Thầy trò vượt nạn "đại hồng thủy"

Trận lũ lịch sử và cơn bão Molave vừa qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn cả về người lẫn của; trong đó, hầu hết các cơ sở giáo dục từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, nhất là hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bị tàn phá nặng nề. Tuy thế, trong khắc nghiệt đã lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên của cả thầy và trò nơi rốn lũ, cho thấy nghĩa cử đồng bào.

Ðường đến trường hôm nay của học sinh Trường tiểu học-THCS A Ngo, tỉnh Quảng Trị.
Ðường đến trường hôm nay của học sinh Trường tiểu học-THCS A Ngo, tỉnh Quảng Trị.

Cùng nhau vượt khó

Sáng 2-11, đã hơn hai tuần sau trận lũ thứ tư xảy ra trong tháng 10-2020, không ít trường học ở tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thể tổ chức dạy và học trở lại. Ðường đến trường của học sinh và thầy, cô giáo Trường mầm non, Trường tiểu học Húc, huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn mất dấu vì núi sạt lở vùi lấp. Cô giáo Lương Thị Kim Cương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Húc thuộc xã Húc, đã có 24 năm công tác, nghẹn ngào kể, sau mưa, lũ đường giao thông qua xã hư hỏng phần lớn. Hôm 18-10, núi sạt lở vùi lấp làm chết tám người dân ở thôn Tà Rùng, trong đó có hai học sinh. Ðến sáng 2-11 chỉ có khu vực trường chính và hai điểm lẻ ở thôn Húc Thượng và Húc Ván là học sinh trở lại học bình thường. Bốn điểm lẻ còn lại vì đường đi quá khó khăn, nhiều đoạn bị cắt đứt nên các em vẫn phải nghỉ học.

Gian nan không kém, là Trường mầm non xã Húc có 350 học sinh, với tám điểm trường lẻ. Ðến nay trường cũng mới tổ chức dạy trở lại ở bốn điểm, bốn điểm còn lại ở các thôn Tà Cu, Cu Dong, Ho Le, Tà Rùng đường sá đi lại quá nguy hiểm, nhiều đoạn núi lở, ngập bùn đất nên chưa tổ chức dạy học. Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hoa Kiều kể, sáng 1-11, người dân thôn Tà Rùng đi bộ ra điểm tràn ở thôn Húc Ván nhận quà cứu trợ vì ô-tô không vào được, dọc đường núi tiếp tục sạt lở, bùn đất suýt lấp người dân. Khi trở về họ phải lội bộ mất ba giờ đồng hồ về nhà, quãng đường chỉ hai cây số. Học sinh mầm non của trường thiếu thốn đủ thứ, từ áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, nhất là áo ấm cho mùa đông sắp đến. Gian nan vất vả nhưng yêu học sinh, yêu nghề nên các cô giáo mầm non đang chuẩn bị gùi lương thực vào ở lại các điểm lẻ để sớm đón học sinh trở lại.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh Quảng Trị cho biết, các đợt mưa, lũ vừa qua đã làm rất nhiều trường học trên địa bàn bị ngập sâu. Các trường và thầy, cô giáo đã có phương án di chuyển đồ dùng, thiết bị... lên chỗ cao hơn để tránh lũ, không thể lường được, đỉnh lũ lần này đã vượt lũ lịch sử các năm trước, gây thiệt hại rất nặng nề. Toàn ngành có 200 trường học với 308 điểm trường bị ảnh hưởng. Cụ thể có hơn 2.100 phòng học ngập nước từ 1 m đến 3 m, trong đó có gần 900 phòng học, nhà ở, nhà bán trú bị thiệt hại nặng. Gần sáu nghìn bàn, ghế, tủ; hàng chục nghìn thiết bị, đồ dùng khác bị nước lũ ngâm làm hỏng. Thiệt hại về tài sản trường học ước tính gần 100 tỷ đồng.

Sớm khắc phục hậu quả, Sở GD&ÐT Quảng Trị đã thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình, động viên các trường làm tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ; huy động giáo viên các trường không bị ảnh hưởng lũ lụt đến giúp các trường bị ngập lụt nặng; học sinh THPT đến giúp các trường tiểu học, mầm non.

Ở Hà Tĩnh, khi các trường học trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại với hoạt động dạy học bình thường thì các thầy, cô giáo ở Trường mầm non Cẩm Vịnh vừa phải đón các cháu đến trường, vừa phải tiếp tục công việc dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Cô giáo Hà Thị Yến, quyền Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) cho biết, do nằm ở khu vực trũng thấp nên phải đến chiều 1-11 nước lũ mới rút hết. Dưới tác động của đợt lũ kép vừa qua, hầu hết trang thiết bị dạy học đã bị hư hại.

Do số lượng bàn ghế bị hư hỏng nhiều không thể khắc phục được trong thời gian ngắn nên trước mắt lãnh đạo Trường THCS Ðại Thành (Cẩm Xuyên) bố trí cho học sinh ngồi dồn, tăng số lượng em trên mỗi bàn học. Dự kiến trong một vài tuần tới, khi các nhà tài trợ lắp ráp xong số bàn, ghế mới, mọi hoạt động dạy học sẽ trở lại bình thường. Trưởng phòng GD&ÐT huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thị Xuân Hoàng cho biết, đến ngày 2-11 trên địa bàn vẫn còn hai trường chưa thể trở lại dạy học bình thường. Nước lũ tại Trường tiểu học Cẩm Vịnh mới rút nên các thầy, cô giáo tại đây đang phải dọn dẹp vệ sinh và tiêu độc khử trùng trường lớp. Còn tại Trường mầm non Cẩm Quan thì các phòng học tại đây đang bị ẩm mốc nên chưa thể đón trẻ.

Còn theo Trưởng phòng GD&ÐT huyện Thạch Hà Nguyễn Thanh Nga, trên địa bàn huyện vẫn còn ba trường chưa thể dạy học trở lại. "Rất nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại các trường học, nhất là khối trường mầm non bị hư hại nghiêm trọng. Các dụng cụ bán trú, các mô hình, hệ thống thiết bị hỗ trợ dạy học ở khối trường này gần như không thể sử dụng trở lại, việc dạy học tại các trường vùng lũ hiện gặp rất nhiều khó khăn", cô Nga lo lắng.

Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo Sở GD&ÐT Hà Tĩnh, cả mấy đợt lũ đã làm ngập lụt 105 điểm trường. Ðến thời điểm hiện tại vẫn chưa thống kê được thiệt hại. Nhằm bảo đảm kế hoạch, khung chương trình dạy học, Sở đã chỉ đạo các phòng, nhà trường chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp thực tế trên cơ sở bảo đảm chất lượng và không gây áp lực về thời gian đối với giáo viên và học sinh.

Thầy trò vượt nạn

Học sinh xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phơi sách vở sau lũ.

Chỉ cần các em có mặt là đủ!

Ngư Hóa là xã vùng cao ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống. Trận lũ ống đêm 18, rạng sáng 19-10 đã cuốn phăng những gì trên đường đi của nó, nhiều ngôi nhà được xây dựng vững chãi vẫn bị lũ cuốn chỉ để lại đống đổ nát. Trần Tiến Anh ở xã Ngư Hóa, năm nay học lớp 6. Dù gia đình còn nhiều khó khăn, em vẫn được bố mẹ mua sắm đủ áo quần, sách vở. Thế nhưng, sau trận lũ kinh hoàng ấy, trở về nhà cùng bố mẹ, em đã không khỏi bùi ngùi khi tài sản, của cải của gia đình đều bị cuốn trôi. Tiến Anh bần thần tìm kiếm những gì còn sót lại trong bùn đất, đôi mắt rưng rưng: "Giờ cháu không biết lấy gì để đi học trở lại!".

Ở vùng "rốn lũ" nhưng chưa bao giờ cô giáo Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy lại chứng kiến trận lũ kinh hoàng như thế. Khi lũ bắt đầu rút, cô Thư và đồng nghiệp mượn được chiếc thuyền đến thăm trường thì hiện trước mắt là nhiều đoạn tường rào đổ sập, hệ thống cửa phòng hiệu bộ và phòng học bị sóng đánh tan tành, nhiều mảng tường bong tróc, hư hỏng. Nước dâng quá cao, dù đã cẩn thận cất giữ nhưng nhiều tài sản của nhà trường bị ướt, sổ sách trôi trắng phòng. Trước khung cảnh tan hoang ấy, các cô giáo bật khóc.

Ngay sau khi nước rút, thầy cô và các em học sinh nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, lau bàn ghế, phòng học để sớm đi học lại. Lực lượng bộ đội, công an và thanh niên xung kích đã lập từng nhóm, đến các trường học để cùng giáo viên dọn vệ sinh trường lớp. Nhiều thầy, cô giáo vừa phải dọn dẹp nhà cửa, vừa phải bám trường để khắc phục hậu quả, đón học sinh trở lại lớp.

Từ trong khó khăn, hoạn nạn, thầy trò vùng lũ Quảng Bình vẫn ánh lên tinh thần lạc quan và ấm áp yêu thương. Mới đây, không chỉ học sinh Trường THPT huyện Quảng Ninh xúc động khi đọc được thư tâm sự của thầy Hiệu trưởng Hà Văn Quý. Bức thư của thầy đã nhanh chóng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng mạng, được kết thúc bằng những lời truyền cảm hứng và niềm tin về một ngày mai tươi sáng: "Ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập và thầy tin tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!". Theo Sở GD&ÐT Quảng Bình, đợt mưa lũ qua đã làm ba học sinh tiểu học tử vong. Toàn tỉnh có 334 trường với 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách vở, thiết bị dạy học bị hư hỏng, trôi theo lũ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

Những con số thiệt hại đau lòng này của các tỉnh miền trung, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng đã được đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 mới đây. Trước đó, Bộ GD&ÐT đã có công văn gửi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như UNICEF, Save the Children, Plan International,… và các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng.

Quang Huy - Ngô Tuấn - Hương Giang