Khi người trẻ hành động

Dọn rác làm sạch môi trường đang là phong trào được nhen nhóm, ra quân triển khai tại nhiều địa phương. Nhưng để xây dựng ý thức bảo vệ, coi hành động không xả rác, nhặt rác làm sạch môi trường sống trở thành thói quen đối với mỗi người, vẫn là câu chuyện dài.

Nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành phố và du khách tham gia nhặt rác làm sạch khu du lịch hồ Ba Bể.
Nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành phố và du khách tham gia nhặt rác làm sạch khu du lịch hồ Ba Bể.

Người trẻ nhặt rác

Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đầu tháng sáu, giữa mùa lúa chín. Chiếc thuyền máy lướt trên mặt hồ lấp lánh, về phía thác Đầu Đẳng, núi hai bên ẩn hiện, sương mù phảng phất. An Phúc, một thành viên trong đoàn tham gia chương trình nhặt rác bảo vệ khu du lịch Ba Bể bộc bạch, biết Ba Bể trong bài tập đọc hồi nhỏ. Ấn tượng của anh, Ba Bể luôn có hình ảnh những chiếc thuyền độc mộc lướt đi trong sương sớm, và bóng áo chàm xanh lững lờ trên mặt hồ xanh ngắt…

Lặng ngắm vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên Ba Bể, An Phúc không khỏi buồn lòng khi soi xuống mặt nước xanh leo lẻo vẫn thấy được váng dầu loang rộng, lác đác rác thải nhựa bập bềnh. Vào đến khu vực giữa đảo An Mã, Bà Góa, hay Ao Tiên và bến thuyền, rác thải nhựa càng nhiều hơn. Dường như hiểu được sự tiếc nuối của chúng tôi, người lái thuyền máy họ Lý (xin không nêu tên) lý giải: “Sau mỗi trận mưa, hồ lại phải oằn mình chống chọi với rác do sự vô ý thức của một bộ phận người dân ven lòng hồ, dân sống trên thượng nguồn các con sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng và một số du khách tham quan. Họ ném chai, lọ xuống hồ, nhét vào hốc cây, hộc đá”.

Thuyền rẽ hướng về bản Pắc Ngòi, thật sự không tin nổi, khi trước mắt chúng tôi những mảng rác rộng chừng hàng chục mét vuông nổi lềnh bềnh trên hồ. Tất cả các thuyền trong năm nhóm nhặt rác hôm ấy đều được gọi đến tiếp ứng. Phải tới khi trời nhập nhoạng tối, cả đoàn gần năm mươi thành viên mới vớt hết số rác thải góc hồ này. Nhìn lượng rác được tập kết về bến thuyền chất đầy chiếc xe tải mang đi xử lý, anh Nguyễn Tuấn Linh (ảnh nhỏ), Giám đốc Công ty Du lịch Phiêu lưu cùng Mr.Linh (Mr.Linh’s Adventures), người đứng ra tổ chức chương trình nhặt rác này không khỏi xót xa.

Trước khi trở thành ông chủ homestay nằm bên hồ, mười năm trước, anh Tuấn Linh làm nghề lái thuyền máy đưa khách tham quan Ba Bể. Cuối năm 2010, thấy rác thải người dân vứt ra quá nhiều, trôi nổi trên mặt hồ, tạo ra hình ảnh cực kỳ phản cảm, Tuấn Linh đã thành lập đội tình nguyện cùng bà con dân bản thu dọn rác. Hằng ngày, anh dùng thuyền máy chở người dân đi gom rác trên hồ, đưa về điểm tập kết. Có du khách lưu trú lâu ngày hỏi lý do anh làm công việc tự nguyện này, anh chỉ trả lời đơn giản: “Tôi yêu thiên nhiên, yêu khung cảnh hoang sơ và nhất là không khí trong lành nơi này, thấy rác thải quá nhiều nên dọn thôi”.

Mùa hè năm nay là lần thứ hai anh đứng ra tổ chức chương trình dọn rác với quy mô gần năm mươi thành viên đến từ các tỉnh, thành phố. “Mỗi năm một lần, mong muốn của chúng tôi không chỉ làm sạch khu du lịch Ba Bể, mà mỗi năm dọn rác tại một địa phương, một điểm đến du lịch khác nhau. Sang năm có thể phát động tại điểm tham quan du lịch lớn ở Cao Bằng, Hà Giang… Bởi tôi nghĩ rằng, trên những vùng miền núi, việc tái chế hoặc thu gom rác thải luôn khó khăn, do không có khu xử lý rác, hoặc bà con chưa được hướng dẫn tốt. Người dân và du khách khi nhìn thấy hoạt động dọn rác sẽ tăng dần ý thức trách nhiệm, giảm việc vứt xả rác bừa bãi”, anh Tuấn Linh nói.

“Hậu phong trào” sẽ là gì?

Không chỉ ở hồ Ba Bể, chúng tôi gặp nhiều người trẻ tham gia chương trình làm sạch môi trường tại nhiều địa phương. Cuối tháng 5 vừa qua, những người yêu môi trường thuộc nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam ở mọi miền đã đồng loạt đi nhặt rác. Tại nhiều góc phố TP Hồ Chí Minh, nhiều bạn trẻ mặc áo đỏ, đội mũ lưỡi trai, mang từng bao tải tỉ mẩn nhặt rác giữa tiết trời oi nồng. Nhiều người dân chứng kiến hành động đẹp đó rất cảm kích. Chị Hồng Hoa, ngụ tại đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, rất vui nói: “Chỉ trong một buổi sáng, nhiều “điểm đen” rác thải dưới chân cầu được các bạn trẻ dọn dẹp sạch sẽ. Bà con khu phố chúng tôi nói với nhau, chỉ cần mỗi người một hành động nhỏ thôi cũng đủ giúp môi trường ngày càng sạch đẹp hơn”.

Cùng buổi sáng hôm ấy, ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế…, các tình nguyện viên đã thu gom 1.050 bao rác do người dân vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định. Rác sau đó được phân loại và vận chuyển tới bãi tập kết. Khi hỏi về lý do tham gia nhiều chương trình nhặt rác, chị Quỳnh Thắm, một tình nguyện viên bày tỏ: “Tôi cảm thấy đây là cách để bảo vệ sự sống cho chính mình. Muốn vậy phải bỏ thời gian để tham gia, chứ không nói suông được, bởi lẽ tất cả những lời nói sẽ đều vô nghĩa nếu như không hành động. Chúng tôi cũng muốn qua công việc của mình có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân ở từng địa phương”.

Điều mà những người tham gia nhặt rác như chị Quỳnh Thắm lấy làm tự hào là mới chỉ được thành lập từ năm 2019, đến nay, nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam có hơn 3.000 thành viên. Phần đông nhóm là các bạn trẻ yêu môi trường trên khắp cả nước, họ hoạt động theo phương châm “Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”. Khi đã tham gia nhóm, cứ vào mỗi buổi cuối tuần, họ lại xuống đường nhặt rác tại nơi công cộng, bãi rác tự phát, bãi biển, khu du lịch... Chị Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam, trải lòng: “Phong trào lan tỏa thông điệp sống xanh, giúp thay đổi nhận thức, phát huy trách nhiệm với môi trường nơi mình đang sinh sống. Nước ta hiện đứng thứ ba về lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới, nếu chúng ta không chung tay hành động thì ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.

Tham gia nhiều chương trình làm sạch môi trường cùng các bạn trẻ, anh Vũ Minh Lý (Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh rằng, các phong trào, trào lưu dọn rác như “Ngày chủ nhật xanh”, “Hạn chế rác thải nhựa”, “Làm sạch môi trường sống”… đều hướng đến mục tiêu chính là làm sạch và bảo vệ môi trường sống. Song anh mong muốn công việc này cần phải được thực hiện một cách bền bỉ, trong một chiến lược bài bản, đồng bộ và khoa học để đạt hiệu quả lâu dài. Tránh rơi vào tình trạng trào lưu, phong trào một thời gian ồ ạt rồi lại vụt tắt. “Một trong những giải pháp hiệu quả đó là tăng cường nâng cao nhận thức cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, qua đó góp phần hình thành ở các em ý thức và đạo đức về bảo vệ môi trường, có thái độ và hành động đúng đắn để chống rác thải”, anh Minh Lý cho biết.

Và khó có thể kể hết những hành động vì môi trường, đang là nét sống đẹp đáng trân trọng. Thời điểm này, câu chuyện em Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Long An (Long Thành, Đồng Nai) đi học về ngang qua chiếc cống nhìn thấy rác làm tắc dòng chảy em đã vòng xe đạp quay lại dọn rác, đang gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng. Việc làm của em được camera an ninh của người dân ghi lại, sau đó đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được “cơn mưa” like của cư dân mạng. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc công việc dọn rác cần được in dấu vào suy nghĩ và đi vào ý thức của mỗi người qua giáo dục truyền thông, chương trình ngoại khóa, để từ đó hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, và nhặt rác là việc hiển nhiên mỗi ngày.

Khi người trẻ hành động ảnh 1

Chuyên gia môi trường Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, việc huy động cộng đồng dọn rác trong một hoặc hai ngày không khó, nhưng cái khó là làm sao vận động người dân nâng cao ý thức không xả rác ra môi trường. Nếu cộng đồng được nâng cao nhận thức, kiến thức về phân loại rác tại nguồn thì câu chuyện rác thải trong tương lai sẽ có thay đổi lớn. Muốn vậy, cùng với thay đổi nhận thức của người dân, lãnh đạo địa phương cũng phải đổi mới tư duy, coi rác thải là “thảm họa”, đe dọa tương lai của môi trường sống và phải đi đầu hành động làm sạch môi trường tại địa phương mình.