Cô Tô - vùng đất “phên giậu” thiêng liêng

Trong khuôn viên Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô, hàng tùng đang đâm chồi nảy lộc xanh biếc, hoa đua nở rực rỡ, tỏa ngát hương. Lá cờ Tổ quốc đỏ tươi tung bay trên nền trời xanh thẳm. Ngoài khơi xa, văng vẳng tiếng còi tàu vươn khơi, nhịp sống mới bắt đầu.

Ðền thờ Bác Hồ trên đảo Cô Tô.
Ðền thờ Bác Hồ trên đảo Cô Tô.

Tượng Bác trên đảo xanh

Những ngày này, cả nước đang hướng về sự kiện trọng đại - “Ngày hội toàn dân” chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong không khí đó, người dân Cô Tô cũng hướng đến sự kiện lịch sử trọng đại kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm quân và nhân dân Cô Tô (9-5-1961 - 9-5-2021). Cô Tô thật sự trở thành phên giậu của vùng đông bắc Tổ quốc, chính là nhờ sự kiên cường bám trụ, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chiến sĩ là một lá chắn thép giữa biển khơi.

Bà Nguyễn Thị Thau, 78 tuổi, người dân Khu 1, thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) - một trong những công dân ra đảo Cô Tô xây dựng kinh tế mới từ năm 1978, còn nhớ rất rõ hình ảnh của đảo nhiều năm về trước. Hơn 40 năm qua, gia đình bà đã gắn bó, bám trụ nơi đảo tiền tiêu. Các con, cháu của bà Thau đều trưởng thành, người là thầy giáo, cô giáo, người là bác sĩ, người tiên phong xây dựng kinh tế du lịch, dịch vụ góp phần cho sự phát triển của nơi này. Bà Thau tâm sự: “Ra đảo từ những ngày gian khổ nhất, nay các con đã trưởng thành, mấy đứa đã về đất liền công tác, nói thật lòng nhiều lúc trong đầu tôi cũng có suy nghĩ “lá rụng về cội”, hay là về quê an hưởng tuổi già. Nghĩ là nghĩ thế thôi, nhưng chúng tôi cũng không xa đảo. Chồng tôi là một cựu quân nhân, tuy đang ốm nằm liệt giường nhưng cũng nhất quyết không về đất liền”.

Chúng tôi gặp bà Trần Thị Trác dưới chân Tượng đài Bác Hồ. Bà vẫn còn nhớ và xúc động vì vinh dự được đi đón Bác Hồ trong ngày lịch sử trọng đại. Bà nói: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được ngày 9-5-1961. Lúc đó tôi đã 18 tuổi là một cô dân quân, được phân công nhiệm vụ cùng đồng đội làm công tác bảo vệ an ninh. Ba đêm liền tôi không hề chợp mắt, chỉ mong thời gian trôi thật nhanh đến giây phút được gặp Bác Hồ kính yêu”.

Người dân đảo nhớ lắm, nơi đây 60 năm trước, khoảng 8 giờ sáng 9-5, chiếc máy bay lên thẳng đã hạ cánh đưa Bác Hồ ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Cô Tô. Biết bao cánh tay giơ lên vẫy chào Bác, tiếng gọi thân thương của nhân dân vang lên giữa muôn trùng biển khơi: “Bác Hồ đến rồi, Bác Hồ đến rồi”. Bác bước xuống cầu thang trong tiếng hoan hô chào mừng, vang dội cả một vùng biển đảo. Bác bắt tay các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị vũ trang, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, ôm hôn động viên các chiến sĩ, chia kẹo cho các cháu nhỏ...

Trong buổi nói chuyện thân tình, nồng ấm Bác đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô rất nhiều. Từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến việc phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an… Trước khi kết thúc, Bác đặc biệt căn dặn quân và dân: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Rồi Người đi thăm cánh đồng muối, cùng bà con đạp những chiếc quạt gió… Người cũng nhắc nhở nhân dân phải tích cực tăng gia sản xuất hơn nữa để bảo đảm nguồn lương thực trên đảo.

Tháng 1-1962, Bác trở lại thăm đảo vùng đông bắc của Tổ quốc. Ðể tỏ lòng biết ơn và lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người, Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh xin phép Bác cho dựng tượng Người trên đảo Cô Tô, xây nhà bia lưu niệm, dựng bia ở những nơi Bác đến thăm. Và nguyện vọng của bà con trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý.

Ðầu năm 1968, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế (1937 - 2003) cùng các đồng nghiệp đã bắt tay thực hiện tượng đài Bác Hồ. Tượng được dựng bán thân, cao 1,8 m, cả bệ là 4 m, khánh thành vào ngày 22-5-1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 78 của Người. Với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế, bức tượng Bác ở đảo Cô Tô luôn gợi cho ông những xúc cảm đặc biệt.

Tháng 6-1976, tượng bán thân được thay bằng bức tượng toàn thân với chất liệu bê-tông cốt thép, cao 4,5m, cả bệ là 9m, đặt tại vị trí cách bờ biển 100m. Năm 1996, trong dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, bức tượng bằng bê-tông được thay thế hoàn toàn bằng chất liệu đá granit. Cho đến thời điểm này, Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn là bức tượng đẹp nhất vùng đông bắc. Tượng đài Bác “linh hồn của đảo Cô Tô” vừa uy nghiêm vừa thân thương sừng sững hiên ngang giữa mênh mông biển trời Cô Tô. Hình ảnh Bác Hồ “vẫy tay chào biển cả” trở nên vô cùng thân thuộc, khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân đảo Cô Tô.

Ðể tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao của Bác đối với dân tộc Việt Nam, trong đó có quân và dân Cô Tô, các cơ quan chức năng đã cho xây dựng Ðền thờ Bác làm nơi lưu giữ những hình ảnh và di huấn của Người. Ðền thờ Bác Hồ trên đảo Cô Tô là nơi sinh hoạt tâm linh, nơi che chở và gửi gắm khát khao, ước vọng về cuộc sống ấm no của nhân dân. Với ý nghĩa vô cùng thiêng liêng gắn với cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Bác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định thành lập Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô - là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân đã cung tiến, trồng nhiều loài cây quý hiếm, có giá trị, trong đó có cây tùng. Tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý để huyện Cô Tô đầu tư xây dựng Công viên Tùng với quy mô 2,2 ha. Nguồn vốn đầu tư gồm tiền nhà nước, với sự chung tay đóng góp của người dân, cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mở rộng không gian, tạo kiến trúc, cảnh quan đẹp, trang nghiêm trong khu di tích. 

Không ngừng phát triển

Cô Tô từ những ngày đầu gian khổ, cuộc sống đói nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác thủy sản, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Cô Tô đã đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa kinh tế vươn lên. Những năm gần đây diện mạo Cô Tô có sự đổi thay mạnh mẽ, khiến nhiều người khi trở lại đều ngỡ ngàng. Tuyến đường xuyên đảo Cô Tô, Thanh Lân hoàn thiện; toàn huyện không còn hộ nghèo; 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Y tế được cải tạo nâng cấp từ 25 giường bệnh lên 50 giường bệnh; thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/người/năm; trung tâm thương mại khang trang, hàng hóa đa dạng, tiến tới sẽ phát triển kinh tế ban đêm với các loại hình kinh doanh, dịch vụ phong phú. Ngoài ra, Công viên Tùng Cô Tô xây dựng đẹp đẽ mang nét đặc trưng riêng có, thể hiện khí phách kiên cường của người dân đảo; các công trình chỉnh trang đô thị, tuyến phố đi bộ, điện lưới sáng bừng trên đảo Trần... Cô Tô bước sang một trang mới từ cơ sở vật chất, diện mạo, tư duy… đều có nhiều đổi mới, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt; niềm tin của nhân dân, các nhà đầu tư được nâng lên.

Với ý chí quyết tâm đổi mới, Huyện ủy, HÐND, UBND huyện Cô Tô đã quyết liệt chỉ đạo, sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối. Việc sáp nhập một số cơ quan thuộc khối chính quyền vào cơ quan Ðảng, tạo nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tránh chồng chéo, giảm được các khâu chỉ đạo, điều hành trung gian, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Huyện cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công việc, cải cách thủ tục hành chính bắt kịp cuộc sống số, ứng dụng chuyển đổi số.

Mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của huyện đảo Cô Tô là bảo vệ an ninh quốc phòng giữ vững chủ quyền biển, đảo, phát huy vai trò mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường bám biển, đảo. Ðồng chí Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Ðảng bộ, chính quyền huyện Cô Tô luôn nỗ lực biến ước mơ của nhân dân thành hiện thực, đi đầu trong việc chuyển đổi số kéo gần khoảng cách giữa Cô Tô với đất liền; xác định mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ chất lượng cao có tầm nhìn dài hạn, xứng tầm với tiềm năng và lợi thế; công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư quy mô lớn, đồng bộ hiệu quả, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050 và các quy hoạch phân khu gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với quốc phòng an ninh và bảo đảm trật tự xã hội. Ðồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Cô Tô gắn với Vân Ðồn - vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái.

Biết bao bài hát, câu thơ của nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước đã viết về vùng đảo xanh. Tất cả đều lấp lánh vẻ đẹp, những nét sáng tạo, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và niềm tự hào của nhân dân.

Cô Tô - vùng đất “phên giậu” thiêng liêng -0