Quốc hội và cử tri

Cử tri cả nước đã và đang chăm chú theo dõi diễn biến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Điều nổi bật dễ thấy, được đông đảo cử tri đồng tình và hoan nghênh, trước hết là chất lượng các báo cáo trình Quốc hội được nâng lên một bước, thể hiện rõ nét tính nghiêm túc, tính khách quan, tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nhất là Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng qua.

Toàn cảnh kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Duy Linh
Toàn cảnh kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Duy Linh

Một nét mới được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và mong được tiếp tục duy trì và cải tiến - đó là việc bố trí khoa học và hợp lý đối với chương trình chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng. Cái khác các kỳ họp trước, thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ định trước một số Bộ trưởng chuẩn bị trả lời chất vấn, dẫn đến tình trạng: người được chuẩn bị “tranh thủ” báo cáo thành tích của ngành mình, còn các bộ trưởng không thuộc diện bị chất vấn, thì “yên tâm lắng nghe”, ít động não liên hệ với thực trạng của ngành mình. Lần này, sự cải tiến nội dung và hình thức chất vấn mang tính đột phá: tất cả các bộ trưởng đều trong “tư thế sẵn sàng” trả lời các vấn đề của đại biểu đặt ra liên quan ngành mình. Cách làm này buộc các bộ trưởng phải nắm toàn diện các vấn đề của ngành, phải luôn luôn “động não” suy nghĩ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu đại biểu Quốc hội và thực tiễn đất nước. Đương nhiên, để làm được điều này, vai trò của đồng chí Chủ tịch Quốc hội trong kỳ họp này được cử tri hoan nghênh về cách điều hành năng động, sự kết hợp giữa tính nguyên tắc và tính mềm mại trước ý kiến thái quá của một vài đại biểu, cũng như sự trả lời của một vài bộ trưởng đôi lúc có phần chưa trúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu đặt ra... Cũng do cách làm ấy, mà người hỏi cũng như người trả lời đều phải tuân thủ thời gian quy định: người hỏi không quá một phút; người trả lời không quá ba phút!

Điều quan trọng hơn cả là, tại diễn đàn Quốc hội, tất cả những vấn đề vĩ mô và vi mô của đời sống kinh tế - xã hội, đều được đặt lên bàn nghị sự. Qua rồi hiện tượng, đại biểu Quốc hội đặt trước mặt tập tài liệu dày cộp của các ngành cung cấp; đến phần thảo luận ở tổ cũng như ở hội trường, thường diễn ra tình trạng phát biểu nặng về “minh họa”. Các kỳ họp gần đây, đặc biệt là kỳ họp thứ sáu này, khi phát biểu, nhiều đại biểu đã lật đi, lật lại các đánh giá, thậm chí chỉ ra các con số đôi khi còn vênh nhau, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình. Qua rồi một lời “xin lỗi”, hoặc “xin rút kinh nghiệm” chung chung; lần này các “tư lệnh ngành” buộc phải cung cấp đầy đủ thực trạng, lý giải rành rọt nguyên nhân và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, phù hợp nguyện vọng cử tri. Chính từ thực tiễn đó, cử tri ngày càng tự hào Quốc hội của nước ta đúng là của dân, vì dân, do chính lá phiếu của mình bầu ra, đã và đang thật sự đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, các vấn đề từ lớn đến nhỏ, như bầu Chủ tịch nước, cơ cấu lại nền kinh tế; quan tâm nhiều hơn đến đời sống nông dân, người lao động; khuyến khích các thành phần kinh tế đều phát triển; ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội; khắc phục nhanh các yếu kém, tiêu cực trong ngành giáo dục; có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu và lợi ích nhóm..., đều được thảo luận dân chủ và nhiều vấn đề được tranh luận tại kỳ họp.

Cử tri cả nước ngày càng thấy rõ và tự tin khi những vấn đề bàn luận trong mỗi kỳ họp đều gắn bó mật thiết với đời sống của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và cả nước!