Phú Yên tiếp tục ứng phó diễn biến thời tiết xấu trên biển

NDO -

Trong 3 ngày qua, toàn tỉnh Phú Yên tập trung công tác khắc phục thiệt hại nặng nề do đợt mưa, gió lớn bất thường xảy ra trong ngày 30, 31/3. Đồng thời với việc ổn định đời sống nhân dân, nhất là những ngư dân ven biển có nhà sập, người chết, mất mát tài sản, tỉnh cũng khẩn trương triển khai công tác ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp đang diễn ra.

Tàu, thuyền ngư dân thành phố Tuy Hòa neo đậu an toàn tại kè Bạch Đằng, đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp trên biển.
Tàu, thuyền ngư dân thành phố Tuy Hòa neo đậu an toàn tại kè Bạch Đằng, đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp trên biển.

Ngay trong chiều 4/4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có công điện khẩn gửi các cơ quan chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với dông lốc, mưa lớn và sóng biển dâng cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ đêm ngày 3/4 đến ngày 6/4, tỉnh Phú Yên có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 100-150mm/đợt, có nơi cao hơn, có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ngoài ra, vùng biển ngoài khơi khu vực tỉnh Phú Yên, có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Vùng ven biển gió cấp 5-6, biển động, sóng biển cao 2-3m; triều cường có khả năng xảy ra, nguy cơ sạt lở vùng ven biển.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt, gió mạnh và sóng lớn trên biển, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đồng thời, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Các địa phương rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất; hướng dẫn, vận động nhân dân thu hoạch sớm lúa vụ đông xuân 2021-2022 đã đến giai đoạn thu hoạch. Sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển khi có mưa lũ lớn xảy ra và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển.

Phú Yên tiếp tục ứng phó diễn biến thời tiết xấu trên biển -0
 Sóng lớn, triều cường xâm thực, sạt lở nhiều nơi tại bờ biển phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Riêng đợt mưa lớn, gió lốc bất thường trong 2 ngày 30 và 31/3 đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Phú Yên. Tại huyện Tuy An có 1 người chết, một người còn mất tích trên biển. Toàn tỉnh có 117 ghe, thuyền (chiều dài dưới 15m) của ngư dân ven biển bị sóng đánh chìm, đến nay lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân trục vớt được 86 chiếc/117 chiếc; có 15.700/26.666ha lúa đông xuân bị ngập nước, ngã, đổ; 14 nhà ở của người dân bị sập, tốc mái. Về nuôi trồng thủy sản, thiệt hại 2.450 lồng/790.000 con tôm hùm ươm nuôi bị chết, trôi dạt; 30 bè nuôi trồng thủy hải sản bị sóng đánh chìm, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại sơ bộ hơn 300 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, ngày 2/4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đi kiểm tra thực tế thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Phú Yên.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, các cấp chính quyền tập trung khắc phục thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị do thiên tai gây ra.

Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để hỗ trợ sửa chữa nhà ở người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi,... bảo đảm sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt…

Các đơn vị lực lượng (quân sự, công an, biên phòng) đã triển khai huy động lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn (hỗ trợ trục vớt tàu, thuyền bị chìm, ngu lưới cụ…) trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng để tỉnh khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất về thủy sản, tàu thuyền; hỗ trợ cho người sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bị thiệt hại để sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.