Văn hóa và phát triển

Liệu có còn  "Nhà dài như tiếng chiêng ngân..."?

NDO -

ND - Ðến Ðác Lắc, không thể ngăn thú rong ruổi qua các buôn làng tìm những bóng dáng "nhà dài như tiếng chiêng ngân" của người Ê Ðê năm xưa trong trường ca Ðăm San huyền thoại.

Nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Đê (Đác Lắc).
Nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Đê (Đác Lắc).

Những năm qua cuộc sống con người và mảnh đất Tây Nguyên đã có nhiều đổi thay, nhà dài dần mai một. Một số nơi 100% đã là nhà xây, nhà cao tầng hiện đại. Bảo tồn nhà dài là vấn đề quan trọng nhằm giữ gìn không gian sinh hoạt và đời sống văn hóa đậm nét truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Bê-tông hóa nhà dài

Huyện Cư M’gar cách TP Buôn Ma Thuột 30 km. Với 30% số dân là người Ê Ðê, đây là huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhất tỉnh Ðác Lắc. Trên các nẻo đường chạy qua nhiều buôn làng, có thể bắt gặp hầu hết là mô hình nhà xây bên cạnh nhà dài của các hộ gia đình. Có hộ bỏ hẳn nhà dài, xây nhà mới hoàn toàn theo kiến trúc hiện đại không kém biệt thự của người Kinh ở thành thị như tòa nhà lớn năm, sáu tầng đồ sộ rộng hàng trăm m2 của gia đình anh Y Dthai ở buôn Sah A, xã Ea Tul. Còn nhà dài cách tân bằng chất liệu bê-tông và gỗ rất phổ biến. Ngôi nhà bề thế khoảng 100 m2 của gia đình ông Y Dhơn ở buôn Ðinh được xây từ năm 1991 theo kiến trúc nhà dài bằng chất liệu xi-măng, sắt thép, kể cả hành lang phía ngoài và cầu thang trước cửa; mái lợp ngói. Khu bếp, vệ sinh kề bên được xây mái bằng với các thiết bị hiện đại. Phía đối diện, to, mới và hoành tráng hơn là nhà anh E Dênh rộng gần 200 m2, theo dáng nhà dài truyền thống, đổ khung bê-tông sắt thép cả sàn, trần, mái lợp tôn tạo dáng nhưng bên trong hoàn toàn bằng gỗ theo đúng cấu trúc nhà dài vừa chắc chắn, vừa sang trọng. Nghe nói ngôi nhà được xây từ năm 1997 đã có giá cả tỷ đồng.

Liệu có còn  "Nhà dài như tiếng chiêng ngân..."? ảnh 1

Nhà dài cách tân ở buôn Đinh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đác Lắc.

Có thể thấy, quá trình đô thị hóa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự "xóa sổ" của hàng loạt nhà dài. Con cháu đông, phải tách hộ ở riêng trong khi diện tích đất ít, muốn nối thêm nhà dài cũng khó nên chỉ còn cách dựng nhà xây. Rừng bị thu hẹp khiến những vật liệu như gỗ, tre, nứa, tranh... để dựng nhà giờ trở nên hiếm hoi và đắt đỏ. Phải làm cái nhà như người Kinh, có phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh ngay trong nhà cho tiện, đó là quan niệm của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, để thuận lợi cho sản xuất, đồng bào phải chuyển sang nhà xây nhằm bảo quản máy móc, nông cụ. Ðây cũng là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển, hội nhập và giao thoa văn hóa. Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Cư M’gar Phan Xuân Dũng cho biết, những năm qua ở buôn Ðinh và một số buôn kinh tế phát triển của huyện, tình trạng phá bỏ nhà dài cũ hỏng, xây nhà mới theo kiến trúc miền xuôi rất phổ biến. Bởi người dân có nhu cầu cải tạo, nâng cấp điều kiện sống bằng ngôi nhà mới với những kết cấu phù hợp, tiện lợi, chất liệu xây dựng lại rẻ hơn. "Bây giờ, chỉ có nhà giàu mới làm được nhà dài truyền thống nguyên bản bằng gỗ thôi", ông Dũng nhận xét. Ðiều đó quả đúng, khi chúng tôi ghé thăm ngôi nhà dài 100% bằng gỗ đang xây dựng của gia đình ông Y Khắt Niê ở buôn Sha A. Ở tuổi ngoài 60, Y Khắt Niê là một người đàn ông khỏe mạnh, tráng kiện, làm ăn giỏi có tiếng. Gia đình ông có hai ha cà-phê, mấy sào hoa màu, thu nhập mỗi năm khoảng 300 - 400 triệu đồng. Hiện cả gia đình đang ở trong ngôi nhà hai tầng to, rộng được xây dựng từ năm 1994 trị giá 800 triệu đồng. Còn ở khoảng đất kề bên, ông đang dựng ngôi nhà dài bề thế với diện tích mặt sàn khoảng 150 m2, hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên. Ngôi nhà đang vào giai đoạn hoàn thiện, ông cho biết đã chi phí hết 1,4 tỷ đồng, dự kiến xong hoàn toàn sẽ hết khoảng 1,8 tỷ đồng. Ðó quả là một con số đáng kể cho thấy sự "chịu chơi" của các triệu phú làng buôn.

Giữ gìn cho mai sau

Cư Kuin là huyện mới của tỉnh Ðác Lắc, vừa kỷ niệm 5 năm thành lập tháng 8-2012, cách TP Buôn Ma Thuột 20 km. Huyện có bốn nông trường cà-phê, một nông trường cao-su nằm trên địa bàn, dân đa số là người miền trung vào lập nghiệp. Vì thế phần lớn các buôn trong huyện là nhà xây 100% như các buôn Khít, Dung, Miết, Coỏ Mông... Chỉ hai buôn đồng bào dân tộc Ê Ðê còn nhà dài là E Tlá và Ha rning. Dọc con đường bê-tông phẳng phiu chạy dài xuyên qua hai buôn, chúng tôi có dịp ngắm nhìn những ngôi nhà dài giữa vườn cà-phê, hoa màu xanh tốt. Những ngôi nhà gỗ, mái ngói hoặc tôn hầu hết cũ kỹ, nhiều nhà đã hư hỏng, để không song vẫn mang đậm nét mộc mạc nguyên sơ hòa cùng sắc mầu của cây lá, đất vườn tạo nên bức tranh giản dị mà hấp dẫn. Ðược biết, số lượng nhà dài ở hai buôn còn lại khoảng 70%. Ðiều đó thật đáng quý trong xu thế xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của kiến trúc đô thị hiện đại tới các thôn bản truyền thống.

Nhiều năm nay gia đình anh Y Ngue Biya, trưởng thôn buôn Hra ning vẫn ở trong ngôi nhà dài cũ do bố mẹ để lại từ năm 1975. Hỏng đâu thì sửa đó. Bên cạnh, có một ngôi nhà xây bê-tông theo lối miền xuôi từ năm 1997, trị giá 300 triệu đồng. Trưởng thôn Y Ngue Biya cho biết phần lớn dân trong buôn là đồng bào dân tộc Ê Ðê làm nông nghiệp, trồng cà-phê, lúa, bắp, mì. Bà con chủ yếu sống trong những ngôi nhà dài của tổ tiên để lại từ mấy chục năm nay, nhiều nhà giá trị có người ở nơi khác đến hỏi mua trả giá cả trăm triệu đồng nhưng không bán. Nhà nào cũ hỏng, xuống cấp thì sửa chữa để ở hoặc để không. Trưởng thôn, già làng, đại diện các tổ chức chính quyền, đoàn thể và người có uy tín trong buôn vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ lại ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, bên cạnh việc thực hiện chủ trương, pháp luật của Ðảng và Nhà nước; tham gia các hoạt động đoàn thể, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa... Còn già làng Y Thak Brap tuy đang sống trong ngôi nhà xây hai tầng khang trang hiện đại, vẫn giữ nguyên ngôi nhà dài của tổ tiên kề bên. Ông bảo ngôi nhà này người ta đã trả 200 triệu đồng, nhưng không bao giờ bán mà để cất giữ những vật dụng của gia đình, tổ tiên, cho con cháu mai sau. Tuy đã cũ nhưng nhà chưa hề hư hỏng, còn nguyên vẻ đẹp của dáng nét, chất liệu gỗ lẫn những đồ vật truyền thống bên trong như chiếc ghế k’pan dài, ghế jhưng, hai chiếc trống da trâu lớn... Trong nắng trưa rực vàng, ngôi nhà nằm uy nghi như một niềm kiêu hãnh lặng thầm.

Theo các già làng, nhà dài mất, nhiều giá trị văn hóa tinh thần của các tộc người Tây Nguyên sẽ mất theo. Bởi đó không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc. Không gian ấy biểu trưng cho ý thức mẫu hệ của người dân tộc Ê Ðê. Người con trai lấy vợ phải ở rể. Khi người con gái lấy chồng, căn nhà được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại tiếp tục nối. Cứ thế nhà cứ dài ra mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ... Trong không gian ấy, đêm đêm cả đại gia đình quây quần sum họp bên bếp lửa. Ðàn bà con gái dệt vải, thêu thùa; đàn ông sửa lại cái cày, cái cuốc; người già thì kể sử thi, đọc truyện thơ cho con trẻ. Nhà dài còn là nơi trưng bày các vật dụng thiêng liêng như chiêng, chóe, trống h’gơ, ghế k’pan dài hàng trăm mét... Chỉ trong ngôi nhà dài, các lễ nghi, tập tục của người Ê Ðê mới được thể hiện trọn vẹn; tiếng cồng chiêng mới có thể ngân lên, bật ra hồn cốt của con người đại ngàn, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc đậm nét truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vậy mà thời gian qua, không gian ấy đang dần mất đi. Mái tranh thay bằng mái ngói, mái tôn, thân nhà dần bị bê-tông hóa. Ðời sống sinh hoạt cộng đồng trong nếp nhà dài vì thế cũng mai một. So với trước giải phóng, nhà dài của người dân tộc thiểu số ở Ðác Lắc hiện chỉ còn khoảng 30%, đó là thực trạng đáng buồn mà các nhà quản lý thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc cho hay. Vì thế, việc bảo tồn nhà dài Tây Nguyên đang đặt ra vấn đề cấp thiết cho chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và những người làm công tác văn hóa. Thời gian qua tỉnh Ðác Lắc đã có những cố gắng bảo tồn, cấp kinh phí tu bổ cho những buôn làng còn nhiều nhà dài như buôn Niêng (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Ðôn), buôn M’Liêng (xã Ðắc Liêng, huyện Lắc)... Ðồng thời, kết hợp công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch tại một số buôn làng. Nhà dài bây giờ không chỉ nằm khép mình trong các buôn của người Ê Ðê nữa, mà đã trở mình vươn lên thành những địa chỉ du lịch của các đoàn khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Tây Nguyên. Hầu như ngày nào ở buôn cổ Kô Thông, TP Buôn Ma Thuột cũng có khách tham quan, thích thú với những ngôi nhà dài nằm song song với nhau, bên cạnh là những bụi hoa, cỏ, tre, trúc... tạo nên một không khí bình yên. Còn buôn cổ M’Liêng, xã Ðắc Liêng, huyện Lắc của người M’Nông Rlăm mang dáng dấp một buôn cổ nguyên sơ như một Tây Nguyên thu nhỏ hàng trăm năm trước với gần 90 ngôi nhà dài (còn 75%), trong đó nhiều nhà diện tích lớn, được kết cấu hoàn toàn bằng nguyên liệu tre nứa, mái lợp tranh theo phong cách truyền thống. Ðiều đó tạo nên sức hấp dẫn trước tiên, mạnh mẽ đối với bất cứ ai vừa đặt chân đến buôn cổ nổi tiếng này.

Thời gian gần đây, một điều đáng mừng là sự thay đổi trong nhận thức của chính người dân. Sau một thời kỳ chạy theo xu hướng "đô thị hóa", không ít đồng bào đã quay trở lại với không gian nhà dài truyền thống của dân tộc mình. Nhiều buôn làng nay có thêm những nếp nhà dài mới được dựng lên rất đẹp. Buôn Ðinh, xã Cư Dlây Mnông, huyện Cư M’gar là một trong những nơi có số nhà dài được dựng lại nhiều nhất. Bên bếp lửa hồng một chiều rừng núi, già Ama Tuê bùi ngùi tâm sự: "Cả buôn có gần 200 hộ gia đình, ai cũng có nhà dài truyền thống. Hồi trước khổ quá phải bán nhà dài lấy tiền làm ăn, giờ có tiền rồi, trở về với nhà dài của đồng bào mình thôi. Những năm trước buôn làng có nhiều nhà xây bằng gạch, bê-tông cao tầng, có mái bằng, sân thượng như nhà trên phố của người Kinh. Nhưng cái nhà kín quá, cửa đóng hoài, ít ai thăm ai. Nó không như cái nhà dài của ông bà mình, ai đến chơi cũng được, ai cũng ngồi chung với nhau, gần gũi lắm". Còn anh Y Tuê, con trai già, mấy năm trước từng theo "phong trào" xây nhà bê-tông mới đây vừa hoàn thành ngôi nhà dài mới của gia đình, hân hoan niềm vui, bộc bạch: "Cái nhà xây trệt theo kiểu người Kinh ấy bây giờ mình dùng làm nhà kho chứa cà-phê rồi. Nó không giống cái nhà của người mình, ở cũng tiện nhưng không sướng cái bụng, không ưng con mắt".

Có một vấn đề cần đặt ra là chiều sâu của sự bảo tồn. Bảo tồn nhà dài không chỉ là ở sự giữ gìn, bảo quản, phục dựng hình dáng, kiến trúc, chất liệu, các vật dụng bên trong... mà quan trọng là bảo tồn hồn cốt cộng đồng thấm đẫm vào không gian ấy. Ðó là không gian văn hóa tinh thần gắn với các nghi thức, thói quen sinh hoạt lâu đời của người Tây Nguyên, những thứ chỉ có thể lưu giữ trong nhà dài. Ðiều này cần cả một quá trình. Và vai trò, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành văn hóa là điều hết sức cần thiết. Những năm qua, nhờ có dự án bảo tồn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, buôn M’Liêng đã phục dựng được sáu ngôi nhà dài và các ngành nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng có diện tích lớn, được cấp 30 bộ chiêng các loại và phục hồi đội văn nghệ, truyền dạy diễn tấu chiêng, nhạc cụ dân tộc. Nhà văn hóa cộng đồng là nơi thường xuyên tổ chức sinh hoạt cồng chiêng, múa hát, giao lưu văn hóa cùng các hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, giáo dục truyền thống và ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân. Du lịch phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, buôn cổ M’Liêng trở thành điểm sáng du lịch và văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.