Phía sau những nụ hoa hàm tiếu...

Từ tháng 10 âm lịch, đặc biệt là đến những tuần cuối của năm, các làng hoa lại hối hả chuẩn bị cho vụ hoa và cây cảnh phục vụ Tết. Năm 2020, thời tiết có nhiều biến động, cộng với dịch bệnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến những vựa hoa của Thủ đô Hà Nội. Không chịu bó tay, những con người góp phần tạo nên hương sắc mùa xuân vẫn nỗ lực để Tết về trọn vẹn hơn.

Đã có nhiều người Tây Tựu đầu tư thuê đất trồng hoa ly ở các địa phương khác. Ảnh: HỮU NGHỊ
Đã có nhiều người Tây Tựu đầu tư thuê đất trồng hoa ly ở các địa phương khác. Ảnh: HỮU NGHỊ

Nông dân làm ăn lớn

Về làng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh) những ngày này sẽ thấy không khí sôi động, thơm ngát của cả rừng hoa khoe sắc. Hoa được cắt, bó, thương lái đem đi các chợ. Hoa hồng cổ giống của Pháp, Anh, hồng thế, ly, cúc… được khách hàng từ nhiều vùng miền đổ về đặt hàng, mang đi. Ở những ruộng chuyên trồng hoa cắt cành, trong giá rét, bà con nông dân cần mẫn tưới nước, tỉa nụ cho những vườn cúc, hồng, đồng tiền, hoa ly với mong muốn để hoa kịp nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Dẫn tôi đi thăm vườn hoa rộng hơn 4.000 m2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Tình vui mừng cho hay, tính riêng năm qua, dù thời tiết khắc nghiệt, làng hoa Mê Linh vẫn đóng góp rất lớn vào thị trường hoa của Thủ đô, đặc biệt là chuẩn bị hàng cho dịp xuân 2021 đang đến gần. Chỉ tay ra những luống hồng, ông Tình chia sẻ: “Kinh nghiệm và kỹ thuật trồng hoa của người dân nâng lên từng ngày. Dù sâu bệnh và thời tiết thay đổi thất thường, chúng tôi vẫn có cách làm tăng nhiệt độ bằng cách thắp điện ban đêm cho hoa, hoặc che chắn để hoa khỏi bị cóng, không héo hoặc giảm mẫu mã”.

Gia đình ông Tình ngoài trồng hoa hồng, ly chất lượng cao, còn là hộ đầu tiên ở Mê Linh “rẽ ngang” mở phòng cấy mô, ươm giống với đầy đủ thiết bị như tủ cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị… Từ đó ông có thể sản xuất 18 giống hoa, cung cấp cho bà con. “Sản xuất ra phôi giống bằng phương pháp này phải mất hai năm, nhưng lại có rất nhiều ưu điểm vượt trội so các phương pháp nhân giống thông thường, hoa đẹp hơn, chịu được sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Cuối năm 2020, tôi cung cấp ra thị trường hàng chục vạn giống để sản xuất đón vụ hoa 2021”, ông Tình cho biết.

Đi theo cách tạo không gian nhà vườn như nhiều hộ ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh áp dụng, ông Phạm Đức Tài (chủ vườn hoa Tài Lý) cũng gặt hái được thành công. Theo nghề của làng, từ năm 1999, gia đình ông Phạm Đức Tài cũng dồn điền đổi thửa, sản xuất hoa theo vụ theo kiểu “mùa nào thức nấy”, trong đó có một phần diện tích chuyên canh hoa hồng. Từ năm 2010, ông Tài đầu tư dồn diện tích để thành lập nhà vườn, với diện tích hơn 6.000 m2 để trồng hồng ngoại. Ông đã nhập các giống hồng từ nhiều nước, sau đó nhân giống, ghép cành, chất lượng hoa rất đạt, cho nên được nhiều nhà vườn khác đến mua giống. Trung bình năm tháng ông thu hoạch một lứa. Hai năm trước, hộ ông Tài vinh dự được UBND huyện Mê Linh tặng Giấy khen là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.

“Lợi nhuận từ làm hoa ngoại giống so làm hoa cắt cành tăng 60%. Khi mà ai cũng làm hoa cắt cành, thì những người có cơ hội đi ra ngoài, tìm hiểu phải làm khác đi để thay đổi, từ đó tăng lợi nhuận. Hiện làng hoa Mê Linh có hơn 80 nhà vườn thành công, trở nên phát đạt từ mô hình nhà vườn”, ông Tài không giấu được niềm vui.

Người dân Mê Linh luôn chịu khó, dám làm và không chịu bằng lòng với thành quả hiện tại. Nhiều người ngoài việc đầu tư tại quê hương, đã thuê đất mở rộng sản xuất tại các xã lân cận, đã có gần 30 hộ gia đình mang thương hiệu hoa Mê Linh lên Sa Pa (Lào Cai) và Sơn La. Một trong những tấm gương là anh Nguyễn Văn Tám. Tình cờ gặp ở chợ hoa, anh Tám giãi bày: “Khi đã nhiều người đầu tư ở quê rồi thì buộc có người phải làm khác đi. Việc mở rộng diện tích trồng hoa ở các địa phương khác, trong đó có Sa Pa là một trong những nỗ lực, quyết tâm của chúng tôi và là tư duy không chịu ngồi yên. Hiện gia đình tôi trồng hai mẫu hoa hồng và hoa ly tại Sa Pa, có lẽ đây là lựa chọn đúng đắn”. Cũng theo anh Tám, Lào Cai và Sơn La có khí hậu phù hợp hoa ly, hoa hồng. Đặc biệt ở Sa Pa khí hậu rất đặc biệt. Do đó nếu có kỹ thuật tốt thì dễ dàng phát triển kinh tế, tăng thu nhập”.

Những cánh tay không ngừng vươn tới

Vùng ngoại ô Hà Nội còn nhiều làng hoa nổi tiếng như đào, cúc Nhật Tân, Quảng Bá (quận Tây Hồ), hồng, ly Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), đào thế La Cả (quận Hà Đông)… Thời gian này, người nông dân cũng tất bật với việc chăm và ướm để hoa nở đúng dịp. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, đất trồng hoa ở làng Tây Tựu bị thu hẹp, cho nên người Tây Tựu đã phải đi thuê đất ở các xã chung quanh để mở rộng diện tích. Anh Nguyễn Đắc Nguyên, một trong hàng chục người dân Tây Tựu sang đầu tư ở xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) cho biết: “Người dân chúng tôi đã đi thuê tổng cộng hàng chục héc-ta để làm nhà lưới, mở rộng diện tích sản xuất, tăng thu nhập. Riêng nhà tôi thuê hơn 3.000 m2, đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới cả tỷ đồng. Nhưng thật may là việc đầu tư như thế không lỗ. Chúng tôi đã biến xã Hạ Mỗ thành “làng Tây Tựu thứ hai”.

Vui mừng trước cách thức làm ăn hiệu quả của người dân, ông Đặng Trần Phi, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu nói: “Hiện Tây Tựu có hơn 723 héc-ta đất trồng hoa, rau (trong đó 435 héc-ta trồng hoa thuê ngoài, 284,9 héc-ta trồng hoa thuộc đất địa phương, còn lại hơn 3,5 héc-ta trồng rau). Hiện trên địa bàn phường có ba hợp tác xã thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ nhân dân sản xuất hoa cho xã viên”. Những loại hoa quen thuộc được người dân Tây Tựu trồng vào dịp cuối năm chủ yếu là hoa ly, cúc, hồng. Do thời tiết thay đổi thất thường, để bảo đảm chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, hầu hết ruộng hoa tại làng Tây Tựu đều được trồng trong nhà lưới.

Bà Vũ Thị Loan, một chủ hộ trồng hoa có năm sào hoa hồng, tám sào hoa ly phục vụ xuân Tân Sửu 2021 cho rằng, việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân là quanh năm, nhưng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba vào dịp Tết và mùa lễ hội xuân. Do đó “để được ăn” phải tỉ mẩn nhân giống, trồng, chăm sóc và chụp giấy lên hoa và thấp thỏm trước “diễn biến của ông giời”. Ở Tây Tựu có một số hộ chuyên làm chụp bằng giấy (những mảnh giấy nhỏ chụp vào nụ hoa để hãm nở) cung cấp cho người dân. “Năm nào khắc nghiệt, hoa kém phát triển mà hộ nào giữ được vườn thì hoa đắt. Nếu giữ được các loại hoa đều nở được vào trước Tết ba, bốn ngày thì tốt nhất. Nở sớm quá cũng không cho lãi cao. Gia đình nào thu lãi, người dân chúng tôi gọi vui là Tết có thịt”, chị Loan tếu táo.

Thực tế ở những chân ruộng, không phải cứ thời tiết nắng ấm là hoa cho lãi. Bởi khi hoa phát triển quá đà, người dân lại cầu rét để “hãm phanh”, không thì nở hết rồi mà Tết còn chưa tới. Hoặc gặp kỳ rét đậm, Tết đến nơi rồi mà hoa vẫn cum cúp chưa chịu hé nụ thì phải tìm cách kích thích, sưởi ấm ban đêm. Nên có năm, đi qua các cánh đồng thấy người dân thắp điện sáng đẹp như sân khấu. Anh Nguyễn Văn Trường, một người trồng hoa tại thôn Chung (Tây Tựu), còn nhớ cuối năm 2019, ông trời không chiều lòng người, khiến ba mẫu hoa ly của gia đình anh sinh trưởng chậm, thất thu. Vợ anh Trường thốt lên: “làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”, nay trồng hoa cũng vất vả chẳng kém chăn tằm!

Việc chăm hoa, trồng hoa, với gia đình sản xuất quanh năm còn đỡ. Nhiều hộ chỉ sản xuất một vụ và trông chờ vào vụ Tết sẽ luôn thấp thỏm. Nhiều người dân chia sẻ rằng, chăm hoa vất vả, nhưng cũng từ đó mà rèn thêm tinh thần vượt khó, thậm chí dấn thân vì hoa. Chợt nhớ lời của ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh: Toàn xã có 242 héc-ta trồng hoa, khi đô thị hóa tăng, người dân chỉ an lòng sản xuất với diện tích như vậy thì làng không phát triển được. Nhưng những cánh tay cần mẫn, khỏe mạnh đã vươn xa và sẽ tiếp tục vươn xa. Đó dường như không chỉ là quyết tâm của việc mở rộng diện tích, mà còn là ước mơ dâng thêm cho đời những đóa hoa tươi thắm. 

Từ các làng, hoa đi muôn nơi, thắm từng khu chợ, về đến từng nhà và làm đẹp mùa xuân. Phía sau cánh hoa hàm tiếu là biết bao công sức, chắt chiu, lựa chọn, nâng niu, chăm sóc để làm nên mùa hoa, mùa của hy vọng!