Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO “toàn diện, thực chất và hiệu quả”

NDO -

Chiều 12/11, tại Kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 41 các quốc gia thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 9-24/11, ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh về vai trò của UNESCO và mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và tổ chức này.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Kỳ họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 41.
Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Kỳ họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 41.

Phát biểu tại kỳ họp, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam cùng các quốc gia thành viên chia sẻ niềm vui kỷ niệm 75 năm ngày thành lập UNESCO. Hành trình vừa qua đã khẳng định vai trò và vị thế của Tổ chức trong cấu trúc quản trị toàn cầu. Trong 75 năm qua, UNESCO có thể tự hào vì đã có nhiều đóng góp cho hòa bình, phát triển bền vững trên thế giới theo cách của mình là bảo tồn những giá trị tốt đẹp của quá khứ, đồng hành với sự phát triển của hiện tại và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

UNESCO đã góp phần để các giá trị văn hóa của nhân loại được bảo tồn cũng như tiếp tục dòng chảy của mình. UNESCO cũng để lại dấu ấn đậm nét trong việc xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp trên toàn cầu và hiện diện trong hành trình phát triển của mỗi trẻ em trên trái đất, nhằm mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”. UNESCO cũng đã nỗ lực để tri thức, khoa học công nghệ được chia sẻ, phổ biến, đóng góp cho sự vươn lên của các quốc gia”.

Ông Mai Phan Dũng cho biết: “Thế giới ngày nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO như xung đột có nguồn gốc về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo hoặc khoảng cách về công nghệ… Các vấn đề toàn cầu này diễn biến ngày càng phức tạp, tác động toàn diện và trực tiếp đến mỗi người dân, đòi hỏi sự ứng phó ở cấp độ toàn cầu và sự hợp tác quốc tế toàn diện. UNESCO được kỳ vọng tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong các nỗ lực đa phương để giải quyết các vấn đề đó.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề xuất một số định hướng cho hoạt động hợp tác thời gian tới của UNESCO:

Về khoa học, UNESCO song hành và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế xanh nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, giá trị văn hóa, địa chất...

Việt Nam ủng hộ đặc biệt các Khuyến nghị về Khoa học Mở vì đây là cách hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và hạ tầng, tiếp cận nền tảng khoa học mở tiên tiến của các nước phát triển, nhất là trên các lĩnh vực môi trường, hợp tác hải dương, chuyển đổi số…

Về giáo dục, Việt Nam ủng hộ Báo cáo Tương lai giáo dục (Futures of Education) của UNESCO, qua đó xây dựng một triết lý giáo dục mới, hiện đại hóa giáo dục, tiếp cận bình đẳng với giáo dục chất lượng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn UNESCO tiếp tục hỗ trợ các mô hình giáo dục truyền thống, xây dựng và chuyển đổi các mô hình linh hoạt, nâng cao năng lực của các hệ thống giáo dục quốc gia nhằm bảo đảm giáo dục đồng đều và bao trùm, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời, tránh “thảm họa thế hệ” (generational catastrophe) do đại dịch Covid-19 gây ra.

Về văn hóa, tiếp tục thúc đẩy nền văn hóa hòa bình, đa dạng văn hóa, bảo đảm an ninh văn hóa, duy trì bản sắc và sự đa dạng của các nền văn hóa thông qua bảo tồn và phát huy các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản phi vật thể, di sản tư liệu…”.

Ông Mai Phan Dũng cho rằng, quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO rất tốt đẹp, toàn diện, thực chất và hiệu quả, nhờ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam ủng hộ tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trên cấp độ toàn cầu, khu vực và liên khu vực; chia sẻ mục tiêu, sứ mệnh, vai trò và các hoạt động của Tổ chức nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác trí tuệ vì phát triển bền vững; ủng hộ các nỗ lực cải tổ của UNESCO để trở thành một tổ chức dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nêu sáng kiến hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực như OIF và ASEAN trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột trên thế giới và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với UNESCO. Việt Nam cũng sẵn sàng làm cầu nối trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa UNESCO với ASEAN.

Chiều cùng ngày, UNESCO đã long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập với sự tham dự của 28 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Thủ tướng nước chủ nhà Jean Castex và hàng chục bộ trưởng cùng các đại diện của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Sau buổi lễ, tháp Eiffel gần đó được chiếu sáng với biểu tượng của UNESCO từ 19 giờ 30 phút đến nửa đêm.