Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan chỉ huy, điều hành Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo sự phát triển của quân đội và dân quân tự vệ, đồng thời chỉ huy các hoạt động quân sự. Bộ Tổng Tham mưu được thành lập ngày 7/9/1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Công hòa được thành lập. Tuy nhiên, lúc này cách mạng Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, tình hình như “ngàn cân treo sợi tóc”. Việc xây dựng tổ chức quân sự, phát triển lực lượng vũ trang trên quy mô cả nước đặt ra một loạt vấn đề bức thiết về thống nhất tổ chức, chỉ huy, đào tạo cán bộ, bảo đảm vũ khí, lương thực, nắm địch, nắm ta… Vì vậy, việc tổ chức cơ quan tham mưu chiến lược trở thành yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Ngày 7/9/1945, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đồng chí Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan tham mưu. Cùng dự có Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều vấn đề rất cơ bản, có tầm quan trọng quyết định phương hướng xây dựng, hoạt động và phát triển của Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan tham mưu các cấp trong toàn quân không chỉ trước mắt mà cho suốt cả sự trưởng thành và phát triển của cơ quan này.

Người nói đại ý: “Ta vừa giành được độc lập, tự do, Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể (Đảng) lập Bộ Tổng Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước. Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của Quân đội, có nhiệm vụ: Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Thế nào ta cũng xây dựng được ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc”[1].

Thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngay trong ngày 7/9/1945, đồng chí Hoàng Văn Thái cho thành lập và trực tiếp phụ trách Phòng Tác chiến - Đồ bản, đồng thời, giao cho đồng chí Hoàng Minh Đạo chuẩn bị thành lập Phòng Tình báo. Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về công tác tham mưu chiến lược, lần lượt các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã được thành lập và bắt tay ngay vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược.

Lễ xuất quân chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (12/1978).

Lễ xuất quân chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (12/1978).

Thế nào ta cũng xây dựng được ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Buổi đầu thành lập, mặc dù điều kiện mọi mặt còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu đã đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, vừa kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, mở rộng các đầu mối, bổ sung quân số, phát triển nhiệm vụ, nghiên cứu phương pháp hoạt động,… vừa kết hợp làm việc với học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tham mưu chiến lược cho Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng theo chức năng, nhiệm vụ. Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của cơ quan chỉ huy, tham mưu cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã tập trung tham mưu, chỉ đạo xây dựng phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; thống nhất tổ chức biên chế đơn vị bộ đội chủ lực, xác định nguyên tắc tổ chức lực lượng, cách đánh; chỉ đạo phân chia lại chiến trường, huấn luyện quân sự; tổ chức chỉ đạo, chỉ huy cuộc chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích tiến lên tác chiến tập trung quy mô lớn, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch như: Việt Bắc (1947), Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

Bộ Tổng Tham mưu báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng về tình hình biên giới.

Bộ Tổng Tham mưu báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng về tình hình biên giới.

Đồng chí Lê Đức Anh triển khai quyết tâm chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu về biên giới Tây Nam ở Quân khu 9.

Đồng chí Lê Đức Anh triển khai quyết tâm chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu về biên giới Tây Nam ở Quân khu 9.

Đồng chí Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tiên, Kiên Giang (tháng 12/1978).

Đồng chí Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tiên, Kiên Giang (tháng 12/1978).

Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu phó kiểm tra tình hình biên giới ở tỉnh Tây Ninh (năm 1978).

Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu phó kiểm tra tình hình biên giới ở tỉnh Tây Ninh (năm 1978).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phải đối đầu với thế lực quân sự mạnh bậc nhất thế giới nhưng với bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện sáng tạo đường lối đấu tranh của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung trí tuệ, “bày mưu, tính kế”, chỉ huy quân dân hai miền lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương miền bắc, làm chỗ dựa cho cách mạng miền nam.

Bộ Tổng Tham mưu đã góp phần to lớn làm nên những thắng lợi “rung chuyển” như Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược 1972, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972... buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm đứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước. Khi thời cơ xuất hiện, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ huy tập trung lực lượng, kiên quyết tiến công, góp phần để Bộ Chính trị chỉ đạo quân và dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức vẻ vang.

Sau ngày đất nước thống nhất, trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Tổng Tham mưu đã triển khai nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng kế hoạch tổ chức, điều chỉnh bố trí chiến lược phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, đề xuất xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Bộ Tổng Tham mưu hoàn thành tốt chức năng tham mưu giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào; đề xuất kế hoạch củng cố, phát triển lực lượng vũ trang theo quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân, kết hợp xây dựng phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần đấu tranh phòng, chống làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, gắn quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; chủ động nghiên cứu, đề xuất ban hành các chiến lược, đề án, góp phần hoàn thiện đường lối, pháp luật về quân sự, quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc. Chỉ đạo toàn quân chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tham mưu hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, tạo niềm tin chiến lược đổi với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; cùng với toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Như vậy, quá trình ra đời, phát triển của Bộ Tổng Tham mưu luôn gắn với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân  Việt Nam. Với tài mưu lược, sáng tạo về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật nắm địch, chỉ đạo chỉ huy, hiệp đồng tác chiến chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu đã góp phần to lớn vào những thắng lợi vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, xây dựng nên truyền thống “Trung thành-mưu lược, tận tụy--sáng tạo, đoàn kết-hiệp đồng, quyết chiến-quyết thắng”, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày 7/9 trở thành Ngày truyền thống của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nội dung: Lê Văn Cử
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Viện Lịch sử Quân sự