Phục hồi hiệu quả, phát triển bứt phá để không tụt hậu

Trong cuộc trò chuyện với Báo Nhân Dân đầu Xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế nhờ vào bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm, đồng lòng vượt khó của cả dân tộc. Thời gian, vận hội không chờ đợi ai, nhất thiết phải hành động ngay, hành động mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, một năm đầy sóng gió đã khép lại phía sau. Trạng thái bình thường mới đang được thiết lập để hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân đi vào ổn định trở lại. Và đây chính là điều quý giá nhất. Với vai trò tham mưu tổng hợp của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp gì cho thành tích chung đó?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2021 là năm hết sức đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trong điều kiện chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, năm 2021 vẫn là một năm thành công với những thành tích có ý nghĩa quan trọng, rất đáng khích lệ.

Đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn cuộc sống nhân dân.

Quan trọng hơn, sau những sóng gió, trạng thái bình thường mới đang trở lại trong từng căn nhà, góc phố, từng gia đình, công xưởng... Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc mà mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận và tự hào.

Đạt được những thành quả đó, trước tiên phải khẳng định là nhờ đường lối, chủ trương, quyết nghị đúng đắn của Đảng, Quốc hội, quyết sách của Chính phủ là chính xác, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả; với từng bước đi vững chắc, quyết liệt; chỉ đạo, điều hành linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới và trong nước.

Trong những quyết sách cũng như thành tựu chung, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước. Những đóng góp này thể hiện ở 5 nội dung có ý nghĩa quan trọng nhất.

Một là, hoàn thành xuất sắc vai trò quan trọng của một cơ quan tham mưu chiến lược. Bộ đã tham mưu xây dựng, trình ban hành nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là khung khổ, định hướng để phát triển đất nước từ ngắn đến trung và dài hạn. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua 3 mốc mục tiêu phát triển đất nước gồm: đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao; phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hai là, tiếp tục tiên phong trong đổi mới, cải cách về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn là cơ quan có số nhiệm vụ, chương trình, đề án được giao nhiều nhất trong số các cơ quan của Chính phủ, tỷ lệ hoàn thành luôn ở mức cao nhất với 100% nhiệm vụ được giao.

Ba là, toàn ngành đã luôn nỗ lực vượt lên chính mình, đổi mới và đi tiên phong cả trong tư duy và hành động; thực hiện tốt vai trò “tham mưu tổng hợp chiến lược” của nền kinh tế. Bám sát tình hình dịch bệnh, đánh giá, dự báo tác động tới kinh tế-xã hội để kịp thời đề xuất, tham mưu nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính xác. Những nỗ lực, đóng góp tham mưu của toàn ngành được thể hiện trong chính những văn bản của Chính phủ, như: các Nghị quyết số 63/NQ-CP; số 105/NQ-CP; số 128/NQ-CP… và đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội vừa thông qua.

Bốn là, thực hiện chiến lược và công tác cán bộ một cách bài bản, khoa học với tầm nhìn dài hạn.

Năm là, hiện thực hóa quan điểm của Đảng “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” trong toàn ngành.

Phóng viên: Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội và đặc biệt là cộng đồng sản xuất, kinh doanh. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến năm 2023 là gì? 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023.

Các nhóm giải pháp chủ yếu là thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp như tiếp tục chính sách giãn, hoãn thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững thông qua đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các cơ chế chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Phóng viên: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng và tạo đà cho chặng đường tiếp theo. Vậy chúng ta cần làm gì để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bước sang năm 2022, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, tập trung tâm sức, nguồn lực, thời gian để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Cùng với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hai nhiệm vụ này luôn song hành với nhau.

Bên cạnh đó, không thể vì dịch Covid-19 mà sao nhãng, lơ là các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Nếu chúng ta dừng lại quá lâu trước rào cản, thách thức, sẽ để lỡ cơ hội phát triển. Thời gian, vận hội không chờ đợi ai, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Chúng ta cần phải phục hồi hiệu quả, phát triển bứt phá để không tụt hậu.

Đặc biệt, cần quyết tâm đón nhận, tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ bối cảnh phát triển mới “hậu Covid-19”, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tận dụng thời kỳ dân số vàng, cấu trúc lại trật tự thương mại và dịch chuyển vốn đầu tư quốc tế…

Khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng quan trọng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn, kích thích mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là hợp tác công tư.

Tiếp tục tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, phát huy vai trò mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Phóng viên: Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của phát triển bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn giải pháp để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững. Hành động của Việt Nam trước xu hướng này là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam chọn tăng trưởng xanh như một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới hài hòa phát triển kinh tế-xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong chính lối sống của con người.

Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Chiến lược là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, nhằm đạt được các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về phục hồi xanh, tăng trưởng xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Chúng ta sẽ triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược từng bước một. Với tầm nhìn dài hạn và bao trùm trong các quyết sách chỉ đạo, điều hành đất nước, những thách thức của đại dịch sẽ sớm lùi lại phía sau và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên, đạt các mục tiêu 5 năm, 10 năm tới là rất lớn.

Phóng viên: Bộ trưởng kỳ vọng thế nào vào phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm Nhâm Dần? 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sự hồi phục và phát triển bứt phá của năm 2022 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước. Vì vậy, đây là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tôi có niềm tin chắc chắn vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 để nhanh chóng quay lại quỹ đạo phát triển.

Nền tảng cho sự phục hồi, trước hết là chúng ta đã ban hành nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là khung khổ, định hướng để phát triển đất nước, tạo cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nền kinh tế vẫn giữ được những nền tảng cơ bản để phục hồi nhanh, phát triển bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được đảm bảo, còn dư địa thực hiện các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế.

Điều quan trọng là chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và có quyết tâm cao nhất để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sẽ có tác động nhanh chóng đến nền kinh tế. Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình có quy mô nguồn lực lớn, lên đến khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tập trung thực hiện trong hai năm 2022-2023. Đây là nguồn lực bổ sung lớn cho nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, thực hiện các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách để củng cố và tạo động lực bền vững cho nền kinh tế, không chỉ trong năm 2022 mà cả các năm tiếp theo sẽ có tác động nhanh chóng đến nền kinh tế.

Niềm tin còn đến từ tinh thần kinh doanh mãnh liệt của doanh nghiệp. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, khu vực doanh nghiệp đã quay trở lại thị trường rất nhanh, hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng. Về phía nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thể hiện ở số vốn đầu tư cam kết lên đến 31,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng cũng như góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai năm chống chịu trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm để từ đó tìm ra động lực mới, sức sống mới. Tinh thần dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ trong bối cảnh Covid-19 vừa qua sẽ là sức mạnh to lớn để chúng ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn trước mắt, vững bước trên con đường phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !

Item 1 of 1

Chỉ đạo: NGỌC THANH
Thực hiện: TÔ HÀ - KHÁNH GIANG
Trình bày: BẢO MINH - PHAN ANH
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ