Tiếng gọi từ Cồn Cỏ

"Mảnh đất thân thương hiền lành giản dị, vẫn thơm tiếng mẹ Quảng Trị quê ta…". Lời hát theo gió chơi vơi trên sóng, quấn quýt trong tâm trí, nối liền một dải nhịp đời từ đất mẹ tới hòn đảo kiên cường đang rạng rỡ đâm chồi.

Tiếng gọi từ Cồn Cỏ

1 Nguyễn Thị Hoài Giang, bé nhỏ như cô học sinh cấp III, cắp trên tay đứa trẻ chừng hơn tuổi, tay dắt theo một đứa độ lên ba. Ba mẹ con là những khách cuối cùng kiếm được chỗ trên con tàu kiểm ngư để ra đảo Cồn Cỏ. Sau cơn bão số 2, biển không êm ả, đứa trẻ khóc từng chặp trên tay mẹ…

Cồn Cỏ chỉ cách điểm gần nhất của đất liền 25km, nhưng phải mất đến 2 giờ lênh đênh, con thuyền mới cập được bờ. Trên bến, Lê Văn Tuấn len vội bước chân ra đỡ thằng cu lớn và giúp mẹ con Giang xuống tàu. Tuấn – Giang, quê Vĩnh Linh, cùng sáu hộ gia đình ở các miền quê khác của Quảng Trị đã quyết định đến với Cồn Cỏ để gây dựng cuộc sống mới, từ hồi tháng 5 rồi.

Cách bến không xa, nhấp nhô giữa sắc xanh mướt của cây cối là khoảng chục nếp nhà mái ngói đỏ rực trong nắng, thoạt nhìn cứ ngỡ một khu nghỉ dưỡng… Vừa rảo bước về hướng đó, Giang vừa chỉ tay khẽ nựng thằng bé: "Nhà mình kìa con…".

Vào đến nhà, đứa bé vẫn lạ lẫm với tất cả, nhất định không chịu rời tay mẹ, còn đứa lớn đã nhanh chóng sà vào xếp hình con tàu từ những vỉ nhựa của khay làm đá tủ lạnh. Quay qua dọn lấy một chỗ mời khách ngồi, Giang tâm sự: "Vợ chồng em ra trước, lo ổn ổn chuyện nhà cửa rồi em về quê đón con. Còn nhiều thứ phải lo lắm!". Lo cho con quen nhà mới, cho con chỗ học, rồi lo việc san khoảng sân phía trước, trồng mấy luống cây vừa có rau ăn vừa xanh cửa nhà…, người mẹ mới qua tuổi 21 nhẩm tính. Nhưng lo nhất vẫn là chuyện mưu sinh, sao cho có đồng ra đồng vào nuôi con.

Trước mắt, mỗi hộ gia đình ra đảo được cấp một ngôi nhà biệt lập, được hỗ trợ gạo trong một năm rưỡi và chi phí sinh hoạt 1,2 triệu/tháng/hộ trong năm đầu. Ðêm xuống, Tuấn thường đánh bắt cá ven bờ, còn ngày thì lên núi thu hái cây thuốc,… "Có ngày, chỉ riêng bán lá Giảo Cổ Lam khô cũng đã thu được hơn triệu đồng. Nhưng công việc này cũng chỉ theo thời vụ, sắp tới Ủy ban cấm khai thác trong vài tháng để nguồn dược liệu tự nhiên có thời gian hồi lại. Bọn em đang tính mở cửa hàng mua bán phục vụ khách du lịch…", Tuấn tiếp lời. Ngồi bên, Giang đòng đưa con, ngước nhìn ra hiên nắng. Góc nhà, nồi cơm điện vừa bật nút chuyển, cơm mới chín tới ngào ngạt…

Vẳng nghe từ nhà kế bên, tiếng rổn rảng chuyện giữa lão ngư tên Diệu đang ngồi đan lưới bắt cá với mấy anh thợ điện. Lão cười khà khà, có điện 24/24 giờ rồi, sẽ dành tiền mua tủ lạnh, máy điều hòa, rồi mấy thứ điện tử cho vui nhà…

Tiếng gọi từ Cồn Cỏ ảnh 1

Tiếng gọi từ Cồn Cỏ ảnh 2

Những cư dân mới của Cồn Cỏ đã sớm như cây bén rễ vào miền đất của nắng gió, bão tố nhưng cũng dư dả cơ hội từ mẹ thiên nhiên còn nguyên sơ. Ảnh: Ngọc Hà

2 Ði qua khu xóm mới vào sâu trong đảo, sát bên khu hành chính của huyện, sẽ đến khu xóm cũ của 11 cặp đôi Thanh niên xung phong ra đảo từ năm 2002. Những ngôi nhà hòa mình với cây cối tốt tươi, được mở ra với biển, có nhà dựng quán ăn, có nhà bán đồ uống, tạp hóa… Khách lúc này chủ yếu vẫn là cư dân và quân nhân trên đảo…

Ngược trở lại 13 năm về trước, ngày 1-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 174 thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng nơi đây trở thành một "huyện đảo du lịch". Mốc tiếp theo, vào cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng công bố mở Cảng cá đảo Cồn Cỏ, cho phép tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra, vào cảng với cỡ loại tàu lớn nhất có thể cập cảng 200CV, 300 tấn. Rồi mới nhất, ngày 10-7 vừa qua, Cồn Cỏ đã chính thức mở tuyến du lịch. Lộ trình đã rõ, nhưng để đánh thức được "ngọc còn đang vùi trong cát", vẫn còn rất nhiều thách thức.

Nhìn ra mênh mông sóng, Phó Chủ tịch UBND Huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng ưu tư về nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Về cơ sở lưu trú, cả đảo hiện có một khách sạn với lượng phòng đếm chưa đủ hết số ngón của hai bàn tay. Rồi đến vấn đề đau đầu nữa là điện và nước. Thời gian qua, dù chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng điện, nhưng mỗi năm, ngân sách tỉnh đã phải bù lỗ 1 tỷ đồng/năm. Nếu cung cấp điện 24/24 giờ thì Quảng Trị sẽ phải bù lỗ khoảng 5 tỷ đồng/năm. Ðây là áp lực lớn đối với "đất mẹ nghèo Quảng Trị". Giải pháp đưa ra là Tổng Công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) tiếp nhận phát điện. Từ tháng 6 vừa qua, EVNCPC đã thí điểm phát điện 24/24 giờ giúp cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Ðãđiện làm đá để bảo quản thức ăn trong thời gian mưa bão, bảo quản hải sản đánh bắt được khi chưa có phương tiện chở vào đất liền… Lúc này, Cồn Cỏ đang mong sớm nhận được quyết định của Chính phủ cho phép ngành điện tiếp nhận tài sản và quản lý bán điện trên đảo, để từ đó có phương án kinh doanh điện hợp lý.

Một điểm khó nữa, làm sao để rút ngắn hành trình từ đất liền ra với Cồn Cỏ. Sẽ cần đầu tư thêm tàu, và mở thêm sự kết nối với các điểm du lịch khác để tạo tuyến thu hút khách…. Ðể giải bài toán về nguồn lực đầu tư lớn, Quảng Trị dự kiến tạo cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút những doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệm đến với Cồn Cỏ, việc phát triển du lịch sẽ theo hướng bài bản ngay từ ban đầu. Với hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, nếu cộng thêm cơ chế tốt, chắc hẳn không khó để "viên ngọc xanh giữa biển đông" lọt mắt xanh của những nhà đầu tư lớn. Nhiều sản phẩm du lịch đa dạng đã được tính tới như mở tour khám phá rừng nguyên sinh, trải nghiệm câu cá biển, lặn ngắm san hô, hay đơn giản là thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực địa phương với cháo cá nhảy, ốc thổ, rong biển…

Dĩ nhiên, khai thác tiềm năng du lịch từ lợi thế thiên nhiên là cả một lợi thế lớn của "ngọc xanh", nhưng Cồn Cỏ còn gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Và thật tiếc, nếu như, du lịch nghỉ dưỡng vượt lấn du lịch hoài niệm…

3 Trong những năm tháng đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành "chiến hạm không thể bị đánh chìm" giữa lòng Biển Ðông của Tổ quốc.

Theo "Ký sự miền đất lửa" của đồng tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh viết từ hơn 45 năm trước về "hành trình máu" Vịnh Mốc - Cồn Cỏ, Cửa Tùng - Cồn Cỏ, Vĩnh Linh - Cồn Cỏ..., suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù đã tập trung cả không quân và hải quân bao vây đánh phá, dội hàng nghìn tấn bom đạn các loại xuống hòn đảo nhỏ này. Cứ mỗi héc-ta đất Cồn Cỏ hứng chịu hơn 22,6 tấn, mỗi cán bộ, chiến sĩ đội trên mình 39,2 tấn bom đạn. Có những ngày 28 lần địch tập kích bằng đường không; có những lúc chúng pháo kích triền miên suốt đêm; có những thời điểm chúng dùng tàu chiến bao vây đảo suốt cả tuần liền; thậm chí phi công Mỹ khi đánh phá miền Bắc trở về, nếu thừa bom đạn hoặc do lưới lửa phòng không của đất liền đánh đuổi không kịp cắt bom, chúng đều tìm mọi cách trút hết xuống đảo. Cồn Cỏ có lúc tưởng chừng như bị san phẳng, ngang bằng mặt biển.

Cồn Cỏ của ngày hôm nay, mầu xanh của sự sống bình yên đã phủ lấp những dấu tích chiến tranh. Hòn đảo kiên cường trong bom đạn đang chuyển mình để đảm đương sứ mệnh mới, trở thành mũi nhọn kinh tế du lịch của Quảng Trị và cả miền trung.

Ðến với Cồn Cỏ, cũng là đến với một hành trình khám phá của du lịch hoài niệm. Nơi du khách kết nối mạch nguồn từ Thành Cổ "có tuổi hai mươi thành sóng nước" qua địa đạo Vĩnh Mốc, tới "sông Ba Lòng bay bổng lời ca"... thành chuyến hành hương tri ân vươn ra với biển, với Cồn Cỏ để thấy một thời gian khó và hào hùng quân dân giữ đảo tiền tiêu… Ðiều đó làm nên sự khác biệt của Cồn Cỏ với những đảo đầy tiềm năng thiên nhiên khác.

Chúng tôi rời đảo trong một sáng mà tin tức khí tượng thủy văn đang cảnh báo sẽ có đợt bão mới tràn về. Mảnh đất Quảng Trị và Cồn Cỏ lại căng mình chống bão. Thuyền rời xa bến, vẫn nhìn thấy dải đảo xanh thẫm, nổi lên nền trời là lá cờ Tổ quốc căng gió, không nếp gấp. Cột cờ Cồn Cỏ vừa được khánh thành chỉ ít ngày trước khi chúng tôi đến. Như một người gác đảo kiên trung dõi nhìn ra Biển Ðông. Như một bàn tay Việt Nam chào đón…