Bình luận

Bể kèo

Những dòng tweet muộn

Tối muộn ngày 7-9 theo giờ Washington, chỉ bằng vài dòng tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo hủy cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Taliban, đúng vào lúc niềm hy vọng về việc Mỹ và Taliban đạt được một thỏa thuận bắt đầu nhen nhóm.

 Lực lượng chức năng dọn dẹp hiện trường vụ đánh bom ở Kabul (Afghanistan) ngày 5-9. Ảnh: AP
Lực lượng chức năng dọn dẹp hiện trường vụ đánh bom ở Kabul (Afghanistan) ngày 5-9. Ảnh: AP

Trên mạng xã hội twitter, ông Trump thông báo rằng phía Mỹ đã sắp xếp các cuộc gặp bí mật riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ tại trại David ở bang Maryland vào ngày 8-9 với các nhà lãnh đạo Taliban và Tổng thống Afghanistan; tuy nhiên, ông Trump quyết định hủy các cuộc gặp này với lý do Taliban nhận trách nhiệm đã thực hiện vụ đánh bom tự sát đẫm máu ngày 5-9 ở khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt tại vùng Xanh của thủ đô Kabul.

"Họ (chỉ các lãnh đạo Taliban) đang trên đường tới Mỹ đêm nay. Rất không may là để tạo ra một đòn bẩy sai lầm, họ thừa nhận đã tấn công ở Kabul, giết chết một trong những người lính vĩ đại của chúng ta cùng 11 người khác"- ông Trump viết về lý do trực tiếp đã khiến cuộc gặp giữa ông với đại diện Taliban bị bể kèo.

Liệu đây có phải là lý do chính khiến ông Trump bất ngờ hủy cuộc gặp các lãnh đạo Taliban ở Trại David (cùng với một cuộc gặp riêng rẽ khác với Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani) hay không?

Những "đòn bẩy" chết người

Chỉ trước đó bốn ngày, đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad cho biết trải qua chín vòng đàm phán, Mỹ và Taliban đã đạt được một "thỏa thuận nguyên tắc", theo đó Mỹ sẽ rút 5.000 binh sĩ từ năm căn cứ trên khắp Afghanistan trong vòng 135 ngày, miễn là Taliban đáp ứng các điều kiện trong thỏa thuận.

Đây mới chỉ là dự thảo của thỏa thuận và chỉ có hiệu lực khi được Tổng thống Trump phê duyệt. Có lẽ chính vì thế mà đã nảy sinh ra những dàn xếp để dẫn tới các cuộc gặp bí mật ở trại David. Nếu như thỏa thuận này được thực hiện thì nó sẽ đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ, một cuộc xung đột kéo dài gần 18 năm được khơi mào sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, gây thiệt hại hàng tỷ USD và khiến hơn 2.300 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, nếu nói như ông Trump rằng những cuộc tấn công khủng bố gây thương vong là "đòn bẩy" thì quả thật là ngay cả sau khi đã đạt được "thỏa thuận nguyên tắc" với Mỹ, hầu như ngày nào Taliban cũng sử dụng thứ "đòn bẩy" chết người này ở Afghanistan!

Cần lưu ý thêm một điều rằng Taliban trước sau vẫn chỉ đồng ý đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Theo Taliban thì lực lượng này chỉ đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cũng như các lực lượng chính trị khác ở Afghanistan sau khi quá trình rút quân Mỹ hoàn tất.

Cũng bởi vậy nên mặc dù từng cam kết không tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ thế nhưng chỉ trong vòng hai tuần lễ tính đến vụ đánh bom tự sát ngày 5-9, ngoài các thương vong khác thì có ít nhất bốn lính Mỹ đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố của Taliban.

Nói cách khác, Taliban "vừa đánh vừa đàm", trong khi ông Trump thì vẫn quyết tâm đi tới một hiệp định với Taliban, ngõ hầu có thể dẫn đến việc rút gần 14.000 lính Mỹ tại Afghanistan, hoàn thành mục tiêu lâu dài và cam kết trong chiến dịch tranh cử trước đây.

Quân sự không phải là giải pháp

Tuy vậy, vào phút cuối cùng, ông Trump đã nghĩ lại. Vụ tấn công khủng bố của Taliban ngày 5-9 đã là cái cớ tuyệt hảo để Tổng thống Mỹ cân nhắc lại những lợi hại của việc mời các lãnh đạo Taliban tới trại David, chỉ vài ngày trước thời điểm nhạy cảm khi nước Mỹ kỷ niệm 18 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11-9 của tổ chức khủng bố Al Qaeda. Mà không ai quên rằng Al Qaeda được Taliban dung dưỡng ở Afghanistan để lên kế hoạch tấn công khủng bố nước Mỹ.

Bản thân ông Trump cũng không nhất quán trong vấn đề Afghanistan. Trong quá trình tranh cử Tổng thống với ông B.Obama, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố nếu trúng cử sẽ rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan, một lập trường ít nhiều cũng giành được số phiếu cử tri nhất định. Tuy vậy, sau khi vào Nhà Trắng, ông Trump đã thay đổi lập trường, cử hàng nghìn lính Mỹ đến hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan.

Quân đội Mỹ không chỉ đóng vai trò cố vấn, huấn luyện mà còn tăng cường các cuộc không kích, triển khai các lực lượng đặc nhiệm chống lại IS, Al Qaeda và... Taliban. Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2019, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành 1.302 vụ không kích ở Afghanistan, số vụ không kích nhiều nhất kể từ năm 2013. Mục tiêu của các chiến dịch không kích này không gì khác hơn là nhằm tạo "đòn bẩy"(!), gây sức ép để buộc Taliban phải ngồi vào bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận.

Kết quả của những "đòn bẩy" này ra sao?

Theo một báo cáo, bất chấp những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh, Taliban hiện vẫn đang kiểm soát 66/397 khu vực hành chính ở Afghanistan. Chính quyền Kabul chỉ kiểm soát được 138 khu vực, còn lại 193 khu vực (gần một nửa lãnh thổ) nằm trong trạng thái "xám", nghĩa là không bên nào kiểm soát được hoàn toàn.

Thực tế này cho thấy các biện pháp quân sự của Mỹ và đồng minh không thể giải quyết được hoàn toàn tình thế giằng co ở Afghanistan. Chỉ có một giải pháp chính trị với sự tham gia của Taliban mới có thể giúp tìm ra lối thoát cho tình trạng xung đột ở Afghanistan.

Khao khát một thành tựu đối ngoại

Vấn đề là khi đưa Taliban vào trong trong một tiến trình chính trị ở Afghanistan, ông Trump sẽ phải cân nhắc vô cùng cẩn trọng, bởi vì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cũng như có thể tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng đến khả năng của ông và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau.

Cái mà ông Trump cần nhất trước thời điểm khởi động cuộc vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng chính là một thành tựu đối ngoại nổi bật, có thể đong đếm được! Hoàn thành việc rút quân, "kết thúc cuộc chiến Afghanistan" chính là một thành tựu mà những người tiền nhiệm của ông không làm được, để sau đấy ông Trump có thể tập trung toàn bộ sức lực vào các vấn đề đối nội, điều mà không nghi ngờ gì nữa sẽ quyết định thái độ của các cử tri bên thùng phiếu.

Do vậy, cần hiểu một điều rằng trước sau ông Trump vẫn muốn rút quân khỏi Afghanistan, vừa để lấy tiếng, vừa để thực hiện lời hứa tranh cử nhiệm kỳ thứ nhất trước cử tri Mỹ. Ngay cả động thái tăng quân thời kỳ đầu nhiệm kỳ thực chất cũng là nhằm để sớm có thể rút khỏi Afghanistan, khi mà tình thế sớm ngã ngũ.

Tuy vậy, thực tế đã không diễn ra mong muốn.

Sau ba năm ông Trump vào Nhà Trắng, Taliban không những không bị đánh quỵ mà còn trở thành một lực lượng đáng gờm, trong nhiều thời điểm đã đe dọa trực tiếp chính quyền Kabul. Ngay cả các lực lượng quân đội Mỹ cũng nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của Taliban và phải hứng chịu nhiều thương vong.

Kết luận có vẻ hợp lý nhất là đàm phán với Taliban.

Những rủi ro

Nhưng hẳn là ông Trump cũng không ngờ rằng quá trình đàm phán với Taliban lại có thể mang đến quá nhiều rủi ro.

Bởi ngay cả trong trường hợp đạt được một thỏa thuận, quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, không có gì bảo đảm là tình hình Afghanistan sẽ trở lại ổn định. Những cam kết của Taliban tỏ ra không đáng tin và bản thân lực lượng này cũng không đủ khả năng mang đến một tiến trình chính trị ở Afghanistan.

Chính quyền Kabul cũng chỉ trích những cuộc đàm phán riêng rẽ của Mỹ với Taliban bởi chúng hầu như gạt chính phủ hợp pháp và người dân Afghanistan sang một bên trong một tiến trình sẽ quyết định đến tương lai của chính họ. Mà điều chắc chắn là tương lai của Afghanistan phải do người Afghanistan quyết định chứ không phải ai khác.

Hơn thế nữa, có vẻ như những cuộc đàm phán giữa Mỹ với Taliban cho thấy Taliban chính là bên thủ lợi nhiều nhất nếu hai bên đi tới được một thỏa thuận. Một quan chức Afghanistan đã chua chát nhận định: "Nếu có điều gì khác biệt thì đó chính là các cuộc đàm phán khiến Taliban mạnh hơn; chúng thậm chí có cơ hội tiếp quản chính quyền".

Nếu sau khi đạt được thỏa thuận Mỹ rút quân, tình hình Afghanistan vẫn tiếp tục hỗn loạn, trở nên xấu đi đến mức không thể kiểm soát, liệu khi ấy Mỹ có đủ ý chí chính trị để đưa quân trở lại một lần nữa hỗ trợ cho chính phủ Afghanistan hay không?

Cân nhắc lợi hại đủ bề, giữa hai cái tệ, có lẽ ông Trump đã lựa chọn tình thế ít tệ hơn. Chí ít thì cũng không để cho Afghanistan trở thành một điểm trừ, thậm chí là một thảm họa trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm tới.

Có lẽ đó mới là nguyên nhân chính khiến cho cuộc gặp gỡ giữa ông Trump với các lãnh đạo Taliban bể kèo vào phút chót.