Ðóng tàu phải nghĩ cho ngư dân !

Việc triển khai Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (NÐ67) đã tiếp sức để ngư dân ở nhiều vùng miền có thể vươn khơi xa hơn, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vừa nâng cao năng lực đánh bắt cho bà con. Thế nhưng, một chủ trương đúng đắn lại đang bị ảnh hưởng bởi những sai phạm của một số công ty đóng tàu. Ðừng để ngư dân ra biển với trĩu nặng gánh lo về tuổi thọ, sự an toàn của những con tàu mà họ đã đặt cả hy vọng và gia sản để có được…

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Ðức, huyện Phù Mỹ, Bình Ðịnh), chủ tàu vỏ thép BÐ 99004 TS bị hư hỏng đang nằm tại Cảng cá Ðề Gi, huyện Phù Cát.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Ðức, huyện Phù Mỹ, Bình Ðịnh), chủ tàu vỏ thép BÐ 99004 TS bị hư hỏng đang nằm tại Cảng cá Ðề Gi, huyện Phù Cát.

"Cục thép" và áp lực khoản vay đóng tàu

Thực hiện NÐ67, tại tỉnh Bình Ðịnh, hiện có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và thi công đóng tàu bao gồm 47 tàu vỏ thép, 5 tàu composite và 4 tàu vỏ gỗ, với số vốn hơn 874 tỷ đồng, đã giải ngân cho 55 hợp đồng với số tiền hơn 803 tỷ đồng. Trong số này, 44 tàu (37 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 3 tàu composite) đã đi vào hoạt động, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, điều bất thường là thời gian hạ thủy chưa lâu, nhiều tàu chủ yếu là tàu vỏ thép đã xảy ra hỏng hóc liên tục. Sự cố chủ yếu hiện diện trên sản phẩm do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương (Nam Ðịnh) xuất xưởng.

Thí dụ như câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Ðức, huyện Phù Mỹ, Bình Ðịnh). Ông ký hợp đồng với Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương, đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Tháng 8-2016, con tàu BÐ 99567 TS, công suất 811 CV của ông được hạ thủy. Vậy nhưng, chưa kịp mừng đã lo ngay ngáy ngay sau chuyến mở biển đầu tiên bởi lưới bủa đến đâu đều bị cuốn vào chân vịt đến đó, không thể đánh bắt được. Sau đó, ông Mạnh phải tốn thêm 1,5 tỷ và mất thêm gần 5 tháng để cải hoán lại tàu cho phù hợp.

Chuyến biển thứ 2, tàu đang đánh bắt tại vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận), thì bánh lái bị sóng đánh văng ra ngoài, do đó phải tấp vào đảo khắc phục, lại thêm chuyến biển lỗ tốn. Ðến chuyến thứ ba, tuy đánh bắt được cá, nhưng chưa kịp vui, ông Mạnh đã điên cả đầu vì các khoang tàu không hiểu được thiết kế kiểu gì mà nước ứ đọng trong các hầm muối cá làm hỏng số cá đánh bắt được. Lại thêm một chuyến biển thâm tổn… Cho dù còn chưa hết thời gian bảo hành, nhưng tàu đã xuống cấp trầm trọng. Vỏ tàu, van, ống, các trang thiết bị trên tàu hầu như bị gỉ sét, không vận hành được…

"Trong quá trình đóng tàu, tôi có ra xem thấy thiết kế không phù hợp, nhưng góp ý mà công ty không nghe. Họ bảo cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Mình nói bằng kinh nghiệm thực tế, còn họ căn cứ vào giấy tờ thì mình phải chịu thôi!? Ngư dân đào đâu ra số tiền lớn gần 20 tỷ đồng để đóng tàu. Nhờ chính sách của Chính phủ mà vay ngân hàng đóng tàu làm ăn. Giờ đây tàu hư hỏng, nằm bờ sửa chữa, chẳng biết lấy tiền đâu trả ngân hàng và ai chịu trách nhiệm cho ngư dân?" - ông Mạnh bức xúc nói.

Ðóng tàu phải nghĩ cho ngư dân ! ảnh 1

Tàu vỏ thép BÐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương do Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương đóng, đưa vào sử dụng vào tháng 8-2016, đến nay đã xuống cấp trầm trọng.

Cùng đóng tại Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương, hồi tháng 8-2016, tàu cá vỏ thép số hiệu BÐ 99004 TS, của ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, cùng trú thôn Phú Hòa) hạ thủy. Và cũng chung kết cục nói trên, ông Lý ngậm ngùi: "Ðóng xong chiếc tàu cá vỏ thép này, tui nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng. Ðã vậy, bốn chuyến biển đầu tiên tàu còn "báo hại" tui thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng. Lãi ngân hàng thì đã đến hạn trả nhưng tàu thì hư hỏng nằm bờ. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến việc trả tàu cho Nhà nước và chấp nhận đi tù cho rồi? " - ông Lý ngao ngán.

Chung nỗi ám ảnh này, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh lo lắng: "Ngân hàng thông báo trả nợ đợt 3 tổng cộng cả vốn cả lãi hơn 500 triệu đồng. Nếu không trả được thì sẽ bị chuyển sang trả lãi vay thương mại. Lãi suất 1% tôi còn chưa trả nổi nói gì 7%". Tình cảnh lúc này, nhiều ngư dân mong mỏi được linh động trong việc trả lãi vì ngư dân không đủ sức chịu áp lực lãi suất tăng.

Trả lời bà con, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNN tỉnh Bình Ðịnh, cho biết, đã có kiến nghị một số chính sách cho tàu cá trong chương trình Nghị định 67 như điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình lên 16 năm. Ðề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do như tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; do diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường... Và cho phép ngư dân được đề nghị ngân hàng điều chỉnh lịch trả nợ như tăng và giảm số tiền trả nợ ở một số kỳ trong năm phù hợp với thực tế...

Truy trách nhiệm trong vi phạm đóng tàu

Ðể làm rõ đơn kiến nghị của 10 chủ tàu về việc vi phạm hợp đồng của Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương và Công ty Nam Triệu (Hải Phòng), đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Ðịnh (gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương...) đã vào cuộc. Kết quả bước đầu cho thấy, tình trạng con tàu được mô tả như sau: Vỏ gỉ sét, xuống cấp; bầu nước ngọt nứt, hộp số máy chính hỏng; công suất máy điện không đúng hợp đồng; hầm bảo quản không giữ được nhiệt, chảy đá…

Tại buổi đối thoại với ngư dân hôm 10-5, ông Trương Văn Ðài, Phó Giám đốc Công ty Ðại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng tôn (thép) Trung Quốc nhưng là loại thép có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty thống nhất chịu toàn bộ chi phí kéo lên đà tại Cam Ranh (Khánh Hòa) để sơn sửa lại toàn bộ tàu bị gỉ sét và khắc phục các sự cố hư hỏng trong phạm vi trách nhiệm bảo hành của công ty.

Còn Công ty TNHH MTV Nam Triệu không thực hiện đúng hợp đồng khi lắp máy của một hãng, thế nhưng, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc vẫn cho rằng: "Qua kiểm tra, đánh giá chuyên gia của hãng máy, cho thấy tàu bị hư hỏng một phần do bà con ngư dân sử dụng chưa thành thạo. Về máy tàu, công ty đã ký hợp đồng với hai đơn vị cung ứng. Khi máy nhập về, công ty phối hợp cùng đăng kiểm, cơ quan giám định kiểm tra máy tại xưởng đóng tàu. Máy được nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện và có sự kiểm tra của ngư dân".

Tuy nhiên, trước sự quyết liệt của ngành chức năng địa phương và nhân dân, Công ty TNHH Nam Triệu thống nhất chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố hư hỏng máy chính, máy phát điện, vỏ tàu. Ngoài ra, công ty còn đồng ý hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra. Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ lưới vây sang lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ chuyển đổi nghề theo quy định.

Không thể vì lợi nhuận bỏ qua quyền lợi của ngư dân

Bàn về giải quyết đơn kiến nghị của 10 ngư dân tỉnh Bình Ðịnh, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh không chấp nhận lý giải nguyên nhân hư hỏng có phần do ngư dân vận hành không đúng được hai công ty nói trên đưa ra. Ông nhấn mạnh, buộc hai công ty phải khẩn trương khắc phục tất cả những hư hỏng, sự cố cho ngư dân. Hai công ty phải thực hiện đúng nội dung hợp đồng, trừ trường hợp ngư dân đồng ý và chấp nhận thay đổi để hạ giá thành. Ðề nghị Công ty Ðại Nguyên Dương không thu tiền thiết kế phí nằm trong dự án đóng tàu vì khoản này Nhà nước đã hỗ trợ… Sở NN&PTNN tỉnh được giao chủ trì thuê đơn vị độc lập kiểm định lại toàn bộ quá trình đóng tàu. Ông Châu còn yêu cầu, các địa phương ven biển phải hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục nếu phát sinh việc dân khởi kiện các nhà máy đóng tàu ra tòa án.

"Ðây là chủ trương của Ðảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế biển, lấy ngư dân, chủ tàu làm cơ sở để phát triển kinh tế từ hộ gia đình, đến huyện, tỉnh và cả nước; đồng thời cũng là nhiệm vụ giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Tôi đề nghị các cơ sở đóng tàu phải lấy cái tâm, cái trí để phục vụ, không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà làm tổn hại cho ngư dân và đất nước. Ngư dân mang tàu kém chất lượng ra khơi mà bị đâm va, hỏng máy nằm lênh đênh trên biển, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Chúng ta phải nghĩ cho ngư dân"- ông Châu nói.