Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

NDO -

Ngày 13/5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học "Thực trạng và những vấn đề đặt ra cần giải quyết về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”, nhằm tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học phục vụ xây dựng Đề án "Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ban Nội chính Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án này.

Dự và chủ trì có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản tham nhũng; đây là hoạt động thường xuyên sử dụng quyền lực Nhà nước, nhân danh Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nên phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên. 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, pháp luật về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp; tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. 

Xuất phát từ thực trạng đó và yêu cầu xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, liêm chính, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: ...điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Đây cũng là yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là phải “tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp”; “kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong các cơ quan nội chính”. Với tinh thần đó, đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất những nội dung, giải pháp cụ thể, có tính khả thi, phục vụ xây dựng Đề án.

Tại tọa đàm, các đại biểu với kinh nghiệm và thực tiễn công tác của mình đã tập trung làm rõ thực trạng thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực, nhất là tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực và những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trên cơ sở đó xác định những khâu còn yếu, những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ và đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động này một cách hiệu lực, hiệu quả… 

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao các đại biểu đã có ý kiến tâm huyết, phân tích sâu sắc. Các đại biểu nhất trí cao việc phải thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó, mọi quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Đây là vấn đề cấp bách hiện nay, vì muốn phòng, chống tham nhũng thật tốt thì phải kiểm soát quyền lực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vừa tuân theo quy chế chung về kiểm soát quyền lực, vừa phải có đặc thù riêng trong hoạt động ở các lĩnh vực này. Trong đó, các quy định đề ra phải chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu, hiểu thống nhất và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm các quy định này. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp phải được xác định cụ thể, tránh chồng chéo; tổ chức bộ máy có tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ. Phải công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Về phương thức kiểm soát quyền lực, phải kiểm soát từ bên trong (trong nội bộ mỗi cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, giữa các cơ quan và những người có trách nhiệm), kiểm soát từ bên ngoài (của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội), kiểm soát từ quyền lực chính trị của Đảng (Đảng lãnh đạo; hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng). Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực cần phải bảo đảm tính độc lập tương đối của các cơ quan tư pháp.

Muốn kiểm soát quyền lực có hiệu quả, phải đánh giá đúng thực trạng của cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; những sơ hở, khó khăn, vướng mắc, bất cập và nhận diện chính xác những loại hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động này… Ý kiến tâm huyết của đại biểu sẽ được Ban Chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, hoàn chỉnh Đề án trình Bộ Chính trị.