Phát triển giao thông công cộng nhanh sức chở lớn

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (mô hình TOD) là một trong những tiêu chí thúc đẩy phát triển đô thị bền vững mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến, nhằm giải quyết bài toán giao thông công cộng đi đôi với hạn chế phương tiện cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên trước khi đưa vào vận hành cần bảo đảm đầy đủ việc kết nối với phương tiện giao thông công cộng khác và các điều kiện tiếp cận nhà ga.
Tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên trước khi đưa vào vận hành cần bảo đảm đầy đủ việc kết nối với phương tiện giao thông công cộng khác và các điều kiện tiếp cận nhà ga.

Một trong những loại hình TOD được Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu thực hiện là đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (Metro). Trong đó, tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, từ quận 1 đi thành phố Thủ Đức có chiều dài 19,7km đang được dốc sức thi công để có thể đưa vào khai thác vận hành trong năm 2023, sau hơn 10 năm xây dựng. Với năng lực chuyên chở khoảng 930 hành khách/đoàn tàu, mỗi ngày chạy 300 chuyến tàu, khi đưa vào khai thác vận hành tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên có thể chuyên chở 290.000 hành khách/ngày.

Tuyến Metro này được kỳ vọng giải quyết tình hình giao thông đi lại ở khu vực thành phố Thủ Đức, nơi có số lượng dân cư đông nhất thành phố. Cùng với tuyến Metro số 1, dự án tuyến Metro số 2 Bến Thành-Tham Lương với chiều dài hơn 11km đi từ trung tâm quận 1 đến quận 12 hiện đạt 90% tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ được thành phố khởi công sau năm 2024. Nếu tuyến Metro này đưa vào vận hành cũng giải quyết chuyên chở một khối lượng lớn hành khách đi lại ở khu vực phía bắc thành phố tương đương với tuyến Metro số 1.

TS Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức nhận định: Các tuyến giao thông công cộng sức chở lớn như Metro 1, Metro 2 và xe buýt nhanh-BRT1 đang được thiết kế, thi công. Tuy nhiên, quá trình xây dựng các tuyến Metro và xe buýt nhanh diễn ra chậm so với kế hoạch, khiến cơ sở hạ tầng và dịch vụ vận tải hành khách công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của hơn 10 triệu người dân thành phố. Để hướng tới Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố xanh, đáng sống và thông minh, thành phố cần phải đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án đầu tư để hoàn thành mạng lưới đường sắt theo quy hoạch (gồm 8 tuyến Metro).

Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, đề xuất chiến lược và giải pháp để giải quyết và thực hiện đối với chính quyền thành phố. Theo nhóm nghiên cứu về mô hình TOD của Trường đại học Việt Đức, kinh nghiệm của các thành phố lớn trên thế giới, phát triển đô thị theo định hướng TOD là một chiến lược phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống vận tải hành khách công cộng nhanh sức chở lớn.

Để triển khai các dự án TOD, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà tư vấn, Nhà nước (cơ quan lập quy hoạch) và nhà đầu tư. Nhà tư vấn cần đưa ra tầm nhìn và chiến lược phát triển thành phố phù hợp với các chính sách và công cụ quản lý hiện hữu có thể điều chỉnh, nhà tư vấn cũng cần khuyến nghị chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp. Nhà nước trong quá trình lập quy hoạch phát triển thành phố cần bảo đảm các nguyên tắc mô hình TOD, bảo đảm các cơ hội tạo ra và nắm bắt giá trị gia tăng từ đất đai và bất động sản nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các dự án phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh đang cấp bách hoàn thiện dự án tuyến Metro số 1 để có thể sớm đưa vào khai thác vận hành. Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay là quy hoạch Metro chưa gắn kết với quy hoạch đô thị mà hạn chế này không được khắc phục ngay từ bây giờ thì công suất chuyên chở sau này sẽ rất thấp.

Vì vậy, thành phố cần bắt tay xây dựng mạng lưới giao thông kết nối dọc hành lang tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên để gom khách như xe buýt chạy song hành, buýt gom, buýt nhanh. Theo đó, chung quanh các nhà ga Metro cần có bãi đỗ xe/nhà xe để hành khách gửi phương tiện cá nhân trước khi lên Metro. Một điểm hạn chế cũng được Kiến trúc sư Nam Sơn phân tích, đó là vị trí các ga Metro của tuyến Metro số 1 còn nằm cách xa khu dân cư.

Trong đó, bán kính từ các trạm Metro đến khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ phải bảo đảm cự ly 800m để người dân có thể tiếp cận các địa điểm này. Do đó, thành phố phải sớm quy hoạch những cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại, trường học, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở y tế… gần các nhà ga để bảo đảm việc tiếp cận Metro của hành khách được dễ dàng hơn, tiện ích hơn; đồng thời, cần thiết lập các tuyến xe buýt nhanh kết nối vào tuyến Metro số 1 để đưa hành khách từ các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh. Một khi những điểm hạn chế này được giải quyết thì tuyến Metro số 1 nói chung và những tuyến Metro đang được thành phố đầu tư, kêu gọi vốn mới có thể phát huy được tiêu chí lấp đầy sản lượng hành khách.

Đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển đô thị theo định hướng TOD là mô hình phát triển không gian đô thị, giao thông đô thị và kinh tế đô thị một cách toàn diện.

Việc giải quyết bài toán nhiều khía cạnh này đòi hỏi một cách tiếp cận và chiến lược đa ngành, từ quy hoạch đô thị với các công trình chức năng phức hợp mật độ cao, tổ chức các đầu mối giao thông và giao thông trung chuyển, bến bãi đỗ xe… đến định hướng và chính sách phát triển không gian kinh tế dịch vụ ở các khu đầu mối TOD ■