Hành trình Xuân trên sóng

NDO -

Các chuyến tàu thay- thu quân mang theo những món quà đậm dấu ấn mọi vùng miền trong cả nước đã kéo ba hồi còi chào cảng, rẽ sóng ra khơi. Vậy là chỉ còn ít ngày nữa, các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 sẽ cảm nhận được hơi ấm, tình cảm quý giá của đất liền trao gửi. Dịch Covid-19 còn phức tạp khiến cho việc tổ chức đoàn công tác ra thăm và động viên bộ đội đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo không thuận lợi như những năm trước.

Quất cảnh Hưng Yên đến với Trường Sa.
Quất cảnh Hưng Yên đến với Trường Sa.

Trong buổi chiều cuối năm, đồng chí Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tâm sự: “Những món quà các địa phương tặng cho bộ đội thật quý giá. Những người lính Hà Nội nhớ vị bánh chả, người ở Phú Thọ lại nhớ mì gạo… Ở đảo xa, cành mai, cành đào được làm thủ công, gắn những bông hoa cắt bằng giấy mầu, bộ đội thích có thêm cây quất cảnh với quả chín sum suê, vàng rực vào giờ khắc đón giao thừa. Nhưng nhiều anh em bộ đội chia sẻ với chúng tôi, nhớ vị mì chũ. Tết này mà có mì chũ làm quà thì tốt quá”.
 
 Mì chũ, đặc sản của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đã đến với bộ đội Trường Sa từ Tết năm 2019 theo cách rất tình cờ. Khi đó, đại diện Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương về với Lễ hội trái cây Lục Ngạn, gặp đồng chí Bạch Quang Hào, Bí thư Đảng ủy xã Nam Dương - địa phương được ví như “thủ phủ” của mì chũ. Anh Hào mời chúng tôi thăm các gian hàng, giới thiệu sản phẩm của xã mình đã đến với nhiều vùng miền trong nước và cả nhiều nước trên thế giới. Rồi câu chuyện dần dẫn sang chủ đề biển đảo. Anh đề xuất được tặng mì ra đảo Tết này. Chúng tôi cứ nghĩ rằng, xã sẽ tặng một vài thùng mang ý nghĩa tinh thần, động viên bộ đội, ai ngờ mấy hôm sau, địa phương chuyển về Hà Nội một tấn mì. Vậy là Tết năm ngoái, bộ đội Trường Sa biết đến mì chũ Bắc Giang.
 
 Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, hàng hóa không xuất khẩu được làm ảnh hưởng nhiều tới sản xuất của bà con. Lại thêm trong năm thiên tai lũ lụt, sạt lở ở nhiều nơi. Người dân xã Nam Dương đã chung tay ủng hộ mì cứu trợ tới các vùng thiên tai. Thời điểm chúng tôi thực hiện chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo”, chính quyền và người dân địa phương đã phải đắn đo, suy nghĩ. Khó khăn thấy rõ rồi, nhưng bà con quyết tâm lắm, ai cũng suy nghĩ tìm giải pháp. Đảng ủy xã mời Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ về gặp gỡ các hợp tác xã và những hộ sản xuất quy mô lớn. Đoàn chúng tôi vượt chặng đường hơn 100 km về đến nơi thấy hội trường vắng vẻ hẳn so năm ngoái, chỉ một số ít các hộ đến dự. Câu chuyện đầy yêu thương, cảm xúc hướng tới biển đảo vẫn cứ diễn ra. Những bộ bưu thiếp “Sức sống Trường Sa” được chúng tôi tặng tận tay từng người. Ra về, bà con hứa sẽ cố gắng, nhiều hay ít thì vẫn là tấm lòng. Nếu năm nay số lượng ít quá, năm sau sẽ bù nhiều hơn. Cuối buổi, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Mì chũ Nam Thể mời đoàn về gia đình, thăm dây chuyền sản xuất và gia công đóng gói. Để có được một nắm mì chũ phải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát rất nghiêm ngặt. Thế nên, sản phẩm của làng nghề mới có thể chinh phục khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và ra cả nước ngoài, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu…
 
 Ông Nam mời đoàn chúng tôi ra đình làng ăn “cúng Vấn”. Thôn Thủ Dương, xã Nam Dương có lệ này. Một năm bốn kỳ, vào những ngày rằm đặc biệt, các cụ bô lão của làng sẽ tổ chức cúng như một nghi thức tín ngưỡng, báo cáo Thành hoàng làng về việc làng xã, xóm thôn. Các cụ trên 60 tuổi mới được tham gia nghi lễ này. Theo lệ, các cụ ông thì cúng ở đình, các cụ bà thì cúng ở chùa. Sau những nghi thức giản dị nhưng trang nghiêm, cỗ bàn bày ra có thủ lợn, xôi trắng và thịt gà. Chúng tôi may mắn về đúng ngày đặc biệt, lại được người dân địa phương mời thụ lộc. Cỗ bàn xong xuôi, lúc quây quần bên ấm trà, các cụ bô lão nghe trình bày về chương trình hướng tới biển, đảo của Tổ quốc, ánh mắt rưng rưng. Một cụ đứng lên khẳng khái nói lời quyết định: “Việc này phải làm. Năm nay ít thì cũng phải được bằng năm ngoái, tức là một tấn. Biển, đảo là máu thịt, là thiêng liêng. Ở đất liền, chúng ta yên ổn là nhờ những anh bộ đội đang trực ngoài kia. Các hộ về chỉ đạo con cháu thôn Thủ Dương, mỗi hộ ít là 50 kg, nhiều thì một tạ, hoặc hơn. Năm sau phải ưu tiên việc này hàng đầu”. Quyết định được thông qua nhanh chóng. Ngay tại bàn trà đã có năm cụ đăng ký. Cụ Nguyễn Văn Hồng - Chi hội trưởng chi hội Bô lão ủng hộ ngay 100 kg. Cứ thế, lần lượt từng cánh tay giơ lên, từng câu nói ấm áp, và những lô mì xuất kho được chuyển tới ủng hộ biển, đảo.
 
 Cũng trong hành trình như thế, chúng tôi gặp nhiều bô lão, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng tinh thần lan tỏa tới thế hệ con cháu vẫn đầy nhiệt huyết, quyết tâm. Ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có một cựu quân nhân từng công tác ở đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh) giờ vẫn miệt mài với ruộng đồng và chăm từng cây quất cảnh để gửi tặng Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ông tên là Phạm Hoàng Tài, sinh năm 1962. Ký ức về tuổi thanh xuân gắn bó với biển, đảo vì nhiệm vụ và đời sống chan hòa, tình nghĩa với đồng đội vẫn nguyên vẹn trong ông. Ai hỏi về biển, đảo, là ông kể chuyện sôi nổi hẳn lên. Chuyện đảo, chuyện lính, chuyện mong ngóng dòng tin ở chốn quê nhà. Ngoài rau, lúa, gia đình ông trồng thêm quất cảnh. Lứa quất đặc biệt nhất từ dáng cây đến lượng quả, mầm chồi… ông dành tặng biển, đảo. Nâng niu từng nhành cây, vun xới từng vồng đất, tình cảm của người lính năm xưa gửi vào đất đai, để cứ mỗi độ sắp sửa Tết đến, xuân về, ông lại ngóng chờ Câu lạc bộ từ Hà Nội, để được trao đi những cây quất mình tự tay lựa chọn, chăm sóc. Ông kể, cũng có năm thời tiết không thuận lợi, mưa gió đúng đợt cây ra hoa, đậu quả, rồi có khi giông gió bật cả gốc cây. Đau lắm, xót lắm, mắt cứ cay xè. Suốt những ngày sau đó, ông quên ăn quên ngủ, bám trụ với mảnh vườn, trồng lại từng gốc cây, tính toán mọi phương án để có đợt hoa mới và đậu quả, chín đúng thời điểm.
 
 Trong chuyến công tác Trường Sa cách đây vài năm, tôi chứng kiến cảnh tượng một sĩ quan đảo An Bang gương mặt dạn dày sóng gió, đang nghiêm khắc chỉ dẫn các chiến sĩ chuyển hàng quà lên đảo, bỗng rạng rỡ, reo vui khi thấy cây quất cảnh đang được bộ đội chuyển từ xuồng CQ lên cầu cảng. Ngay lập tức, anh băng qua cây cầu sắt vừa được tận dụng để chuyển hàng quà. Bộ đội mang vác hàng khi bước đi trên đó phải thật thận trọng, bước chậm và chắc chắn. Thế nhưng, anh băng qua rất nhanh, cúi xuống nâng cây quất lên, ôm vào lòng rồi lại băng qua cây cầu chạy về phía đảo. Gặp ai, anh cũng tự hào khoe: “Quất xuân quê tớ đấy, Văn Giang, Hưng Yên đấy”.
 
 Trong những cuộc hành trình mang dấu ấn biển, đảo, chúng tôi nhận ra rằng, tình cảm của đồng bào trong cả nước với những chiến sĩ đang ở nơi đầu sóng thật ấm áp, lớn lao. Nào mứt Tết Hà Nội, hoa phong lan Đà Lạt, tương bần Mỹ Hào; bột nghệ Khoái Châu, quất xuân Văn Giang (Hưng Yên), mì chũ Bắc Giang, mì gạo Phú Thọ, miến dong Yên Bái, chè Thái Nguyên, bánh dừa Bình Định… Ai cũng sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để mùa xuân ở nơi đầu sóng ngọn gió thêm đủ đầy, ấm áp, để những người lính đang làm nhiệm vụ cảm nhận được vòng tay quê hương ở ngay bên mình.
 
 Ở những vùng miền không có biển, mỗi khi làm triển lãm ảnh Trường Sa, chúng tôi hỏi các em học sinh tiểu học: Ai đã được đến biển? Lác đác chỉ dưới mười cánh tay giơ lên. Nhưng có những mái trường ở vùng quê đó, như Trường tiểu học Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã dựng hẳn một cột mốc Trường Sa rất cân đối, nằm giữa vườn hoa rực rỡ, ngay cạnh cổng trường. Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, các nguồn lực xã hội đã chung tay làm nên cột mốc chủ quyền với mong muốn các em học sinh có cái nhìn trực quan, từ đó sẽ chủ động tìm hiểu thông tin về biển, đảo, phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
 Một hành trình xuân mới đang nối gần những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc với triệu triệu tấm lòng người dân đất Việt.