Người Kalenjin trên đường chạy

“Một ngày mới trên bình nguyên châu Phi, linh dương thức giấc và biết rằng mình cần chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất hoặc sẽ bị hạ gục. Vẫn buổi bình minh ấy, sư tử thức giấc và biết rằng mình cần chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc sẽ bị chết đói. Dù bạn là linh dương hay sư tử, khi mặt trời lên, tốt hơn hết là bắt đầu chạy” (Ngạn ngữ châu Phi).

Người Kalenjin trên đường chạy

Khi nghe thông tin vận động viên Eliud Kipchoge người Kenya tiếp tục đoạt Huy chương vàng tại Olympic Tokyo, ở nội dung marathon điền kinh nam với thành tích 2 giờ 8 phút 38 giây (anh cũng là người từng tham gia thử thách Ineos vào năm 2019 với thành tích 1 giờ 59 phút 40 giây và trở thành người đầu tiên trong lịch sử chạy marathon dưới 2 giờ, được truyền thông ngợi ca như “một kỳ tích đối với loài người”) tôi bỗng nhớ tới câu châm ngôn về cuộc đua giữa linh dương và sư tử. Những năm gắn bó với dải đất Đông Phi và may mắn được gặp gỡ cư dân bản địa dọc vùng thung lũng tách giãn lớn Great Rift Valley, tôi hiểu vì sao từ lâu người Kenya và Ethiopia luôn dẫn đầu trong các giải điền kinh thế giới. Trên thực tế, đa số các nhà vô địch đến từ một vài tộc người nhất định nơi đây. Ở Kenya, họ xuất thân từ bộ tộc trứ danh nơi Eliud Kipchoge sinh ra - tộc Kalenjin.

Với dân số chỉ 6 triệu sinh sống rải rác ở các vùng cao nguyên dọc Great Rift Valley, từ lâu người Kalenjin đã được mệnh danh “the running tribe” - tộc người sinh ra để chạy. Nhiều thập kỷ qua, tài năng của họ trở thành đề tài nghiên cứu bất tận cho giới khoa học thể thao. Yếu tố di truyền, môi trường sinh sống, chế độ dinh dưỡng và kỷ luật rèn luyện thường được nhắc đến. Nhưng còn một nguyên nhân khác mà ít người muốn đề cập, nó giản đơn và khắc nghiệt như câu nói của một cựu kỷ lục gia ngày nào: “Chúng tôi chạy để thoát khỏi đói nghèo, để sinh tồn như cách linh dương trốn thoát sư tử”.

 Người Kalenjin trên đường chạy -0
 Vận động viên Eliud Kipchoge cán đích đầu tiên trong cuộc thi marathon
tại Olympic Tokyo 2020.

“Văn hóa chạy” ở Kenya được tiên phong bởi Kipchoge Keino, vận động viên kỳ cựu lập kỷ lục 1500m tại Thế vận hội mùa hè 1968 trong lúc mắc bệnh viêm túi mật. Paul Tegrat, Wilson Kipsang, Tegla Loroupe, Dennis Kimetto, Wesley Korir, Eliud Kipchoge... những cái tên huyền thoại lần lượt ra đời trên mảnh đất nơi các vận động viên đoạt Huy chương vàng được hâm mộ hơn cả ca sĩ diễn viên nổi tiếng. Họ đại diện cho ý chí của cả một cộng đồng và một quốc gia.

Phân nhánh từ nhóm các dân tộc Nilotic vốn nổi tiếng với sức mạnh thể lực như người Dinka, Nuer, Samburu và Maasai, sở hữu chiều cao khiêm tốn phù hợp chạy cự ly dài cùng cẳng chân và bắp đùi nhỏ giúp tiết kiệm sức lực mỗi sải bước, từ lâu người Kalenjin đã không có đối thủ trên đường chạy. Tương tự các tộc Nilotic bán du mục, cuộc sống truyền thống của họ gắn liền với đàn gia súc. Thanh, thiếu niên sau giờ đến trường trở về nhà với nhiệm vụ quen thuộc: đưa đàn gia súc xuống vùng trũng tìm cỏ rồi lại ngược trở lại núi đồi cao khi hoàng hôn xuống. Sữa, ngũ cốc và thịt là ba thành phần dinh dưỡng chính nơi đây. Ở lục địa đen, món ăn cốt yếu luôn đến từ ngô, sắn, kê, khoai mỡ, cao lương rồi mới đến lúa gạo.

Tại Tanzania và Kenya, ugali làm từ bột ngô nấu sệt là linh hồn trong những bữa ăn gia đình đạm bạc. Người Kalenjin còn sáng tạo ra món sữa lên men mursik và vô tình bổ sung canxi vào dinh dưỡng hằng ngày. Họ uống mursik đêm ngày, uống tại các sự kiện đặc biệt, uống khi các vận động viên Kalenjin đặt chân về đất mẹ sau kỳ thi đấu. Trong dịp quan trọng, mursik được trộn thêm máu động vật. Bằng cách bắn gọn lẹ đầu mũi tên vào cổ bò hoặc dê, đàn ông trong nhà lấy lượng máu nhỏ đủ để không giết hại con vật. Sản phẩm cuối cùng được đựng trong vỏ bầu sotet hoặc quả baobab khô trang trí bằng các họa tiết hình học đối xứng hoặc dây kết hạt cườm rực rỡ.

Một yếu tố quan trọng khác lý giải sự lên ngôi của người Kalenjin trong làng điền kinh là môi trường bản địa. Kéo dài gần 7.000km từ Tây Nam Á cho tới Mozambique cận Nam Phi, Great Rift Valley là hệ thống thung lũng tách giãn lớn nhất hành tinh nơi phát hiện hóa thạch người cổ đại nhất và nơi tập hợp một trong những hệ sinh thái đa dạng bậc nhất gồm vô số núi lửa, hồ sâu, suối nóng, thác nước, hẻm vực và bình nguyên savanna. Với độ cao trung bình hơn 2.000m, khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ và lý tưởng để luyện tập thể thao. Do thích nghi từ nhỏ với nồng độ không khí loãng, đường kính lồng ngực của người Kalenjin lớn hơn người miền đồng bằng. Xuống vùng thấp thi đấu, vận động viên Kalenjin như được tiếp thêm sức mạnh nhờ mật độ oxy trong không khí lớn hơn. Một trung tâm nghiên cứu từ Đan Mạch từng công bố nghiên cứu rằng các thiếu niên Kalenjin ở tuổi đến trường đã trình diễn tốt hơn cả vận động viên chuyên nghiệp nước mình!

Người ta thường có xu hướng tránh thương tổn cho bản thân và đặc biệt cho trẻ nhỏ bằng mọi cách. Nhưng với cư dân Kalenjin, cơn đau được đón nhận thản nhiên như một phần tất yếu của cuộc sống, và người vượt qua đau đớn được tôn vinh. Bé trai Kalenjin đến tuổi cần trải qua nghi lễ cắt bao quy đầu yatiaet và lễ công nhận đánh dấu giai đoạn trưởng thành tumdo. Theo truyền thống, một vị cao niên trong làng sẽ sử dụng lưỡi dao sát trùng qua lửa để “cắt sống” không thuốc giảm đau hay gây tê. Xong xuôi, cậu bé phải chạy nhanh nhất có thể về căn lều nơi mẹ mình đang chờ sẵn với bát sữa nóng và tịnh dưỡng tại đó tới khi lành vết thương. Ngày nay, dù quy trình cắt bao quy đầu tại bệnh viện đã được nhiều phụ huynh Kalenjin lựa chọn, quy ước chung vẫn vẹn nguyên: thiếu niên nào la hét hoặc tỏ ra sợ hãi lập tức bị gắn mác kibitet - kẻ hèn nhát, nỗi hổ thẹn cho gia đình và xóm làng. Bạn tôi từng kể thời của cha cậu, hai trong những thử thách đính kèm yatiaet là bò qua tổ kiến lửa hoặc bụi cây tầm ma ngứa rát.

Vì sao họ phải chịu đau? Vì sao phải khổ luyện? Vì chạy là bản năng, là thú vui và cũng là con đường nhanh nhất thoát khỏi đói nghèo. Đầu thế kỷ 20 dưới thời thuộc địa Anh, người Kalenjin vốn chỉ chăn thả gia súc và trao đổi hàng hóa buộc phải tham gia vào hệ thống tiền tệ. Kenya hậu độc lập trải qua nhiều chương sử nhọc nhằn của bất ổn chính trị, mâu thuẫn sắc tộc và suy thoái môi trường. Mảnh đất Great Rift Valley nơi họ sinh ra đẹp diệu kỳ nhưng không dễ dàng tạo ra miếng cơm manh áo. Khi Kipchoge Keino trở về với phần thưởng và danh tiếng sau chiến thắng Olympic 1968, tấm gương của ông trở thành động lực cho các thế hệ Kalenjin nối tiếp. Nhưng hơn cả của cải, chạy bộ đã trở thành bản năng của người Kalenjin.

Ngày nay, mảnh đất nhỏ bé Iten nằm ở phía Tây Bắc Kenya trở thành thị trấn của những nhà vô địch. Nhiều trung tâm huấn luyện được các cựu vận động viên lập ra thu hút nhân tài trong vùng. Từ thế hệ 8x của Eliud Kipchoge khiêm nhường và đáng mến, rồi sẽ còn các ngôi sao 9x rồi 20x làm rạng danh quê hương. Các vận động viên Kalenjin thi đấu với thêm một sứ mệnh thoát nghèo trên vai. “Trẻ em quê tôi vẫn hằng ngày chạy vài cây số đi lấy nước hoặc chạy đến trường như thế hệ tôi lớn lên cách đây vài thập kỷ. Chúng cần một tương lai tươi sáng hơn giữa mảnh đất ngày một khó khăn vì biến đổi khí hậu”- Wesley Korir nói. Khi thắng giải Boston Marathon 2012, anh đã dùng phần thưởng của mình để lập quỹ giúp 300 trẻ em đến trường và hơn 2.000 nông dân địa phương được hỗ trợ sản xuất. Nữ vô địch Tegla Chepkite Loroupe gần hai thập kỉ qua hoạt động không mệt mỏi cho các dự án bình đẳng giới, giáo dục trẻ em và gắn kết hòa bình thông qua thể thao.

Tôi từng chứng kiến giải Kilimanjaro Marathon qua những làng bản dưới chân ngọn núi cao nhất châu Phi tại Tanzania. Hơn nửa thành viên tham gia chạy full marathon từ Kenya sang. Không khí sục sôi hiện lên qua tiếng trống, điệu nhảy giục giã và những đôi chân rắn rỏi chuẩn bị đua với mặt trời. Nếu có cơ hội tới giải Rift Valley Marathon, có lẽ tôi sẽ mừng phát khóc. Khóc vì biết ơn cuộc đời hào phóng đã cho mình đặt chân tới những miền xa xôi để tận mắt thấy vẻ đẹp của mọi dân tộc và nền văn hóa. Trẻ em chạy cười vang trên con đường đất đến trường, người lớn chạy đủng đỉnh lùa đàn gia súc dưới cái nắng xích đạo lửa nung, những hình ảnh ấy cuộn trào trong tâm trí tôi nhiều đêm. Eliud Kipchoge nói rằng anh chạy để chứng minh không có giới hạn nào dành cho con người, và rằng “khi ta chạy với một tâm trí giản đơn cùng nụ cười thường trực, ta sẽ quên đi gánh nặng trên đôi chân mình”.