Bình luận

Chuyến công du “sửa sai”

Hệ quả của cuộc chiến Ukraine

Dường như nhiều điều ông Joe Biden thực hiện trong chính sách đối ngoại của ông trên cương vị Tổng thống Mỹ chủ yếu là để “sửa sai” những gì mà người tiền nhiệm của ông đã làm trong bốn năm trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp thượng đỉnh song phương tại Seoul ngày 21/5/2022. Ảnh | REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp thượng đỉnh song phương tại Seoul ngày 21/5/2022. Ảnh | REUTERS

Khi ông Trump tỏ ý coi thường các đồng minh trong NATO, coi một số thành viên trong liên minh này “ăn bám” vào cái ô bảo vệ an ninh của Mỹ mà không chịu tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, thì một trong những việc đầu tiên ông Biden làm khi vào Nhà Trắng là xốc lại tinh thần của liên minh, đưa nó ra khỏi tình trạng “chết não” như cái cách mà Tổng thống Pháp Macron đã đánh giá trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist vào tháng 12/2019.

Cuộc chiến ở Ukraine bất ngờ nổ ra vô hình trung đã giúp ông Biden phần nào đạt được mục tiêu này mà không mất quá nhiều công sức thuyết phục, chỉ cần chịu chi thông qua việc tung ra hai “gói”: viện trợ quân sự cho Ukraine (lên đến nhiều tỷ USD) và trừng phạt Nga (các công ty của Mỹ chịu thiệt hại lớn do các lệnh cấm vận và giá dầu tăng cao).

Một trong những đường hướng đối ngoại chủ chốt trong thời ông Trump ở Nhà Trắng là tìm cách ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc. Chính quyền ông Trump còn vạch ra cả một chiến lược mang tên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Với cách tiếp cận như thế, không có gì lạ khi địa bàn chủ chốt trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump là khu vực giữa hai đại dương: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Cuộc chiến bất ngờ ở Ukraine vô hình trung cũng đã đẩy trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden dịch chuyển theo một quỹ đạo ngược hướng với thời ông Trump: châu Âu, nói chính xác hơn là an ninh của châu Âu, trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington.

Thế nên để nhắc nhở thế giới rằng bất chấp những gì đang diễn ra ở Ukraine, chính quyền Mỹ không xao lãng địa bàn chiến lược châu Á, sau hơn một năm kể từ khi lên nắm quyền Tổng thống, ông Biden mới thực hiện chuyến công du Đông Bắc Á.

Củng cố mắt xích yếu

Ông J.Biden chọn Hàn Quốc làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Bắc Á có thể vì nhiều lý do, mà một trong số đó có lẽ vì Seoul là mắt xích liên kết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời là một con bài then chốt trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Đương nhiên chủ đề an ninh quân sự truyền thống như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là phần không thể thiếu trong các cuộc thảo luận giữa hai bên, kể cả ở cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống J.Biden với Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử Yoon Suk-yeol. Kể từ khi tiếp quản quyền lực từ ông Moon Jae-in, ông Yoon Suk-yeol đã thể hiện một cách tiếp cận được coi là khác biệt so với người tiền nhiệm của mình trong quan hệ với Triều Tiên.

Ông Yoon Suk-yeol cho biết chính sách kiến tạo hòa bình với Triều Tiên được rút lại, thay vào đó sẽ là củng cố liên minh với Mỹ để tăng cường phòng thủ kết hợp, đồng thời xây dựng cầu nối với Tokyo để đối phó với các mối đe dọa mà Seoul cho rằng xuất hiện từ phía Bắc bán đảo.

Những tín hiệu ban đầu về chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền ông Yoon Suk-yeol đã khơi dậy ám ảnh về một liên minh ba bên tiềm tàng Mỹ-Nhật-Hàn, một liên minh mà Washington tìm kiếm từ lâu. Lý do liên minh này chưa thành hiện thực chủ yếu do những mắc mứu trong quá khứ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản. Trong suốt nhiều thập kỷ, hai bên đã chia rẽ sâu sắc về các vấn đề lịch sử và dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, tranh chấp giữa Tokyo và Seoul diễn ra gay gắt trên cả lĩnh vực ngoại giao lẫn kinh tế.

Việc ông Yoon Suk-yeol, một người có quan điểm khá ôn hòa với Nhật Bản, lên nắm quyền Tổng thống cho phép người ta suy đoán về một sự ấm lên của trục quan hệ Seoul - Tokyo.

Tập trung vào “chuỗi cung ứng”

Nhưng cốt lõi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nằm ở khía cạnh kinh tế. Nên không có gì lạ khi chuyến công du Seoul của ông Biden hướng trọng tâm vào hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ, bao gồm các ngành và công nghệ then chốt như chất bán dẫn, chuỗi cung ứng, năng lượng, vũ trụ.

Ông Biden và ông Yoon Suk-yeol đã quyết định khởi động các cuộc thảo luận về mua sắm quốc phòng cùng có lợi cũng như bàn bạc về việc thiết lập chuỗi cung ứng và cơ chế đối thoại ngành nghề cấp bộ trưởng. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ đã thành lập kênh liên lạc kinh tế và an ninh mới. Hàn Quốc quyết định tham gia chương trình Cơ sở hạ tầng sử dụng công nghệ lò phản ứng module nhỏ của Mỹ trong khi Mỹ hỗ trợ Hàn Quốc nghiên cứu phát triển hệ thống định vị vệ tinh...

Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc hiển hiện rõ khi hai bên tập trung vào xây dựng chuỗi cung ứng và hợp tác trong các ngành mới nổi, tiên tiến. Ông Biden đã đến thăm nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Samsung Electronics ở Pyeongtaek, gặp Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor, đơn vị đến năm 2025 sẽ đầu tư 10,5 tỷ USD vào Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất xe ô-tô điện...

Chính quyền của Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã khiến ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á sút kém rõ rệt so với Trung Quốc. Để sửa sai, bên cạnh hợp tác khu vực, cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều hướng tới hợp tác trong những vấn đề toàn cầu mà nổi bật nhất là sự tham gia của Hàn Quốc vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Trong khi quyết định không đưa Mỹ quay lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ cấu đã thay thế cho TPP, Mỹ đưa ra sáng kiến mới IPEF nhằm thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và các đối tác ở khu vực trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế số, chuỗi cung ứng, phi carbon hóa, cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Bằng chuyến thăm Seoul, Mỹ muốn củng cố mắt xích Hàn Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình.

“Sửa sai” chính những khiếm khuyết trong chính sách của ông Biden

Ở Tokyo, một lần nữa IPEF lại xuất hiện với việc ông Biden chính thức công bố về sáng kiến này, đồng thời đưa ra danh sách các nước tham gia. Tuy ông Biden chưa nêu lên các nội dung cụ thể của IPEF nhưng dự thảo về sáng kiến này gồm bốn trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh, hệ thống thuế và các biện pháp chống tham nhũng.

Trong số này, hiển nhiên chuỗi cung ứng là mắt xích quan trọng nhất. Trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật giữa ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida là bảo đảm tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng chất bán dẫn mà Đài Loan (Trung Quốc) là một mắt xích quan trọng.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu chất bán dẫn bị đứt gãy, gây thiếu hụt linh kiện nghiêm trọng khiến giá cả hàng hóa sản xuất tại Mỹ tăng liên tục. Cả Mỹ và Nhật Bản đều cố gắng tách khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, đồng thời kéo Đài Loan và Hàn Quốc, vốn là hai mắt xích sản xuất chất bán dẫn lớn trên thế giới, vào thay thế.

Như vậy, chuyến đi của ông Biden tới Nhật Bản nhằm kết nối vấn đề kinh tế trong một chiến lược an ninh chung, cho thấy Mỹ không hề từ bỏ mục tiêu đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Không chỉ giới hạn trong địa hạt kinh tế, Trung Quốc tiếp tục được nhắc tên trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật, khi ông Biden và Kishida cùng cam kết sẽ kiềm chế các hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặt chính sách của Nhật Bản “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ cũng như chia sẻ các mục tiêu và chiến lược an ninh  giữa hai nước.

Thông qua việc nhấn mạnh ý nghĩa và hiệu quả của “chiếc ô hạt nhân” do Mỹ cung cấp, hẳn nhiên Tokyo muốn tìm cách tăng cường liên minh với Mỹ hơn nữa trong bối cảnh ba nước láng giềng là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên (có thể) đều đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sau khi tập trung vào những nỗ lực tăng cường an ninh với việc hình thành thúc đẩy các quan hệ liên minh, đối tác an ninh như AUKUS (với Australia và Anh), hay cơ chế đối thoại Bộ tứ (với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), Mỹ dường như “bỏ quên” khía cạnh hợp tác kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài chuyện “sửa sai” cho người tiền nhiệm, chuyến công du Đông Bắc Á của ông Biden còn nhằm khắc phục chính những khiếm khuyết trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi ông Biden vào Nhà Trắng, truyền đi một thông điệp rằng đây vẫn là địa bàn chiến lược trong chính sách toàn cầu của Washington.