BÓNG ĐÁ VIỆT NAM SẼ KHÔNG THỂ CÓ QUẢ NGỌT NẾU “BỎ LƠ” ĐÀO TẠO TRẺ

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng bóng đá Việt Nam vẫn quyết tâm hướng tới các mục tiêu lớn trong tương lai gần, trong đó đặt trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tú chung quanh vấn đề này.

Đội tuyển U18 Việt Nam đá giao hữu với U18 Hàn Quốc.

Đội tuyển U18 Việt Nam đá giao hữu với U18 Hàn Quốc.

Phóng viên: Xin ông cho biết vừa qua công tác đào tạo trẻ đã được VFF chú trọng như thế nào? Những thành tựu đã đạt được trong năm 2023?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Trọng tâm của đào tạo bóng đá trẻ là tổ chức hệ thống các giải đấu trẻ. VFF đã có hệ thống các giải trẻ từ U9 đến U21 và được tổ chức đều hàng năm. Số lượng các đội tham dự và số trận đấu ngày càng tăng. Như tại VCK giải U15, U17 trước đây chỉ có 8 đội, nhưng nay đã tăng lên 12 đội.

Để các câu lạc bộ nỗ lực hơn cho công tác đào tạo trẻ, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng như VFF đều quy định mỗi năm, các câu lạc bộ phải tham dự ít nhất 4 giải trẻ, trong đó bắt buộc với U15 và U17, nếu không câu lạc bộ sẽ gặp khó khăn trong quá trình cấp phép cũng như có biện pháp phạt. Với AFC thì các câu lạc bộ sẽ không được tham dự các giải đấu do AFC tổ chức.

Các câu lạc bộ chuyên nghiệp cũng hiểu chuyện này, bằng chứng là công tác đào tạo trẻ tại các câu lạc bộ ngày càng tích cực hơn và luôn chú trọng việc tuyển chọn cũng như đào tạo để có lực lượng tham gia giải trẻ, cũng như là tạo ra lực lượng kế cận. Bản thân các câu lạc bộ cũng hiểu đào tạo trẻ sẽ tạo ra bản sắc câu lạc bộ, từ đó khi đã thành công, chi phí mua chuyển nhượng các cầu thủ cũng sẽ giảm rất nhiều.

Vì vậy, công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam những như nhiều nước trên thế giới luôn được quan tâm chú trọng. Chúng ta cũng để lại nhiều dấu ấn tốt, đặc biệt là lứa Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội với những thành tích đáng ghi nhận.

Phóng viên: Năm 2009, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF được thành lập. Vậy nhìn câu chuyện xa hơn, đến nay, ông đánh giá Trung tâm PVF đã giúp ích gì cho nền bóng đá Việt Nam?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: PVF thực tế không phải cơ quan Nhà nước mà được huy động vốn từ tư nhân. PVF là một hình mẫu đào tạo bóng đá trẻ tiêu biểu và đặc biệt cơ sở vật chất vượt trội, chỉ vài trung tâm tại châu Á có thể được như PVF. PVF đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam, nhất là bóng đá trẻ.

Đây là nơi tập huấn của nhiều đội tuyển trẻ quốc gia. PVF luôn nhiệt tình hỗ trợ các đội tuyển trẻ cho Liên đoàn. Về công tác đào tạo, PVF đã đào tạo cho bóng đá Việt Nam khá nhiều cầu thủ chất lượng. Gần đây, PVF đã đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển U23 Quốc gia, nhất là tại SEA Games 32 ở Campuchia, trong đội hình U22 có rất nhiều cầu thủ do lò PVF đào tạo và đã để lại nhiều dấu ấn tốt.

Có thể nói PVF đã có nhiều cống hiến với bóng đá Việt Nam và đã đầu tư rất nhiều tiền cho cơ sở vật chất và công tác đào tạo trẻ. Có thể chúng ta ai cũng mong muốn PVF cho ra lò nhiều cầu thủ tốt hơn hiện nay so những số tiền đã đầu tư. Nhưng việc đào tạo trẻ hoàn toàn không dễ dàng, để có được thành công thì còn phụ thuộc vào sự may mắn cũng như tài năng không phải lúc nào cũng sẵn có để đào tạo.

U18 Việt Nam đá giao hữu với Hàn Quốc.

U18 Việt Nam đá giao hữu với Hàn Quốc.

Phóng viên: Nhìn lại câu chuyện đào tạo trẻ thì như khi Hoàng Anh Gia Lai thành lập “lò luyện” đầu tiên, rồi sau này đến các câu lạc bộ khác như Hà Nội, Viettel. Vậy ông đánh giá mức độ quan tâm của các câu lạc bộ tới công tác đào tạo trẻ như thế nào?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Hiện nay các câu lạc bộ rất quan tâm tới công tác đào tạo trẻ. Chẳng hạn như với Thể công - Viettel, họ đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức vào công tác đào tạo trẻ. Và mặc dù họ chưa đạt được thành công như mong muốn tại giải V-League, nhưng chúng ta có thể thấy dàn cầu thủ nội của họ đang rất mạnh và hầu hết do chính Thể công - Viettel đào tạo. Có thể kể đến như Hoàng Đức là một tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam. Hay như trung vệ Bùi Tiến Dũng đã đóng góp rất nhiều cho đội tuyển quốc gia thời HLV Park Hang-seo. Ngoài ra còn nhiều cầu thủ trẻ tài năng nữa, như Khuất Văn Khang chẳng hạn.

Với CLB Hà Nội, họ có may mắn là hợp tác đào tạo trẻ cùng Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, để tạo ra những lứa trẻ như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… Đây là những cầu thủ được Sở đào tạo và bàn giao cho CLB Hà Nội và bản thân CLB này cũng có những chương trình đào tạo riêng, sản sinh ra những cầu thủ như Văn Hậu. Qua đó, hàng loạt cầu thủ của CLB Hà Nội đã có những đóng góp rất lớn cho đội tuyển quốc gia, đặc biệt dưới thời HLV Park Hang-seo.

Nếu không quan tâm đến công tác đào tạo trẻ thì đội tuyển quốc gia chúng ta sẽ không có những thành tích như trong thời gian vừa qua.

Item 1 of 2

Đội tuyển nữ tập huấn trước thềm U20 châu Á.

Đội tuyển nữ tập huấn trước thềm U20 châu Á.

Đổi tuyển U18 Việt Nam đá giao hữu với U18 Hàn Quốc.

Đổi tuyển U18 Việt Nam đá giao hữu với U18 Hàn Quốc.

Phóng viên: Đó là những dẫn chứng thuyết phục để các CLB tin tưởng hơn vào công tác đào tạo trẻ thay vì đổ quá nhiều tài chính vào thị trường chuyển nhượng. Vậy trong giai đoạn chuyển giao từ HLV cũ sang mới của đội tuyển quốc gia, rất nhiều người không hiểu câu chuyện vì sao HLV Troussier lại dùng rất nhiều cầu thủ trẻ, ông có thể giải thích thêm để độc giả hiểu hơn về triết lý này?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: HLV Philippe Troussier đã có khoảng thời gian ở Việt Nam và từng là HLV trưởng của đội U19, rất nhiều cầu thủ được ông đào tạo từ trẻ và ông rất hiểu họ. Thực sự ông cũng muốn đội tuyển quốc gia có một làn gió mới, cho nên theo quan điểm của ông, những cầu thủ trẻ mà có khả năng sẽ có nhiều cơ hội để trở thành nóng cốt của đội tuyển quốc gia.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, mỗi HLV sẽ có quan điểm khác nhau về sử dụng lực lượng cầu thủ. Như HLV Park Hang-seo khi đến với Việt Nam đã có sẵn lứa cầu thủ của Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai - là lứa cầu thủ tiêu biểu và được tin tưởng tuyệt đối vào thời điểm đó. Còn với HLV Troussier, những cầu thủ trẻ đã được ông đào tạo và từng biết thì ông có mong muốn tạo cơ hội cho họ đi thi đấu để mang lại hình ảnh mới của đội tuyển. Như vừa rồi chúng ta thi đấu với những đội bóng lớn như Trung Quốc, Uzberkistan và Hàn Quốc, những cầu thủ trẻ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Trong trận đấu với Iraq, Đình Bắc là cầu thủ 19 tuổi mà đã để lại dấu ấn rất tốt. Có thể thấy đội tuyển Việt Nam đang có lực lượng kế cận rất tốt.

HLV Troussier cũng muốn đội tuyển quốc gia có một làn gió mới, cho nên theo quan điểm của ông, những CẦU THỦ TRẺ mà có khả năng sẽ có nhiều cơ hội để trở thành NÒNG CỐT CỦA ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA.

Thế nhưng, HLV Troussier vẫn tin dùng những cầu thủ chủ chốt như Văn Lâm, Quế Ngọc Hải và những cái tên khác, từ đó tạo ra sự kết nối giữa những thế hệ một cách nhuần nhuyễn hơn. 

Năm 2023, lần đầu tiên bóng đá nữ tham dự World Cup

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mong muốn rằng, bóng đá nữ sẽ ngày càng được ủng hộ, xã hội quan tâm hơn để phát triển mạnh hơn.

Phóng viên: Ông có thể tiết lộ thông tin về quá trình hợp tác giữa VFF và La Liga trong tháng 1 tới không? Khi đây là một sự kiện rất quan trọng đối với bóng đá trẻ nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Năm 2023 Liên đoàn đã ký hợp tác cùng La Liga. Theo đó, La Liga sẽ hỗ trợ Việt Nam về công tác đào tạo trẻ, chúng ta sẽ có những hội thảo tới đây để đi sâu vào vấn đề này. Đội tuyển quốc gia nam và nữ có thể đi tập huấn quốc tế. Đó là những nội dung trước mắt đã được 2 bên trao đổi.

Qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các HLV Tây Ban Nha, tôi thấy họ có triết lý khá phù hợp với bóng đá Việt Nam. Và HLV hiện nay là ông Diego Guistozzi dù là người Argentina nhưng cũng mang đậm chất Tây Ban Nha. Tôi nghĩ hợp tác giữa VFF và La Liga có thể nói đang đi đúng hướng và tôi tin trong tương lai, đội tuyển quốc gia Việt Nam sẽ có một huấn luyện viên trưởng là người Tây Ban Nha.

Phóng viên: Việc thu hút một giải đấu lớn như Li Liga tham gia hợp tác cùng VFF nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực gì về mặt truyền thông cũng như sự phát triển lâu dài thưa ông?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: LaLiga có rất nhiều câu lạc bộ nổi tiếng như Real Madrid và Barcelona, riêng những cái tên này đã mang lại sự tích cực về mặt truyền thông. Và với sự tên tuổi của giải đấu, sự hợp tác giữa VFF và LiLiga sẽ hỗ trợ truyền thông về câu chuyện hợp tác này.

 

Item 1 of 3

Phóng viên: Bàn về vấn đề nhập tịch, hiện nay khi chúng ta bắt đầu chú ý và định hướng đưa những cầu thủ có dòng máu Việt về Việt Nam thi đấu cũng như nhập tịch để họ có cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia. Vậy công tác tìm kiếm tài năng trẻ của VFF đã được tiến hành như thế nào?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Việc tìm kiếm tài năng trẻ gốc Việt ở nước ngoài đã được Liên đoàn chú trọng từ lâu. Mặc dù không đủ nhân sự để đi nhiều nước, nhưng chúng tôi có được những mối quan hệ ở nước ngoài, đặc biệt những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài giới thiệu. Hoặc như chính HLV Mai Đức Chung là người đã tìm ra rất nhiều những cầu thủ gốc Việt để giới thiệu tới VFF.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, để tìm được những tài năng đóng góp cho nước nhà không đơn giản. Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp quy định cầu thủ phải có hộ chiếu Việt Nam thì mới tính là cầu thủ nội, còn không thì là cầu thủ ngoại. Mà nếu như vậy, các câu lạc bộ sẽ tính bước đi thuê cầu thủ ngoại thay vì tìm kiếm cầu thủ nội (mất 1 suất).

Filip Nguyễn trong màu áo CLB Công An Hà Nội. (Ảnh: CAHN)

Filip Nguyễn trong màu áo CLB Công An Hà Nội. (Ảnh: CAHN)

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2023, để tạo điều kiện và cơ hội cho những cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam đóng góp cho bóng đá Việt Nam, VFF đã cho các câu lạc bộ được đăng ký thêm 1 suất cầu thủ là người gốc Việt, mặc dù hộ chiếu nước ngoài. Cho nên vừa qua, chúng ta thấy các CLB đã đăng ký một số cầu thủ như Philip Nguyễn, ngoài ra một số cũng đang tìm cầu thủ bổ sung để sử dụng.

Đấy chính là nguồn cầu thủ để nếu HLV trưởng đội tuyển quốc gia cảm thấy phù hợp, VFF sẽ đề nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp nhập tịch cho họ. Song chúng ta cũng không làm ồ ạt như một số nước hiện nay, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng tới công tác đào tạo trẻ, khi mà đây vẫn là cái gốc quan trọng nhất.

Cần hiểu rằng chúng ta cần thêm nhiều nguồn lực, nhưng nguồn lực này phải chắc chắn và bền vững, có chiều sâu. Bản thân các cầu thủ gốc Việt Nam cũng phải có mong muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

 

Đội tuyển futsal tập huấn tại Nam Mỹ.

Đội tuyển futsal Việt Nam đá giao hữu với đội tuyển Paraquay trong chuyến tập huấn tại Nam Mỹ.

Đội tuyển futsal Việt Nam đá giao hữu với các cầu thủ Argentina trong chuyến tập huấn tại Nam Mỹ.

Phóng viên: Futsal Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, ông có thể lý giải lợi thế của futsal Việt Nam so khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung để đạt được những thành công như vậy?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Nói về lợi thế thì chúng ta không có. Nhìn vào giải vô địch quốc gia, chúng ta có số lượng đội tham gia không nhiều với lực lượng mỏng. Hầu hết các cầu thủ được đào tạo bài bản để thi đấu futsal rất ít, chủ yếu là Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc và Sahako là những đội mà công tác đào tạo cầu thủ trẻ rất mạnh.

Tuy nhiên, có thể khẳng định, futsal Việt Nam đang đi đúng hướng. Điều này được thể hiện bằng việc lựa chọn HLV ngoại phù hợp, chính họ đã giúp cho futsal Việt Nam hòa nhập với thế giới rất nhanh và bộ máy ban huấn luyện chuyên nghiệp: có HLV trưởng, trợ lý HLV trưởng, HLV thể lực, HLV thủ môn và chuyên viên về vật lý trị liệu mà nòng cốt là các chuyên gia nước ngoài. Guồng máy này đã hoạt động từ năm 2010.

Các HLV ngoại đã giúp cầu thủ Việt Nam có đủ thể lực và khả năng thi đấu quốc tế. Đặc biệt, các HLV ngoại có mối quan hệ rất tốt, nhờ đó tuyển futsal Việt Nam được thi đấu với nhiều đối thủ khác nhau, thậm chí là với đội futsal hàng đầu thế giới như Brazil, Tây Ban Nha, Argentina, Nga…

Đội tuyển futsal Việt Nam liên tục được đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, nhất là ở châu Âu và Nam Mỹ - hai lục địa có những đội tuyển mạnh nhất thế giới.

Những yếu tố này đã mang lại thành tích cho đội tuyển futsal Việt Nam. Chúng ta không có lợi thế về con người, về cơ sở vật chất... thậm chí so với Thái Lan chúng ta còn quá nhỏ bé về lực lượng và cơ sở vật chất. Cả nước có rất nhiều nhà thi đấu, nhưng để tìm một nơi để futsal có thể thường xuyên tập luyện thì hiện giờ chỉ có nhà thi đấu quận 8.

Phóng viên: Vậy còn thành công của bóng đá nữ trong năm qua. Việc lần đầu tiên bóng đá nữ tham dự World Cup là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2023. Thay mặt ban lãnh đạo VFF, xin ông chia sẻ cảm xúc?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Phải nói chúng tôi rất vui mừng. Cuối năm các cơ quan nhà nước thường bầu chọn những sự kiện tiêu biểu trong năm, thì việc bóng đá nữ được vinh danh khiến chúng tôi - những người làm bóng đá vô cùng hạnh phúc. Cũng như chúc mừng cho các chị em đã có những đóng góp tuyệt vời cho bóng đá Việt Nam, mang lại những hình ảnh đẹp. Liên đoàn cũng mong muốn rằng, bóng đá nữ sẽ ngày càng được ủng hộ, xã hội quan tâm hơn để phát triển mạnh hơn.

Phóng viên: Nhân dịp Tết đến Xuân về, ông có lời gửi gắm gì tới người hâm mộ Việt Nam?

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: Nhân dịp năm mới, VFF cảm ơn người hâm mộ, cảm ơn khán giả đã luôn ủng hộ bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Liên đoàn bóng đá Việt Nam luôn luôn nỗ lực làm hết sức mình để đưa các đội tuyển quốc gia đạt được thành tích ngày càng tốt hơn, để người hâm mộ cảm thấy hạnh phúc và tự hào với bóng đá Việt Nam. Với các cầu thủ trẻ, VFF luôn tạo điều kiện để các em được cống hiến, thi đấu để có sự tiến bộ và tạo ra lứa kế cận cho đội tuyển quốc gia.

Kính chúc độc giả của Báo Nhân Dân có một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy sức khỏe.

Ngày xuất bản: 10/2/2024
Chỉ đạo: VIỆT ANH
Thực hiện: SƠN BÁCH-
PHAN THẠCH-THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC BÍCH