Khi thiên nhiên nổi giận

Tháng trước, lũ lụt ở Đức đã nhấn chìm đường phố và nuốt chửng những ngôi nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ tại ngôi làng yên tĩnh Schuld. Thị trấn nhỏ của Canada - Lytoon bị thiêu rụi trong trận cháy rừng kéo theo sức nóng chưa từng có. Ở miền tây nước Mỹ, chỉ vài tuần sau đợt nắng nóng lịch sử, khoảng 20.000 lính cứu hỏa và nhân viên đã được triển khai để dập tắt 80 đám cháy lớn đã thiêu rụi hơn 4.000 km vuông.

Thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt tại làng Schuld, miền tây nước Đức. Ảnh |AFP
Thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt tại làng Schuld, miền tây nước Đức. Ảnh |AFP

Thảm họa lũ lụt, hạn hán, cháy rừng... hiển hiện

Các nhà khoa học khí hậu trong nhiều thập kỷ đã cảnh báo rằng khủng hoảng khí hậu sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn, gây chết người và sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Nhưng những điều đang diễn ra trên thế giới khiến ngay cả giới khoa học cũng ngỡ ngàng. Ông Tim Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống toàn cầu của Đại học Exeter (Anh), cho biết những đợt nắng nóng kỷ lục gần đây ở miền tây nước Mỹ và Canada cho thấy khí hậu bắt đầu “hoạt động theo những cách bất ngờ, gây sốc”.

Tại Khoa cấp cứu, Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (OSHU) cuối tháng 6, các thầy thuốc truyền dịch cho những bệnh nhân choáng váng, khó thở và đẫm mồ hôi. Một số người nằm trên cáng, nhiệt độ cơ thể cao đến mức hệ thần kinh trung ương ngừng hoạt động. Có những người cố đi bộ đến những ngôi nhà mát của quận, lại gục ngã trong cái nóng chói chang.

 Khi thiên nhiên nổi giận -0
Đám cháy Tamarack ở Alpine County, California (Mỹ).

Bà Mary Tanski, phụ trách bộ phận y tế khẩn cấp của OHSU, cho biết: “Hệ thống y tế đã bị quá tải”. “Vòm nhiệt” cao ngất đã lật đổ kỷ lục nhiệt độ trên khắp vùng Tây Bắc. Một số bệnh nhân đã không qua khỏi. Ở Oregon, Washington và miền tây Canada, các nhà chức trách đang điều tra hàng trăm trường hợp tử vong có thể liên quan đến nắng nóng kinh hoàng.

Những dấu hiệu này cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở nên nguy hiểm và có thể còn tồi tệ hơn nữa. “Vòm nhiệt” chỉ là một trong những thảm họa khí hậu đã xảy ra trên thế giới trong thời gian gần đây. Gần nửa triệu người ở Madagascar có nguy cơ chết đói khi đất nước này vật lộn với bão bụi, nạn châu chấu và nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.

Ở Verkhoyansk, Siberia vùng đất vốn là một trong những nơi có người ở lạnh nhất trên hành tinh, nhiệt độ mùa hè đã lên tới gần 50oC. Gần đây nhất, thảm họa lũ lụt ở Tây Âu, đặc biệt ở Bỉ, Hà Lan và Đức khiến gần 200 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Thủ tướng Angela Merkel nói: “Thật kinh hoàng. Ngôn ngữ không thể diễn tả được sự tàn phá này”.

Bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Công nghệ Texas và là giám đốc nghiên cứu khoa học của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên, cho biết: “Biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết chống lại chúng ta. Chúng tôi vẫn biết là những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy sẽ đến. Nỗi đau là bởi chúng ta đã không chú ý đến các cảnh báo một cách đầy đủ”.

Con người đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến trái đất nóng lên hơn 1oC, kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là một sự thay đổi dần dần, nhưng nó đã dẫn đến các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và thường xuyên. Các nhà khoa học đã nhận thức được những hiện tượng này trong nhiều thập niên và từ lâu đã cảnh báo về khả năng Trái đất nóng lên có thể gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan thảm khốc.

Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 kêu gọi cả thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức “dưới 2oC”. Một báo cáo sau đó của các nhà khoa học cho thấy rằng sự ấm lên vượt quá 1,5oC sẽ gây ra thảm họa mực nước biển dâng cao, các rạn san hô gần như biến mất và gia tăng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên. Nhưng đến nay hầu hết các quốc gia đã không giảm phát thải khí nhà kính gần đủ để đạt được các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch với tốc độ hiện tại, Trái đất có thể nóng hơn từ 3 đến 4oC vào cuối thế kỷ này. Bắc Cực sẽ không có băng vào mùa hè. Hàng trăm triệu người sẽ bị thiếu lương thực và hạn hán nghiêm trọng. Số lượng lớn các loài sẽ bị tuyệt chủng. Một số khu vực sẽ trở nên quá nóng và dễ xảy ra thiên tai nên không thể ở được. Nhiệt độ cực cao có thể là một trong những điều đó. Các nghiên cứu về các đợt nắng nóng cho thấy nhiệt độ mùa hè tăng thêm nửa độ C có thể làm tăng 150% số lượng các đợt nắng nóng giết chết 100 người trở lên.

Những cam kết mạnh mẽ

Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi: “Chúng ta phải khẩn trương, chúng ta phải nhanh hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Một số nước phát triển gần đây đã tăng đáng kể các cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn các nước thành viên EU cam kết giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030, riêng nước Anh cam kết giảm tới 68%.

Tổng thống Mỹ J.Biden tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới tháng 4 vừa qua cũng cam kết đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005. EU cũng công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đặt khí hậu vào trung tâm của mọi sáng kiến phát triển và kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng những cam kết trước đây của các chính phủ tuy đầy tham vọng, vẫn thiếu các hành động cần thiết để kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 1,5oC, điều mà Ủy ban quốc tế về Biến đổi khí hậu cho là cần thiết để tránh những tác động thảm khốc hơn của biến đổi khí hậu. Bởi trong khi đưa ra những cam kết, họ vẫn tiếp tục phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, bao gồm các mỏ than và các cơ sở dầu khí.

Bà Merritt Turetsky, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Alps, hy vọng rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy ở các nước phát triển sẽ kích động các hành động chống biến đổi khí hậu một cách thực tiễn và hiệu quả hơn. Bà thừa nhận: “Chúng tôi từng nghĩ điểm nóng (biến đổi khí hậu) là các quốc đảo bị nước biển dâng, hay băng tan ở Bắc Cực. Nhưng chúng ta đang ở thời điểm mà mọi người trên hành tinh này đã cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu”.

Đó chắc chắn là cảm giác của những cư dân ở làng Schuld của Đức. “Khi chứng kiến điều đang diễn ra ở Canada, nơi nhiệt độ lên tới 50 độ và những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, rõ ràng đây là kết quả của biến đổi khí hậu. Và tôi không muốn phải làm quen với điều này”, anh Niklas Pieters nói khi giúp bố mẹ dọn dẹp các mảnh vỡ từ ngôi nhà bị tàn phá của họ ở Schuld sau trận lũ kinh hoàng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về tài chính khí hậu gồm 48 quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thảm họa liên quan đến khí hậu hồi tháng 6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết để “thế giới đứng vững trở lại”, khôi phục việc hợp tác giữa các chính phủ và phục hồi sau đại dịch một cách bền vững, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất phải được hỗ trợ thích đáng.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng đã nhất trí tăng cường tài chính để đáp ứng cam kết: các nước giàu chi 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải carbon và ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu từ nay tới năm 2025”. Canada cho biết, quốc gia này sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu lên 5,3 tỷ đô-la Canada (tương đương 4,4 tỷ USD) trong 5 năm tới và Đức sẽ tăng thêm 2 tỷ lên 6 tỷ euro (7,26 tỷ USD) mỗi năm, chậm nhất vào năm 2025.

Giải quyết nguyên nhân gốc rễ

Khoảng 13.000 nhà khoa học đã ký vào sáng kiến ​​tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu trên toàn thế giới, cho biết trong một bài báo đăng trên tạp chí BioScience rằng các chính phủ đã liên tục thất bại trong việc giải quyết vấn đề “khai thác Trái đất quá mức”, mà họ mô tả là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng khí hậu.

Ông William Ripple, Giáo sư sinh thái học tại Đại học Lâm nghiệp bang Oregon, đồng tác giả của nghiên cứu nói: “Chúng ta cần chấm dứt việc coi tình trạng khẩn cấp về khí hậu như một vấn đề độc lập, hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là dấu hiệu duy nhất. Các chính sách để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu phải giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của chúng: sự khai thác quá mức của con người đối với hành tinh này”.

Các nhà khoa học khuyến nghị, cần cập nhật ngắn gọn, thường xuyên và tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng tình trạng khẩn cấp khí hậu. Họ cũng kêu gọi đưa giáo dục về biến đổi khí hậu vào các chương trình giảng dạy chính của trường học trên toàn cầu để nâng cao nhận thức về vấn đề này. Trước mắt, một bộ ba giải pháp được xem là cốt lõi nhằm ứng phó khẩn cấp đối với tình trạng hiện tại: việc định giá carbon, loại bỏ và cấm nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, phát triển các khu dự trữ khí hậu chiến lược như khôi phục và duy trì các bể chứa carbon và các điểm nóng về đa dạng sinh học.

Giáo sư Ripple nói thêm: “Chúng ta cần nhanh chóng thay đổi cách chúng ta đang thực hiện và các chính sách khí hậu mới phải là một phần của kế hoạch phục hồi Covid-19 nếu có thể ”.