Nghệ sĩ đóng thế Lữ Đắc Long: Cảm ơn cuộc đời cho tôi thêm lần sống

NDO -

Hành trình từ lúc cận kề cái chết cho đến khi hồi phục của một người bệnh Covid-19 cho chúng ta thấy, sự sống quý giá biết chừng nào. Khi đã được sống, chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng sẽ làm điều tốt đẹp hơn cho đồng bào của mình trong dịch bệnh, cho một xã hội nhân văn hơn. Đó là lời kể của người bệnh, nghệ sĩ đóng thế (cascadeur), diễn viên võ thuật Lữ Đắc Long…

Lữ Đắc Long trên giường bệnh.
Lữ Đắc Long trên giường bệnh.

Ngày 25/6, xóm tôi bị phong tỏa vì ca dương tính đầu tiên. Sau đó, con số này cứ nhảy điên đảo: ngày một, 17 ca dương tính, cả xóm rúng động; ngày hai, test lại, thêm 26 ca, trong đó có vợ và con trai nhỏ của tôi.

Thông tin như một quả bom bùng nổ trong xóm nhỏ nghèo vốn chỉ lo miếng cơm hằng ngày. Nhận tin, tôi thật sự sụp đổ, công sức “cố thủ” mấy tuần trong nhà xem như đổ xuống sông. Con trai nhỏ tôi hoang mang, vợ tôi lo lắng, nhưng phải lên đường cách ly điều trị ngay trong một buổi chiều với gần 100 con người. Giây phút rời xa vợ con, tôi không được bắt tay, không thể ôm hôn từ biệt như bao cuộc chia ly. Đêm đó, tôi đã thức trắng với bao ngổn ngang. Xóm nhỏ hơn 100 người giờ chỉ duy nhất còn hai cha con tôi. Đèn tắt từ lúc 19 giờ, tiếng hai con chó hú lên tìm chủ như báo một điềm không lành.

Qua 3 lần test thử đều âm tính, tôi tin vào “nội lực” của mình. Tôi là dân võ thuật, thể thao với hàng chục huy chương kia mà. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần, nhưng cổ họng tôi lại bắt đầu nóng, da vùng miệng khô, lở ra từng miếng, hơi nóng phà ra gần như liên tục. Ai khuyên làm gì, tôi đều làm theo từ xông gừng, sả, khò súc miệng nước muối, uống vitamin C cho đến tập thiền, dịch chân kinh, phơi nắng...

Rồi lại đến kỳ test thử. Hôm ấy là 11 giờ khuya, nghe báo thằng con trai lớn dương tính giữa đêm, tôi sụp đổ tinh thần. Xe y tế phường đậu ngay đầu hẻm, tiếng điện thoại của anh cảnh sát khu vực thông báo: “Anh ơi, cho Phúc ra ngoài đi chữa bệnh”. Nghe đến đó, tôi té xuống đất. Phúc, con trai lớn của tôi phải “lên đường” trong tâm trạng hoảng loạn. Lúc đó, tôi rất khó thở, đo lại huyết áp chỉ còn… 8. Điện thoại cho anh bạn, anh đã la làng: “Đó là chỉ số chết”, phải cấp cứu, nhập viện đi.

Do đi đến từ khu phong tỏa, nên khi vừa ra khỏi xe cấp cứu vào Bệnh viện Nguyễn Trãi, người ta “tắm” tôi 2-3 lần bằng dung dịch phun xịt khuẩn, ngộp gần như muốn tắt thở. Theo kết quả test nhanh dương tính của tôi, nếu tính từ ngày cách ly, sau 3 lần âm tính, thì phải mất đến 17 ngày sau tôi mới được phát hiện mình nhiễm bệnh. Tôi đã kiệt sức sau 17 ngày không ăn uống được vì lo lắng cho sức khỏe vợ, con.

Nằm viện hai đêm, tôi mới biết ở đây không phải bệnh viện điều trị Covid-19. Với bệnh nền từ huyết áp trồi sụt thất thường, tim loạn nhịp rất khó thở, rồi với tiền sử từng đột quỵ một lần nên tôi rất lo. Hai đêm ở Bệnh viện Nguyễn Trãi còn là hai đêm kinh hoàng với tôi vì những cơn ho quái quỷ xuất hiện liên tục. Miệng tôi cứng, lưỡi như đơ lại, cuống họng thì đau rát và người thì lạnh như băng giá. Ngủ nằm không được, tôi ngủ tư thế thiền nhưng vẫn không xong. Sợ hãi quá, tôi lần mò ra ngoài hành lang thì té quỵ vì sức yếu. Sự bấu víu lúc ấy có lẽ là nhờ bác sĩ trẻ tên Đỗ Ái Tử vào tận phòng thăm hỏi từng câu, động viên, an ủi. Tôi như một đứa bé yếu ớt, chỉ biết “dạ dạ, cảm ơn bác sĩ”.

Cảm ơn cuộc đời cho tôi thêm lần sống -0
Lữ Đắc Long (phải) cùng bạn mình là MC Quyền Linh thường xuyên tham gia các show từ thiện. 

Trong những ngày như thế, nếu người thân hay bạn bè nhắn tin, tôi đều trấn an là “rất ok”. Nhưng đến khi bạn thân là MC Quyền Linh điện thoại thì tôi nghẹn ngào: “Tôi còn vợ con, tôi còn nhiều dự án lắm. Ông xin cho tôi vào bệnh viện điều trị, nếu không tôi sẽ chết!”. Đúng là may mắn, tôi được chuyển đến nơi cần đến, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nằm trong phòng cấp cứu, tôi thấy lúc nào cũng có 7 đến 8 bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Người nặng thì hôn mê, gần như sống với các máy móc nên mỗi lần các chỉ số trên máy nhảy liên tục, kèm theo những tiếng kêu inh ỏi là các bác sĩ chạy rầm rập đến để… cấp cứu. Có người nằm không thở được, thiếu oxy nên gương mặt rất đen, tôi thấy các bác sĩ hội chuẩn nhanh lắm, người ta lấy cây gì đó cho vào vòm họng và bác sĩ phải lấy thế “nại hàm” mở ra tìm đường thở, sau đó còn dùng dao mở vùng da cổ để cứu người bệnh. Không gian chỉ toàn màu trắng, các bác sĩ cực kỳ ăn ý, từng thao tác, từng kỷ thuật mổ, cầm máu, khâu chỉ… họ làm nhuần nhuyễn một cách tuyệt vời.

Có lần nửa đêm, do lạnh người, tôi tháo dây thở vướng trên mặt, cố chồm lên tắt quạt. Tôi đâu biết việc bình thường này đã làm tôi hụt oxy, té ngã ngược ra thành giường và cơn ho dồn dập tới. Thiếu oxy, người tôi cứ co giật, mắt mờ, tay quơ lia lịa như tìm kiếm đường… thở. Một nữ bác sĩ nhẹ nhàng đến gắn ống thở, làm vài động tác sơ cứu cho tôi. Tỉnh lại, tôi nghe bác sĩ nói: “Anh mệt lắm, khó thở lắm phải không? Chung quanh còn nhiều người khó thở lắm, rồi bên ngoài còn nhiều người không được thở nữa kìa. Anh phải ráng lên”.

Trong những ngày dài bất tận đó, hình ảnh khiến tôi nhớ nhất là dàn máy móc với những tiếng kêu tít tít; các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau chăm sóc người đang khó thở, người nằm mê man, có người ú ớ nói sảng, có người làm ướt cả giường vì không tự “bài tiết” được. Các điều dưỡng liên tục gọi tên họ vì sợ người bệnh mê sảng, có người bệnh phải thay tã gần như từ A tới Z.

Đã có lúc tôi tưởng chừng bỏ cuộc vì suy sụp, chán nản. Có khi tôi muốn nằm xuống và đi luôn vì sự ám ảnh của những lần thở không ra hơi. Cơ bụng cứ co thắt giật liên hồi, người run bần bật mà vẫn không sao thở được. Tôi muốn mình được nhắm mắt và ra đi cho nhẹ đời. Tôi ngẫm, người dính Covid-19 nhẹ thì khoảng 85% tự hết, riêng đối tượng người lớn tuổi và bệnh nền như tôi, sẽ là đối tượng cho “nó”. Từ một người cường tráng dám nhào lộn từ độ cao 20 m, rồi tự đốt cháy người toàn thân, bay qua xe tải,… trong các bộ phim Việt Nam, vậy mà giờ đây, tôi như người vô dụng khi bị “nó” hành, chỉ ngồi hay đứng là có thể bị xỉu do thiếu oxy…

Mê man khoảng 5 đến 6 ngày, tôi bắt đầu tỉnh dần. Trong bệnh viện, tôi được ăn món cháo đậu xuyên suốt và liên tục. Chắc món ăn này có tác dụng gì đó chăng, nhưng sau này, nếu ai mời tôi ăn cháo đậu, tôi sẽ “giận” vì đã ngán đến “thủng não”. Rồi sau những ngày test đi test lại, tôi đủ tiêu chuẩn xuất viện. Điều tôi lo lắng nhất vẫn là… oxy, bởi phổi vẫn còn xơ cứng, muốn bình phục phải có thời gian điều trị, an dưỡng, tâm bổ… Trong suốt quá trình này nếu chủ quan, lười tập luyện dẫn đến khó thở, mà ở nhà không có máy oxy thì không lường được sự nguy hiểm.

Ngay lúc xe cứu thương đưa tôi về đến nhà, mới chỉ đi một đoạn, là tôi đã bị choáng vì khó thở, phải nghỉ mệt, phải hít thở khó khăn lắm mới bình thường được. Rồi cả ngày hôm sau, chỉ cần tôi tập các động tác cho khỏe phổi là bắt đầu phải nằm sấp, ngồi thiền, uống nước, xịt thuốc thông cổ họng… đủ các kiểu mới tìm lại được hơi thở. Hôm sau nữa, khi tôi được cô em gái chuyển cái bình oxy, ánh sáng cuối đường hầm mới lóe lên...

Tôi nghĩ tôi là người may mắn khi được y, bác sĩ cứu chữa. Rất nhiều người không được may mắn đó, tôi cảm thấy rất có lỗi với họ. Không hiểu vì sao khi nghe thông tin người quen này, người thân khác ra đi, tôi lại cảm thấy rất đau, rất có lỗi, sau khi mình được sống.

Tôi có nhiều bạn bè là nghệ sĩ như MC Quyền Linh, Lý Hùng, Trịnh Kim Chi, Hữu Châu, Công Ninh, Xuân Phước, Kim Xuân, MC Xuân Hiếu… đã cầu nguyện và ủng hộ cho tôi lúc đại nạn. Ân tình này tôi thấy mình phải có bổn phận sống tốt hơn, làm nhiều việc có ý nghĩa hơn. Nên khi tỉnh lại trên giường bệnh, tôi đã nhắn tin chuyển khoản hơn 100 triệu đồng từ số tiền những người hảo tâm ủng hộ mình đến ngay các hoàn cảnh khốn khó khác. Ra viện, tôi xuống tóc để cảm ơn cuộc đời cho tôi thêm một lần sống!

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam