PHÓ BẢNG NGUYỄN XUÂN ĐÀM - MỘT SĨ PHU TIẾN BỘ, NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC
***

Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm là một trong ba người quê Can Lộc đỗ tiến sĩ của khoa thi cuối cùng vào năm 1919. Sau khi thi đậu, ông được bổ làm trợ giảng Quốc tử giám, sau đó ông được vua triệu vào làm Ngự tiền văn phòng, và được thăng đến chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Trong một số tư liệu của người Pháp và người Việt thì có ghi học vấn của ông là Tú tài và Giáo sư. Đây có thể coi là vị Giáo sư đầu tiên của đất Can Lộc.

Sáng 10/3, Ủy ban nhân dân xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khánh thành Nhà thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Xuân Đàm tại thôn Quần Ngọc.

Lễ rước Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm sang khu Nhà thờ mới.

Lễ rước Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm sang khu Nhà thờ mới.

Vào khoa thi Hội cuối cùng của triều Nguyễn (1919), trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” Thiên Lộc - Can Lộc xuất hiện một vị đại khoa: Tiến sĩ Ất bảng Nguyễn Xuân Đàm. Ông có tên hiệu là Tùng Lâm, sinh năm Kỷ Sửu (1889), quê ở làng Quần Ngọc, xã Đông Lâm, nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi thi đậu, ông được bổ làm trợ giảng Quốc tử giám một thời gian; sau đó lại ra làm Tri phủ các phủ: Đông Sơn (Thanh Hóa), Tam Kỳ, Thăng Bình (Quảng Nam),… trải qua 4 lần cải nhậm. Sang đời Bảo Đại, ông được vua triệu vào làm Ngự tiền văn phòng, sau được thăng đến chức Hữu Tham tri bộ Lễ.

Ban thờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm.

Ban thờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm.

Do chán ghét cảnh làm quan bù nhìn và bất bình với thực dân Pháp nên đến năm 1943, lúc mới 54 tuổi, ông đã xin về quê trí sĩ. Lúc về hưu, ông được vua ban cho một tấm biển với mặt trước khắc 4 chữ "Đại khoa xuất thân", mặt sau khắc 4 chữ "Nhị phẩm triều đình".

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp theo là toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Xuân Đàm hăng hái tham gia các công tác cứu quốc, được cử làm Chủ tịch Hội binh sĩ bị nạn huyện Can Lộc (1948); sau đó, ông tiếp tục được đề cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Can Lộc và là Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Hà Tĩnh. Ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Tỵ (19-3-1953), ông từ trần tại quê nhà, hưởng thọ 65 tuổi.

Ngày 5/4/2014 (tức ngày 6 tháng 3 năm Giáp Ngọ), tỉnh Hà Tĩnh đã trao chứng nhận cho Chính quyền xã Khánh Lộc (nay là Khánh Vĩnh Yên), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, công nhận Nhà thờ Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm tọa tại làng Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 17/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HDND về việc đặt tên đường Nguyễn Xuân Đàm tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, đường Nguyễn Xuân Đàm có chiều dài 1km, rộng 7m, từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quốc lộ 1A hướng Tây) cổng chào đến ngã ba đường Tổ dân phố Hồng Quang.

Năm 2023, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc biên soạn, đánh giá công trạng các vị Đại khoa của Hà Tĩnh qua các triều đại lịch sử. 148 vị Đại khoa được lựa chọn đã được khắc tên lên bia đá tại Văn bia di tích Văn Miếu Hà Tĩnh, trong đó có Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm.

***

Sinh thời, Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm trước tác thơ văn khá nhiều nhưng trải qua các biến cố của lịch sử, hầu hết thất lạc. Đến nay, con cháu ông còn sưu tầm được một số, gồm: 8 bài thơ (4 bài chữ Hán, 4 bài chữ Nôm) làm theo thể thất ngôn bát cú luật Đường, 5 câu đối chữ Hán, một bài văn bia làng Quần Ngọc và một bài văn mừng thọ cha mẹ (đều bằng chữ Hán).

Qua những tác phẩm văn chương còn lại của Nguyễn Xuân Đàm, chúng ta có thể hình dung được học vấn, tâm hồn, tính cách của một bậc sĩ phu đáng kính.

Trước hết, Nguyễn Xuân Đàm là người rất hiếu học và luôn có một ý chí, niềm tin về sự thành đạt trong học hành, khoa cử. Ông đã thể hiện điều đó trong câu đối khuyến học như sau:

Học hải vô nhai cần thị ngạn
Thanh vân hữu lộ chí vi thê

(Biển học vô bờ siêng thấy bến,
Đường mây có lối, chí lần thang)
Phạm Quang Ái dịch

Ông là người rất yêu quê hương, luôn tự hào về cảnh sắc và truyền thống văn hiến của quê hương, làng xóm. Trong câu đối, văn bia đề ở các đình, đền quê nhà, ông đã bộc lộ rất rõ tình cảm đó của mình. Câu đối đề đình làng Quần Ngọc:

Địa hữu Đông Lâm, nam tốn sơn lai trì án nội
Thiên thành cảnh thú, tây kiều thủy tụ đáo đình tiền

(Đất có Đông Lâm, núi tự đông nam về trong án
Trời cho cảnh đẹp, cầu tây nước tụ tới trước sân)  
Phạm Quang Ái dịch

                              

Mặt trước nhà thờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm.

Toàn cảnh thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc hôm nay.

Câu đối đề thượng điện làng Lương Hội:

Thượng đẳng cổn hoa phong, Đông Lâm nhật chiếu
Ức niên hương hỏa tại, Lương Hội phùng hanh

(Mặt trời rọi Đông Lâm, lễ phục vua ban vào bậc nhất;
Vận sáng về Lương Hội, lửa hương dân thắp suốt ngàn năm)
Phạm Quang Ái dịch      

Thơ Nguyễn Xuân Đàm cũng vậy, thích thảng, tiêu sái và mang đậm tình quê. Một trong những bài thơ còn lại của ông, bài Tâm khoan (Lòng thảnh thơi), đã diễn tả rất hay, rất ấn tượng những nét tâm trạng nói trên của ông:

Lam Hồng, nghìn thuở núi sông;
Là nơi gió mát trăng trong, thanh nhàn.
Thuyền con, bể hoạn sóng tràn;
Ung dung cập bến, bàn hoàn lối quê.
Vườn tùng, bóng cối mải mê;
Đã hơn Vương Đẩu, so tề Khổng Nhan.
Thảnh thơi, trung hiếu vẹn tròn;
Gương già: đầu bạc, xuân còn dài lâu.
(Phạm Quang Ái dịch từ nguyên tác)

Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm được khắc tên trên Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm được khắc tên trên Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

Trong bài thơ Phong cao (Gió lộng), ông bộc bạch thẳng tâm trạng chán cảnh luồn cúi và mong muốn hướng về cuộc sống trí sĩ thích thảng, tiêu sái:

Gió lộng thành xưa, cỏ núi mờ,
Nhàn chi? Luồn cúi với chào thưa.
Nghìn trùng trời bắc, hồng mê mỏi,
Một khoảng non tây, nguyệt hững hờ.
Gác Lỗ Nhan, vui chầu tám tiết,
Hội Tư văn, ngâm ngợi tư mùa.
Yên hà một gối, thương nơi cũ,
Khúc gió xuân, vui sướng có thừa.
(Phạm Quang Ái dịch từ nguyên tác)

  

Item 1 of 5

Bia đá phục dựng nội dung vinh danh Nguyễn Xuân Đàm của vua Khải Định.

Bia đá phục dựng nội dung vinh danh Nguyễn Xuân Đàm của vua Khải Định.

Bia đá đề danh Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm tại Văn miếu Hà Tĩnh.

Bia đá đề danh Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm tại Văn miếu Hà Tĩnh.

Bia đá tại đình làng Quần Ngọc do Nguyễn Xuân Đàm soạn bằng chữ Hán (Nguyễn Xuân Dinh dịch).

Bia đá tại đình làng Quần Ngọc do Nguyễn Xuân Đàm soạn bằng chữ Hán (Nguyễn Xuân Dinh dịch).

Con cháu của Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm chụp ảnh kỷ niệm trên con đường mang tên ông tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Con cháu của Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm chụp ảnh kỷ niệm trên con đường mang tên ông tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Cổng làng Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Cổng làng Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Dẫu là hoa trái cuối mùa của vườn cũ Nho gia, nhưng do hấp thụ được những tinh hoa của truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc cùng với những gì tốt đẹp nhất trong chữ nghĩa thánh hiền, Nguyễn Xuân Đàm xứng đáng đứng vào hàng ngũ sĩ phu yêu nước, tiến bộ lúc bấy giờ; xứng đáng để các thế hệ hôm nay tôn vinh và học tập.

Năm 2014, Nhà thờ Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2021, một con đường tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được mang tên ông.

Cụ Nguyễn Xuân Đàm là một trong ba người quê Can Lộc đỗ tiến sĩ của khoa thi cuối cùng vào năm 1919. Cụ là người con duy nhất của vùng đất Quần Ngọc, Khánh Lộc nay là xã Khánh Vĩnh Yên đỗ phó bảng. Trong một số tư liệu của người Pháp và người Việt thì có ghi học vấn của cụ là Tú tài và Giáo sư. Đây có thể coi là vị Giáo sư đầu tiên của đất Can Lộc.

---Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lĩnh--

Tại Lễ khánh thành Nhà thờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh cho biết:

“Cụ Nguyễn Xuân Đàm là một trong ba cử nhân đỗ tiến sĩ của khoa thi cuối cùng vào năm 1919. Cụ Nguyễn Xuân Đàm là người con duy nhất của vùng đất Quần Ngọc, Khánh Lộc nay là xã Khánh Vĩnh Yên đỗ phó bảng. Đây là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt. Trong một số tư liệu của người Pháp và người Việt thì có ghi học vấn của cụ là Tú tài và Giáo sư. Đây có thể coi là vị Giáo sư đầu tiên của đất Can Lộc.

Sau khi đỗ đạt, cụ Nguyễn Xuân Đàm trải qua rất nhiều chức vụ được triều đình giao, đặc biệt có những chức vụ như là trợ giảng của Quốc Tử Giám. Sau đó, cụ được vua triệu vào làm Ngự tiền văn phòng - một chức vụ rất quan trọng của Triều Nguyễn. Sau khi cách mạng thành công, cụ Nguyễn Xuân Đàm cũng là một trong những người đi theo cách mạng từ sớm và đã có rất nhiều cống hiến cho cách mạng của Hà Tĩnh.

Hiện nay trên địa bàn, các di tích danh nhân được phát huy khá tốt. Đặc biệt trên địa bàn xã Khánh Vĩnh Yên, di tích về cụ Nguyễn Xuân Đàm đã được địa phương bảo tồn, phát huy rất tốt. Hằng năm công tác tôn tạo, tế lễ đều được thực hiện quy củ, bài bản.

Hôm nay địa phương đã có một nơi thờ tự cụ Nguyễn Xuân Đàm khang trang thì chúng tôi cũng mong rằng trong thời gian tới, được địa phương sẽ tiếp tục phát huy, tổ chức các hoạt động vinh danh học sinh học giỏi, các hoạt động khuyến học, khuyến tài tại đây để phát huy truyền thống học hành và đặc biệt là tinh thần hiếu học của cụ Nguyễn Xuân Đàm để rồi xây dựng xã Khánh Vĩnh Yên ngày càng phát triển”.  

Đại diện dòng họ Nguyễn Xuân đã trao các phần quà cho các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại diện dòng họ Nguyễn Xuân đã trao các phần quà cho các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Lễ khánh thành, đại diện dòng họ Nguyễn Xuân đã trao các phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Item 1 of 3

Các con cháu thắp hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm bên trong Nhà thờ.

Các con cháu thắp hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm bên trong Nhà thờ.

Toàn cảnh khu Nhà nhờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm.

Toàn cảnh khu Nhà nhờ Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm.

Con cháu Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm chụp ảnh lưu niệm trước Nhà thờ.

Con cháu Danh nhân Nguyễn Xuân Đàm chụp ảnh lưu niệm trước Nhà thờ.

Xuất bản: 10/3/2024
Tổ chức thực hiện: Nguyễn Xuân Bách
Nội dung: Phạm Quang Ái
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh, video: Trung Hiếu, Huy Nguyễn, Hà Nam