túi yên ngựa bao gồm một loạt hình kim cương, một hoa văn đặc trưng cho thảm Gobustan của trường phái Shirvan. Các mầu sắc rực rỡ như đỏ, xanh lá cây, xanh dương và trắng chiếm ưu thế trên tấm vải 118 cm x 47 cm.

Một món quà cưới khác là Chul (áo cưỡi ngựa) được làm vào năm 1727. Loại vải này cũng được làm theo phong cách Shirvan, nhưng lớn hơn một chút và có thiết kế khác với túi yên ngựa. Trên đó có hình loài chim thần thoại tượng trưng cho ước nguyện hạnh phúc với mầu sắc chủ đạo là đỏ đậm, xanh lục nhạt, vàng và xanh đậm.

Một trong những hiện vật trưng bày nổi bật nhất của bảo tàng là tấm thảm Bài hát của các thế kỷ của Latif Karimov, được sản xuất năm 1980, kết hợp các họa tiết cổ xưa từ các trường phái thảm khác nhau của Azerbaijan. Con người, các loài chim thần thoại và các loài động vật khác đều mặt có trong sự tưởng nhớ lịch sử dệt thảm Azerbaijan này. Mầu xanh đậm và đen tương phản với các sắc thái nhẹ hơn như trắng và vàng.

Bảo tàng chuyên biệt này được thành lập lần đầu tiên vào năm 1967 với tên gọi Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Thảm Azerbaijan, dành riêng cho nghệ thuật dệt thảm. Bảo tàng bắt đầu thu thập, nghiên cứu và trưng bày nhiều loại thảm và các kiểu dệt truyền thống được tìm thấy ở Azerbaijan trước và trong thời kỳ Xô-viết. Triển lãm đầu tiên được tổ chức vào năm 1972, khi bảo tàng được đặt trong Nhà thờ Hồi giáo Juma thế kỷ 19, nằm trong thành phố cổ có tường bao quanh của Baku. Bảo tàng được chuyển đến địa điểm mới vào những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Đến năm 2007, chính phủ đã quyết định phổ biến văn hóa của đất nước và thành lập Công viên Seaside, nơi đặt bảo tàng thảm mới.

Bà Shirin Melikova, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Các hình trang trí trên thảm có thể kể lại câu chuyện về từng thời kỳ. Tất cả chúng đều có ý nghĩa sâu sắc mà nếu bạn hiểu được chúng, thậm chí, bạn có thể đọc và tìm ra những nét đặc trưng của từng thời đại trong lịch sử.

Tại bảo tàng này, sự phát triển của thảm Azerbaijan được trưng bày từ các tấm thảm dệt đơn giản đến các hình thức dệt ngày càng phức tạp, chẳng hạn như jejim, ladi, palas, kilim, shadda, varni, zili và sumakh được khám phá ngay tầng thứ nhất. Bên cạnh những tấm thảm dệt phẳng này là những phát hiện khảo cổ học, xác nhận nguồn gốc cổ xưa của nghề thủ công này, có thể có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên và các cuộc khai quật ở Gultapin đã phát hiện ra các công cụ dệt thảm có thể có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 4 đến thứ 3 trước Công nguyên. Lịch sử lâu đời này nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa nghệ thuật dệt thảm cổ xưa với truyền thống và phong tục bản địa.

Chuyện của những tấm thảm cổ Azerbaijan -0

Bộ sưu tập thảm dệt phẳng bao gồm hơn 600 tấm, chủ yếu có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 và được phân biệt bởi kỹ thuật dệt cũng như bố cục, cách trang trí và phối mầu theo từng khu vực. Phong cách palas và jejim được đặc trưng bởi các sọc mầu có độ rộng khác nhau và được dệt bằng kỹ thuật đan kết đơn giản. Còn kilims được trang trí với nhiều họa tiết hình học khác nhau bao gồm các biểu tượng bốn và sáu cánh, thường bao gồm một hình mề đay, kilimgulu, được dệt bằng kỹ thuật đan kết phức tạp. Các loại thảm dệt phẳng khác, chẳng hạn như varni, shadda, zili và sumakh đều được dệt bằng cách quấn sợi ngang xung quanh sợi dọc, cho phép tạo ra một con rồng cách điệu theo hình dạng của chữ ‘S’ hoặc ‘Z’, với các họa tiết nhân hóa và các họa tiết thực vật. Những kiểu dệt phẳng này làm ra các tấm thảm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như trải sàn, trải lều rèm, chăn, cũng như dùng làm khăn trải bàn và các loại vải gia dụng khác.

Tuy nhiên, những tấm thảm thắt nút mới là cốt lõi của bộ sưu tập với hơn 2.300 món đồ có niên đại từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, đại diện cho bốn kiểu dệt thảm chính ở Azerbaijan: Guva-Shirvan, Ganja-Gazakh, Karabakh và Tabriz. Theo phong cách này, đã có hơn 600 thiết kế cổ được ghi lại với tấm thảm lâu đời nhất trong bộ sưu tập là thiết kế Ajdahali (rồng) từ thế kỷ 17 theo phong cách Karabakh, được tặng cho bảo tàng vào năm 2013.

Các họa tiết và ý nghĩa của chúng và một loạt các biểu tượng được sử dụng ở Azerbaijan, không chỉ trong việc làm thảm mà còn phổ biến trong nghệ thuật dân gian và thủ công. Buta là một trong những họa tiết được sử dụng rộng rãi trên khắp châu Á và đặc biệt thịnh hành trên thảm. Biểu tượng này ở Azerbaijan liên kết với ngọn lửa thần thánh được tôn thờ ở đất nước này trong hàng thiên niên kỷ dưới hình thức hỏa giáo-tôn giáo chủ yếu ở Iran trước khi khu vực này chuyển sang Hồi giáo. Mô típ rồng cũng khá phổ biến trên thảm.

Trong các nền văn hóa phía Đông và Trung Á, rồng là biểu tượng gắn liền với trời, quyền lực và khả năng sinh sản. Các họa tiết hình chữ S, hình ảnh cách điệu của rồng, được sử dụng như một yếu tố trang trí chính trong phong cách Garabakh và Gazakh Varni. Theo các chuyên gia, những sáng tác như vậy phản ánh tư tưởng triết học về sự hợp nhất của trời và đất. Thảm ‘rồng’ được có đặc trưng bố cục ngắn gọn, sự phong phú của các yếu tố trang trí và bảng mầu phức tạp. Ngoài ra còn có các họa tiết rất được ưa chuộng như mô típ cây đời, tôn giáo, hình thánh giá, chữ viết và tất cả đều mang ý nghĩa biểu tượng của nó…

Năm 2018, Tổng thống Ilham Aliyev đã ký sắc lệnh phê duyệt Chương trình Nhà nước về bảo vệ và phát triển nghệ thuật thảm ở Cộng hòa Azerbaijan từ năm 2018 đến năm 2022. Bà Shirin Melikova, Giám đốc Bảo tàng Thảm cho biết, điều này đã tạo điều kiện cho các hoạt động của bảo tàng thêm phong phú và chuyên sâu, từ việc mua lại và khôi phục các hiện vật quý hiếm, tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu cho đến việc trưng bày trong và ngoài nước, đồng thời “cung cấp các bài giảng của các nhà khoa học, sử học, dân tộc học và sử học nghệ thuật, đồng thời tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học”...

“Nhà tôi là nơi tôi trải thảm” câu nói của người xưa thể hiện rõ sự thân thuộc của tấm thảm trong đời sống của người Azerbaijan. Năm 2010, nghệ thuật dệt thảm truyền thống của Azerbaijan đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công nhận tầm quan trọng và vị trí của nó trong nền văn hóa thế giới.