Tình người nơi “tâm dịch”

Nhờ sự vào cuộc, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đặc biệt sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tháo gỡ “rào cản”, việc tiêu thụ nông sản ùn ứ tại tỉnh Hải Dương đã cơ bản được giải quyết.

Tìm giải pháp tiêu thụ cà-rốt cho nông dân trên cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Tìm giải pháp tiêu thụ cà-rốt cho nông dân trên cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.

Khó khăn chồng chất

Là tâm dịch lớn nhất của cả nước từ trước tới nay, khi dịch Covid-19 tràn về và bùng phát dữ dội ở Chí Linh, tiếp đến là Cẩm Giàng - hai địa phương bị phong tỏa những ngày cận Tết Nguyên đán, rồi cả tỉnh Hải Dương bị phong toả ngày 16-2, khiến đời sống của nông dân Hải Dương vô cùng khó khăn. Hàng nghìn tấn gia súc, gia cầm, hơn 100 nghìn tấn cà-rốt (khoảng 50 nghìn tấn) và các loại rau su hào, bắp cải, cà chua, hoa lơ bị dồn ứ, khó có thể vận chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, và càng khó khăn khi đưa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu. 

Ngày 2-3, anh Tăng Xuân Trường, chủ doanh nghiệp (DN) thương mại xuất khẩu Hưng Việt (TP Hải Dương) cho biết: Khi bắt đầu có dịch, DN đã hợp đồng thu mua của nông dân tổng số 3.000 tấn rau xanh, trong đó có tới 2.000 tấn cà-rốt. Thế nhưng, do hàng hóa không lưu thông được ra cảng Hải Phòng, DN đã bị đối tác hủy gần chục đơn hàng. Khoảng 500 tấn bắp cải, hoa lơ đã thu mua, DN đành phải chuyển vào bán ở thị trường phía nam với mức giá “bán rẻ như cho”. Chẳng hạn, 1kg bắp cải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đặt mua của dân giá 6.500 đồng/kg, đóng gói thành phẩm giá 9.000 đồng/kg, nay bán trong nước 1.000 đồng/kg còn khó. Ước tính thiệt hại của DN khoảng 4 tỷ đồng, anh Trường buồn bã chia sẻ.

Cẩm Giàng là địa phương nằm trong vùng bị phong tỏa, cán bộ ngành nông nghiệp huyện và bà con nông dân như ngồi trên đống lửa, bởi hàng chục nghìn tấn nông sản, chủ yếu là cà-rốt (khoảng 50 nghìn tấn) rất khó lưu thông khỏi địa bàn, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy do chậm trễ. Nếu xảy ra mưa to, cà-rốt bị hư hỏng, nông dân có thể thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như xã Yết Kiêu là vựa ươm gà giống lớn nhất khu vực miền bắc với 49 lò ấp trứng, mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 100 nghìn con giống. Covid-19 đã khiến hàng chục hộ nuôi gà tại Yết Kiêu điêu đứng bởi xe không thể chuyển gà ra khỏi tỉnh theo các đơn hàng đã ký. Chị Phạm Thị Cúc, anh Phạm Đình Dừa - hai hộ sản xuất gà giống rầu rĩ: Các lò nuôi gà ấp nở đều thua lỗ hàng chục triệu đồng. Do không thể xuất bán gà giống, để “cắt lỗ” có chủ lò đã phải “ngậm đắng, nuốt cay” bán hàng vạn con gà giống cho hộ chăn nuôi thuỷ sản làm thức ăn cho cá da trơn. 

Cùng cảnh khó khăn như các hộ nông dân, nhiều thương lái nhỏ cũng lao đao, “vỡ trận” vì dịch Covid-19. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Hương ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ cho biết: Trước dịch, chị bỏ ra 3 tỷ đồng đặt mua 170 nghìn củ su hào của bà con với giá từ 2.000 - 2.500 đồng/củ. Đến khi tỉnh bị phong tỏa vì Covid-19, muốn bán 600 - 700 đồng/củ còn khó. Cũng may là su hào sớm kịp tiêu thụ, bán được giá nên chưa đến nỗi bị “phá sản” mà chỉ lỗ khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh - Lê Văn Khoa, trăn trở: Xã có khoảng 300 hộ chăn nuôi gà đồi, hiện tại có khoảng 1,2 triệu con đang chờ xuất bán. Thông thường, để xuất chuồng hiệu quả, gà đạt khoảng 2,5 kg/con là phải bán. Vậy nhưng, hàng trăm nghìn con gà đồi đạt trọng lượng từ 3-4 kg/con mà đến nay vẫn chưa thể bán vì không nhiều người “dám” đến để thu mua. Nếu tính cả TP Chí Linh, có gần 3 triệu gà đồi còn tồn. Ước thiệt hại của bà con lên tới cả chục tỷ đồng. Càng chậm bán, người dân càng thua lỗ, trung bình mỗi hộ, riêng tiền mua thức ăn đã phải bỏ ra từ 2-10 triệu đồng.

Muôn cách “giải cứu”!

Trong những ngày khó khăn nhất, các cấp, các ngành ở Hải Dương tìm mọi giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đã vào cuộc đề xuất với Trung ương, trao đổi với các tỉnh bạn; chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị: Cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, phải tham mưu đề xuất và quyết liệt gỡ bỏ ách tắc, hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa nông sản; Ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và tiêu thụ nông sản. Trên mạng xã hội  zalo, facebook nhiều nhóm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thành lập riêng một nhóm zalo để kịp thời nắm bắt thông tin, khẩn trương chỉ đạo đúng việc, đúng người, khắc phục tình trạng giải thích, báo cáo vòng vo.

Ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương thì ngay các cơ quan trong tỉnh đã phát huy nội lực bằng việc triển khai các giải pháp tháo gỡ nội tại của địa phương, đơn cử  như Sở NN&PTNT Hải Dương đã lập trên trang mạng xã hội zalo, nhóm “Doanh nghiệp nông nghiệp Hải Dương” với sự tham gia của hơn 100 DN, cơ sở sản xuất, lái xe vận tải chở nông sản, các nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Những ngày đầu phong tỏa, nhóm zalo liên tục “nóng” bởi sự cầu cứu để được “thông chốt” của các DN và sự tham gia “gỡ chốt” của rất nhiều cán bộ các ngành nông nghiệp, công an, giao thông. Kết quả sơ bộ, đến đầu tháng ba, Sở NN&PTNT đã kết nối hỗ trợ thu mua  6.358 con lợn, 300 tấn lợn thịt; hơn hai triệu gia cầm, gần ba triệu quả trứng; 450 tấn thực phẩm khác; 25 nghìn tấn cà-rốt, rau xanh… 

Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương có sáng kiến thành lập nhóm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Hoạt động từ ngày 21-2 với kế hoạch thu mua, vận chuyển, nhận sự hỗ trợ, tổ chức cấp phát miễn phí và bán hàng giúp nông dân, nhóm đã tổ chức hơn 100 chuyến xe chở nông sản đến 40 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố. Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Dương Lê Văn Việt chia sẻ: Trong “nguy” có “cơ”, các DN đầu mối cung cấp nông sản ở Hải Dương cũng coi đây là cơ hội vàng để xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản tại thị trường các tỉnh, nhất là Thủ đô Hà Nội. Hy vọng sau này người dân các tỉnh mua nông sản Hải Dương không chỉ vì sự sẻ chia, mà vì sản phẩm sạch, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay dịch tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát. Trong những ngày đầu khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó, đặc biệt là Bộ Công thương, tiêu thụ nông sản đã cơ bản được giải quyết. “Sản lượng cần tiêu thụ như cà-rốt thời điểm bắt đầu bùng dịch Covid-19 đợt ba trên địa bàn Hải Dương là 50 nghìn tấn, giờ còn 27 nghìn tấn, rau củ các loại 65 nghìn tấn còn 15 nghìn tấn; gia cầm các loại năm triệu con, còn hai triệu con, trứng gia cầm 3,9 triệu quả còn một triệu quả…”, ông Vương Đức Sáng cho biết thêm.

Với vai trò là DN tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương từ đầu tiên (ngay khi bắt đầu đợt dịch Covid-19 lần ba), ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng khu vực Hà Nội GO! và Big C cho rằng, vấn đề cần tháo gỡ cho các DN vận tải hiện nay rất quan trọng để giúp họ có thể nhanh hơn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa. Đồng thời, việc quy định “Khi cần thiết chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân tiêu thụ…” là hết sức cần thiết.

9_1-1615014273489.jpg
Nhiều mặt hàng nông sản của Hải Dương được giải cứu bày bán trong tất cả hệ thống của siêu thị Co.op Food. Ảnh: MINH THI

Một số điểm chính trong Công văn số 1083/BCT-TTTN do Bộ Công thương gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch Covid-19:

Một là, các sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải như Công văn số 898/BYT-MT ngày 7-2-2021 của Bộ trưởng Y tế đã hướng dẫn. 

Hai là, khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn...

Ba là, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo các khu vực bị phong tỏa hoặc khu vực có ổ dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân biết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa…