Phối hợp, triển khai thật tốt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giám sát

NDO -

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu năng lực và bản lĩnh của thành viên các Đoàn giám sát, phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự tham dự đông đủ, đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu, các cơ quan từ Trung ương, địa phương, đặc biệt địa phương có đến 25 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Thường trực cấp ủy, HĐND và các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng, ở Trung ương. 

Bước chuyển từ nhận thức đến hành động    

Về tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ đó tổ chức giám sát đạt được kết quả đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong 4 chuyên đề giám sát cụ thể của năm 2022.

Qua lắng nghe ý kiến đại diện các cơ quan Trung ương và một số ý kiến từ thực tiễn địa phương, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình, đánh giá cao các chuyên đề giám sát được lựa chọn đúng, trúng. 

Phối hợp, triển khai thật tốt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giám sát -0
 Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta cũng tin tưởng rằng, nếu làm tốt các chuyên đề giám sát này thì sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Và cũng hy vọng, tin tưởng là sẽ tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. 

Cho biết hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập các đoàn giám sát, bao gồm cả các thành viên khác là chuyên gia và đại diện các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đồng chí Trưởng đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hoạt động giám sát và các quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu mỗi thành viên Đoàn giám sát phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, từ đó đưa ra đánh giá, nhận định trung thực, khách quan. Đồng thời cũng phải tôn trọng đối tượng giám sát, không được sách nhiễu, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các cơ quan, các đối tượng giám sát. 

Yêu cầu các thành viên, các Trưởng, Phó Đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, thực hiện tốt giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. 

Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Chúng ta phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng ra. Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện- đó là mục tiêu của giám sát.

Đối với HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội là hai chủ thể độc lập khác nhau, có chức năng, nhiệm vụ được điều chỉnh bởi các khung khổ pháp lý khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, linh hoạt để mang lại hiệu quả cao. 

Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến của các bên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng địa phương, Trung ương, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người dân để triển khai tốt hoạt động giám sát.

Đối với từng Bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương, địa phương, cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, vấn đề liên quan, phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin.

Phối hợp chặt chẽ trong giám sát

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước sớm triển khai lập các báo cáo tổng hợp và cung cấp các báo cáo chuyên đề cho các đoàn giám sát, bám sát những nội dung, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực hỗ trợ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND trong công tác giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đoàn giám sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh thường xuyên có giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương bảo đảm các điều kiện kinh phí cho hoạt động giám sát theo quy định. 

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát -0
 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo các Bộ, Nghành dự hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Tại hội nghị sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, bao gồm các cơ quan báo chí của Quốc hội và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia sâu rộng vào quá trình giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “báo chí là kênh rất có giá trị, một mặt cung cấp thông tin, truyền thông về hoạt động giám sát nhưng mặt khác cũng cung cấp, phản ánh thông tin về những nơi, những địa điểm mà các đoàn giám sát có thể phải có tổ chức giám sát trực tiếp ngoài giám sát tổng hợp”.

Tại hội nghị sáng nay có 14 ý kiến tham luận và phát biểu ý kiến, trong đó, có ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành… 

Tham gia phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh kiến nghị cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ thực hiện các kiến nghị giám sát. 

Đại biểu kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, làm rõ phạm vi, đối tượng giám sát tối cao, tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác “hậu giám sát” với 2 nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Quốc hội và HĐND các cấp thông qua hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động giám sát chuyên đề.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan tiếp thu tổng hợp đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện các kế hoạch, các chương trình, công tác.