Quản lý tin tức trực tuyến tại Canada

Các nhà lập pháp tại Canada đang nỗ lực thúc đẩy thông qua một dự luật nhằm buộc các nền tảng công nghệ phải đàm phán và chia sẻ một phần doanh thu từ những nội dung của các nhà xuất bản tin tức được hiển thị trên các nền tảng này. Dự luật trên nhận được sự hoan nghênh từ các phương tiện truyền thông địa phương, trong khi vấp phải sự phản ứng mạnh từ phía các “gã khổng lồ” công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà xuất bản tin tức tại Canada sẽ được hưởng lợi nếu Dự luật C-18 được thông qua. Ảnh: GETTY
Các nhà xuất bản tin tức tại Canada sẽ được hưởng lợi nếu Dự luật C-18 được thông qua. Ảnh: GETTY

Tìm “khoản bù đắp” xứng đáng

Dự luật Tôn trọng các nền tảng truyền thông trực tuyến cung cấp nội dung tin tức cho người ở Canada, gọi tắt là Dự luật Tin tức trực tuyến, với mã C-18, lần đầu được giới thiệu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Canada khóa 44 vào tháng 11/2021. Mục tiêu của C-18 là đề xuất một cơ chế nhằm tăng cường sự công bằng trong thị trường tin tức kỹ thuật số ở Canada. Giới lập pháp kỳ vọng C-18 sẽ giúp tìm ra giải pháp để các trang tin, báo điện tử của Canada có thể thương lượng và nhận được “khoản bù đắp xứng đáng” về mặt doanh thu khi tin, bài do họ sản xuất và được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội như Facebook, hoặc được hiển thị trên trang tìm kiếm của Google.

Theo Dự luật Tin tức trực tuyến, các công cụ tìm kiếm và dịch vụ mạng xã hội nằm trong định nghĩa “trung gian tin tức kỹ thuật số”. Các nhà điều hành của những “trung gian tin tức kỹ thuật số” sẽ phải thực hiện một nghĩa vụ mới, đó là thương lượng với các đơn vị sản xuất tin tức đủ điều kiện về việc chia sẻ một phần doanh thu. Dự luật cũng sẽ bao gồm những tiêu chí để xác định những doanh nghiệp sản xuất tin tức nào đủ điều kiện tham gia quá trình thương lượng. Quá trình thương lượng giữa các nền tảng công nghệ và các đơn vị sản xuất nội dung có thể bao gồm ba bước tuần tự, phiên thương lượng, phiên hòa giải và phiên trọng tài.

Dự luật Tin tức trực tuyến đang được xem xét tại Hạ viện Canada và nếu dự luật này được thông qua, Canada sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Australia, buộc các nền tảng công nghệ phải đàm phán với các nhà xuất bản tin tức để trả phí cho việc sử dụng nội dung tin, bài. Trước đó, tháng 3/2021, Đạo luật Thương lượng truyền thông tin tức đã được thông qua tại Australia.

Theo Press Gazette, đến nay, các thống kê cho thấy Đạo luật Thương lượng truyền thông tin tức đã buộc Google và Facebook phải trả hơn 200 triệu AUD hằng năm cho các nhà xuất bản tin tức tại Australia. Tờ báo này ước tính, một dự luật tương tự nếu được thực thi ở Anh có thể giúp các nhà xuất bản tin tức ở nước này nhận được khoản thanh toán trị giá hơn 170 triệu bảng hằng năm, và nếu bao gồm các đài truyền hình thì số tiền sẽ là hơn 250 triệu bảng. Theo khảo sát do Công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện, những nỗ lực của Chính phủ Canada trong việc điều chỉnh các hoạt động trên internet nhận được sự ủng hộ của số đông người dân nước này.

Năm 2020, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Canada là khoảng 9,7 tỷ CAD (tương đương 7,1 tỷ USD), Google và Meta kiếm được hơn 80% trong số đó. Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Canada (PBO) ước tính, các đài truyền hình của Canada sẽ nhận được phần lớn trong nguồn ngân sách 329 triệu CAD (hơn 240 triệu USD) mỗi năm, nếu dự luật về tin tức trực tuyến liên bang được thực thi. Số tiền này có thể bù đắp khoảng 30% chi phí biên tập tin tức của các nhà xuất bản. Các đài truyền hình như CBC, Bell, Shaw và Rogers sẽ nhận được khoảng 247 triệu CAD, trong khi báo giấy và phương tiện truyền thông trực tuyến sẽ nhận được khoảng 81 triệu CAD mỗi năm. Khoản thu này được kỳ vọng sẽ đem lại sức sống mới cho lĩnh vực báo giấy của Canada vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez cho rằng, luật này là cần thiết để hỗ trợ lĩnh vực thông tin đang gặp khó khăn, trong đó có các tờ báo địa phương, trong bối cảnh phần lớn doanh thu quảng cáo rơi vào tay “các gã khổng lồ” công nghệ. Tuy nhiên, tại một số tỉnh của Canada có nhiều tờ báo địa phương có thể không đủ điều kiện nhận “khoản bù đắp” từ các tập đoàn công nghệ, do không có đủ số lượng nhân viên cần thiết theo các điều khoản của dự luật trên.

Quản lý tin tức trực tuyến tại Canada ảnh 1

Ảnh: AFP

Phản ứng của các tập đoàn công nghệ

Phản ứng trước những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy Dự luật C-18 của giới chức Canada, ngày 21/10, Facebook tuyên bố xem xét khả năng chặn quyền truy cập của người dân Canada vào các trang tin tức trên nền tảng của mình. Theo Marshable, đại diện của Meta - tập đoàn chủ quản của mạng xã hội Facebook tại Canada đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Canada xem xét lại cách tiếp cận, với lập luận rằng Dự luật Tin tức trực tuyến phản ánh không chính xác mối quan hệ giữa các nền tảng công nghệ và nhà xuất bản tin tức.

Cảnh báo được Meta đưa ra sau khi tập đoàn này không được mời tham gia một phiên điều trần tại Hạ viện Canada liên quan các đề xuất sửa đổi Dự luật C-18. Ngày 21/10, Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez và Chủ tịch Ủy ban Viễn thông, phát thanh, truyền hình Canada Ian Scott đã có phiên điều trần về Dự luật C-18 trước Ủy ban Di sản của Hạ viện Canada. Phát biểu ý kiến trước Hạ viện, Bộ trưởng Rodriguez nhấn mạnh: Dự luật C-18 nhằm bảo vệ tương lai của báo chí và cho phép người dân Canada tiếp cận với những tin tức đáng tin cậy.

Phụ trách quan hệ đối tác truyền thông của Facebook, ông Marc Dinsdale cho rằng, Dự luật C-18 nếu được thông qua sẽ tạo ra các điều khoản quy trách nhiệm tài chính chưa từng có trên toàn cầu liên quan các liên kết hoặc nội dung tin tức. Do đó, Facebook có thể buộc phải xem xét liệu có tiếp tục cho phép người dùng chia sẻ nội dung tin tức trên mạng xã hội này ở Canada như được định nghĩa theo C-18 hay không.

Facebook cho rằng, quy định nêu trên là không công bằng vì nền tảng này không thể kiểm soát những liên kết mà người dùng tự đăng trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, những bài viết có đính kèm đường dẫn tới các trang tin và báo điện tử chỉ chiếm 3% tổng nội dung chia sẻ hằng ngày của người dùng Facebook, những nội dung này không phải thứ thu hút người dùng và cũng không mang lại nguồn doanh thu đáng kể.

Facebook từng tắt tính năng chia sẻ tin tức trên mạng xã hội, trong khi Google cũng dọa ngừng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến tại Australia. Tuy nhiên, cuối cùng Google phải ký thỏa thuận hợp tác với các nhà sản xuất nội dung, còn Facebook thì ngừng chặn chia sẻ tin tức sau khi nghị viện Australia chỉnh sửa lại dự thảo luật liên quan tại nước này.

Giới chức Canada cảnh báo rằng, Facebook từng khiến người dân Australia gặp nguy hiểm khi chặn truy cập vào các trang thông tin cộng đồng và dường như đang đe dọa lặp lại chiến thuật này ở Canada. Nghị sĩ đảng Tự do Canada Antony Housefather yêu cầu Facebook bảo đảm rằng nền tảng này sẽ không gỡ các trang thông tin cộng đồng ở Canada, trong khi người phát ngôn của Bộ trưởng Di sản cho biết, bộ này sẽ thảo luận thêm với Facebook về các vấn đề liên quan.

Trong khi đó, Trưởng phòng Chính sách công và quan hệ với chính phủ của Google tại Canada, ông Colin McKay đưa ra lập luận rằng, Google đã giúp các nhà xuất bản tin tức của Canada có được hàng tỷ lượt truy cập mỗi năm một cách hoàn toàn miễn phí, qua đó các hãng tin tăng được lượng độc giả và kiếm được lợi nhuận. Việc buộc các nền tảng công nghệ phải thanh toán cho các liên kết sẽ khuyến khích các nội dung chất lượng thấp, hơn là những nội dung báo chí vì lợi ích công cộng. Theo Google, C-18 cũng sẽ có lợi hơn đối với các nhà xuất bản lớn, bởi đơn giản là các nhà sản xuất lớn hơn có nhiều nội dung hơn để liên kết.