Ba thứ đầu tiên : Có vui có sợ

Quả tim nhân tạo đầu tiên

Trong thần thoại Hy Lạp, Aeson có người con trai là anh hùng Jason và người con dâu là nhà độc dược Medea. “Cây nhà lá vườn”, có là dùng: khi thấy cha quá yếu khó sống nổi, Jason nói vợ “em làm gì đi chứ!”. Medea bàn pha chế một dung dịch công thức bí mật từ các loài cây cỏ, rút máu Aeson ra, cho dung dịch thay thế kia vào, và ông lão Aeson trẻ lại, trông như... con ông.

Minh họa |LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa |LÊ TRÍ DŨNG

Vào tháng bảy năm nay, một nhóm các phẫu thuật viên tim mạch của Đại học Duke (Mỹ) đã thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo đầu tiên. Quả tim này do một công ty Pháp chế tạo, có tên là Aeson, làm từ vật liệu được gọi là “tương hợp sinh học” (trong đó có cả mô của bò), có đủ các buồng tim, vách tim, van tim... hệt như cấu tạo của một quả tim thật. Aeson được điều khiển bằng một thiết bị gắn ngoài, chạy với các thuật toán và bộ phận cảm ứng để giữ cho nhịp tim ổn định và máu bơm đi khắp cơ thể.

Người được nhận quả tim này là Matthew Moore, 39 tuổi, sống tại Bắc Carolina (Mỹ). Anh bị suy tim đã tới giai đoạn mổ bắc cầu cũng không được mà đến ghép tim theo lối thông thường e cũng khó. Để ghép tim thông thường cần có ai đó hiến tim. Đây là một điều kiện rất “phập phù”. Theo Sciencealert, chỉ riêng ở Mỹ hiện có hàng nghìn người đang chờ được ghép tạng, mỗi ngày trung bình 17 người chết do không đợi nổi.

May mắn cho Moore, Đại học Duke vùng Bắc Carolina nơi anh sống lại đang thử nghiệm quả tim nhân tạo Aeson để đợi được phê duyệt trước khi vào Mỹ. Quả tim nhân tạo này tuy thay thế được hoàn toàn quả tim thường, nhưng mục đính ban đầu của nó chỉ để dùng “tạm” vài tháng, trong lúc chờ nhận được một quả tim thật để ghép sống. Với trường hợp đặc biệt như Moore (tim đã hỏng tới mức “không còn gì để đập”, ghép thường cũng không được), Aeson rất có thể sẽ ở với anh vĩnh viễn.

Cho tới lúc này, sau khi đã có Aeson trong người, Matthew luôn phải mang theo vài cục pin và một bộ phận điều khiển để giữ cho Aeson hoạt động. Nhưng có lỉnh kỉnh thể nào cũng không là gì so với việc anh còn được sống với gia đình. Vợ Matthew là một y tá, chị nói, “Chúng tôi cứ coi sống được ngày nào hay ngày nấy, và hy vọng mọi thứ sẽ tiến triển tốt. Cả Matthew và tôi đều biết ơn vì đã được tham gia vào một thứ rồi sẽ tác động được tới rất nhiều cuộc đời.”

Aeson là quả tim nhân tạo đầu tiên. Rồi sẽ có gan, thận, tụy... nhân tạo trong tương lai - ta hãy tin vào công việc âm thầm của các nhà khoa học. Khoa học đã cứu được bao nhiêu người mù dở nhờ có thủy tinh thể nhân tạo, bao nhiêu người tưởng nằm liệt nhờ có khớp háng nhân tạo. Nhưng khi đã kéo dài được tuổi thọ và có thêm sức khỏe, ta sẽ làm gì cho thời gian sống trên đời không vô ích? Hay lại chỉ làm những việc vớ vẩn để “giết thời gian”? Đó là câu hỏi mà đến người khỏe cũng phải tự hỏi, thậm chí càng khỏe càng phải tự hỏi...

Loại vải làm mát đầu tiên

Cách đây chừng hai mươi năm, khi trời nóng chúng ta bật quạt; giờ đây, ngay cả khi trời không nóng ta cũng bật máy lạnh. Gần như chui vào đâu cũng phải có máy lạnh. Máy lạnh bật, ta mát đấy nhưng chung quanh hầm hập. Cả trái đất như một cái vòng luẩn quẩn đi lên càng ngày càng nóng với khả năng chịu nóng của con người càng ngày càng giảm. Ta chịu nóng kém tới mức đôi lúc ra đường mà như Hậu Nghệ ghét cả mặt trời - thứ mà không có thì cả trái đất này phải chết; lòng chỉ ước sao có phép lạ, xung quanh cứ nóng còn mình được bao phủ trong một màng không khí mát rượi, không cần máy lạnh, không cần quạt...

Điều mơ ước đấy nay phần nào sắp thành hiện thực: trong một nghiên cứu trên tạp chí Science, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ vừa phát minh ra một loại vải “xua” được ánh sáng và sức nóng, giúp cơ thể người mặc vào mát đi được nhiều độ.

Cấu tạo của loại vải này nghe rất “hại não”, có lẽ chúng ta cũng không cần biết làm gì cho rối... Về lý thuyết, chất liệu nào phản quang càng nhiều thì phản nhiệt càng nhiều. Để kiểm tra khả năng làm mát của loại vải này dưới ánh mặt trời trực tiếp, các nhà nghiên cứu chọn một ngày nắng gắt ở Quảng Châu, căng vải ra phơi rồi so sánh với các chất liệu thông thường khác cũng phơi như thế. Kết quả: loại vải mới này mát hơn cotton 5oC, linen 5,8oC, thun spandex 6,8oC, và da trần (làm giả) là 10,2oC, nghĩa là rất nhiều.

Họ lại cho may một cái áo với một bên là chất liệu mới, một bên là cotton. Mỗi bên áo đều gắn thiết bị đo nhiệt. Kết quả, mặt ngoài hai bên áo chênh lệch nhau 3,4°C, mặt trong chênh nhau tới 4,8°C, phần may bằng vải cotton nóng hơn rõ ràng. Họ tiếp tục đem loại vải này bọc gọn một chiếc xe hơi, để ngoài nắng. Khi đo lại, nhiệt độ trong xe mát hơn chừng 30oC so với xe không bọc, và 27oC so với xe dùng vải bọc thông thường.

Tác dụng làm mát này là rõ rồi đấy khi bọc một thứ đứng yên, tuy nhiên với những thứ chuyển động (thí dụ các chị em đi chợ, rồi thùng xe chở hàng) thì sao, rồi muốn thành áo thành quần thì còn phải in hoa, nhuộm mầu nữa chứ? Những việc ấy các nhà khoa học đang tính tiếp vì chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến độ làm mát của chất liệu. Được một cái, chất liệu này hoàn toàn có thể thêu may như bình thường, lại bền và không thấm nước, giá cũng chỉ cao hơn áo vải thông thường chừng 10 phần trăm.

Trong một thế giới ngày càng nóng, loại vải này thể nào cũng được nhiệt liệt chào đón, nhất là các xứ nhiệt đới. Ban đầu, khi chất liệu này còn thô tháp, có thể dùng nó để may áo chống nắng chống nóng, may bạt thùng xe chở rau củ quả. Sau này, theo đà cải tiến, vải sẽ đẹp hơn, tinh tế hơn, còn gì thích hơn là được mặc những áo quần đẹp đẽ giữa mùa hè mà cứ tưởng cuối thu!

 "Ý nghĩ hiện hình " đầu tiên

15 năm trước, một nam thanh niên 20 tuổi bị một cơn đột quỵ do vỡ động mạch cấp máu cho thân não. Anh được cứu sống nhưng đã liệt, không thể cử động tứ chi cũng như bất kỳ cơ nào liên quan đến phát âm. Chức năng nhận thức còn nguyên nhưng anh đã mất vận ngôn (anarthria), tức hiểu đấy, muốn nói đấy, nhưng không thể kết hợp từ ngữ để phát âm ra một câu có nghĩa.

Do cổ và đầu chỉ khẽ nhúc nhắc được, anh được đội một cái mũ cát két, trên gắn một cái bút trỏ, muốn nói gì thì con trỏ ấy bấm vào từng ký tự có trên màn hình để ghép lại thành chữ, với tốc độ 5 chữ/phút. Nên nhớ, tốc độc của một người nói năng trôi chảy là 200 chữ trong một phút. Ta có thể đoán được là không ai đủ kiên nhẫn mà đợi xem anh nói gì.

Giờ đây, theo trang Scientific American, anh là người đầu tiên trên thế giới có thể tạo ra hẳn các mệnh đề thông qua một chiếc máy tính làm trung gian, giải mã những gì não anh đang nghĩ.

Đội nghiên cứu của Đại học California San Francisco (UCSF) đặt tên anh là Bravo-1. “Bravo” là tiếng hò reo cổ vũ, còn số 1 là thứ tự của người đầu tiên tham gia dự án này. Đầu tiên, họ cùng anh lọc ra một kho từ vựng với 50 từ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như “tốt/xấu”, “gia đình”, “nước”... Rồi họ phẫu thuật não Bravo-1, cấy các điện cực vào phần vỏ não vận động lời nói. Trong suốt 81 tuần làm việc phối hợp với các bác sĩ, mỗi lần anh nghĩ đến từ nào trong kho 50 từ kia, các điện cực sẽ thu thập hoạt động sóng não, chuyển về cho máy tính nhận dạng sóng nào đi với từ nào.

Dần dần bộ từ điển “sóng não-từ vựng” ấy hoàn chỉnh. Bravo-1 suy nghĩ với 50 từ ấy, và sóng não của anh được chuyển về máy tính để “dịch” thành câu hiện trên màn hình. Khi được đọc những câu hỏi như “Hôm nay anh thế nào?” và “Anh muốn uống nước không”, ý nghĩ trong đầu Bravo được hiện trên màn hình là “Hôm nay tôi rất ổn” và “Không, tôi không khát”. Máy giải mã được với tốc độ 18 từ/phút với độ chính xác là 75 phần trăm. Số lượng câu mà Bravo-1 có thể trả lời được sẽ rất nhiều: với 50 từ, Bravo-1 có thể tạo ra 1.000 câu hoàn chỉnh.

Người mổ cho Bravo-1, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Edward Chang và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, hào hứng nói: “Đây là minh chứng cho thấy có thể giải mã trực tiếp hoạt động của não thành những từ hoàn chỉnh, giúp những người bị liệt và không nói được”.

Cái gì rồi cũng có hai mặt. Thành tựu này sẽ giúp những người không thể nói được do tai nạn, đột quỵ, bệnh não... giao tiếp với người ngoài, nhưng hãy tưởng tượng đến một ngày khi kỹ thuật được hoàn thiện đến tinh vi, bộ từ điển không chỉ giới hạn trong 50 từ đơn giản và vô hại nữa, liệu người bệnh có còn thoải mái không khi những ý nghĩ “phức tạp” của mình có thể hiện ra trước cả nhà, như trong một truyện ngắn nước ngoài đã tưởng tượng ra một cách đáng sợ cách đây mấy chục năm?