PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN

hướng đi hiệu quả
 nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới


Trong xu thế du lịch hiện đại, nhu cầu tìm một không gian thanh tĩnh để thư giãn, trải nghiệm ngày càng tăng cao thì phát triển du lịch nông thôn là cách làm phù hợp. Xã hội càng hiện đại thì con người càng có nhu cầu sống gần gũi, giao hòa với thiên nhiên. Chính vì vậy, những năm gần đây du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn liền với nông thôn bắt đầu “soán ngôi” các loại hình du lịch khác. Việc đánh thức tiềm năng du lịch nông thôn đang là hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới.

Thái Nguyên là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng trung du miền núi phía bắc của Tổ quốc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với trên 800 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, 238 làng nghề truyền thống (trong đó có trên 200 làng nghề chè truyền thống nổi tiếng) đã tạo cho Thái Nguyên tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, sản phẩm dịch vụ du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp, văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc.

Là vùng sản xuất chè lớn thứ hai trong cả nước (có tứ đại danh trà: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài), có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như: măng khô, miến, gạo bao thai Định Hóa; gạo nếp vải Phú Lương; gạo nếp thầu dầu và “tương Úc Kỳ” Phú Bình; diện tích rừng lớn và lưu giữ nhiều loại cây quý với thảm thực vật và các loại thảo dược rất phong phú... nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp.

Sản xuất chè tại HTX Tân Cương Hảo Đạt (Thái Nguyên).

Sản xuất chè tại HTX Tân Cương Hảo Đạt (Thái Nguyên).

Tuy nhiên, Thái Nguyên chưa phát huy được lợi thế và thiếu hấp dẫn với du khách vì sản phẩm du lịch nghèo nàn. Một số điểm du lịch nổi tiếng hiện nay đã bị bê-tông hóa dẫn đến khó có thể thu hút thêm được khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự được gắn với các khu du lịch. Du lịch nông nghiệp mới hình thành, chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Trong đó, còn nhiều hạn chế như:

- Thái Nguyên mới chỉ là “điểm đến” chưa thực sự là “điểm dừng” của du khách; lượng khách đến Thái Nguyên chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chiếm tỷ lệ thấp; sự phối hợp, liên kết du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, chưa hiệu quả; doanh thu từ du lịch còn thấp so với sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

- Nhiều nơi chưa có khái niệm về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chưa “nghĩ” đến phát triển “du lịch nông thôn” là giải pháp rất hiệu quả để thu hút tài chính, để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

- Công tác quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp chưa gắn với du lịch nông nghiệp, chưa được đề cập trực tiếp trong các kế hoạch phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp.

- Chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nội dung hoạt động chuẩn xác để từ đó không lúng túng trong quản lý, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.

- Đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên, người dân các vùng quê nơi đón du khách chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật của địa phương.

- Thời tiết ngày càng cực đoan, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, kinh tế khó khăn làm giảm số lượng du khách. Việc tiếp thị và quảng cáo cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cơ quan truyền thông nhà nước.

- Cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp; thiếu các hoạt động mang tính chất kiến tạo cho sự phát triển và liên kết hiệu quả giữa các nhà doanh nghiệp, nhà nước và nông dân… tạo ra tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch  tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch  tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Để từng bước khắc phục hạn chế, bất cập, nhằm phát triển du lịch. Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, qua đó đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai như: Công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời thảo luận,  góp ý vào dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, dự thảo Quy định cụ thể về mức hỗ trợ, phương thức thực hiện hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022-2025 và xác định phát triển du lịch trở thành  một ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 8/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Hướng đi phù hợp là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hướng đi phù hợp là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang gặp rất nhiều trở ngại trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế kém phát triển, nhận thức của người dân còn hạn chế, tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chậm so với các khu vực kinh tế khác.

Trong khi đó, các xã này có nhiều lợi thế mà nếu biết phát huy sẽ tạo chuyển biến căn bản để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Hướng đi phù hợp là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quảng bá được các giá trị tự nhiên cũng như giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tài nguyên văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên bản địa, giúp người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của địa phương mình một cách bền vững, góp thêm nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Item 1 of 1

Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thông thôn mới kiểu mẫu, xóm nông thôn mới kiểu mẫu và “Hộ gia đình nông thôn mới” (Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 15/5/2017) và đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp theo các tiêu chí quy định của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị nên việc gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp đã tạo động lực mạnh mẽ để người dân chủ động, tham gia và biến những lợi thế khác biệt về cảnh quan, truyền thống văn hóa, sản vật của quê hương mình để thu hút khách thăm quan du lịch, trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ mà người dân tạo ra.

Không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của hợp tác xã chè Hảo Đạt(xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên)

Không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của hợp tác xã chè Hảo Đạt(xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên)

Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 64 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu; 129 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có: 54 sản phẩm 3 sao, 73 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm 5 sao; 1 sản phẩm dịch vụ du lịch), hình thành trên 100 khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh.

Một số nơi đã hình thành các khu, điểm thăm quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút hàng chục nghìn lượt khách ghé thăm, như: Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải (sản phẩm đạt OCOP 4 sao), Không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên), hợp tác xã chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ), hợp tác xã du lịch cộng đồng hồ Ghềnh chè (xã Bình Sơn, thành phố Sông Công), Điểm du lịch Thác Ngao của hợp tác xã Quân Chu (xã Quân Chu, huyện Đại Từ), Điểm du lịch Bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa), Điểm du lịch các xóm: Khuôn Tát, Phú Ninh (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Điểm du lịch Bản Tèn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ), Điểm du lịch thác bẩy tầng xóm Khe Cạn (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ), Điểm du lịch xóm Phượng Hoàng (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai)...

Vẻ đẹp tự nhiên của Thác bẩy tầng (xóm Khe Cạn, xã Cây Thị,huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Vẻ đẹp tự nhiên của Thác bẩy tầng (xóm Khe Cạn, xã Cây Thị,huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Đây chính là khởi điểm để Thái Nguyên thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện những giải pháp sau:

- Một là, hoàn thiện việc quy hoạch và quản lý nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp cho từng địa phương. Bố trí nguồn vốn đối ứng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện các mô hình thí điểm về du lịch nông thôn.

- Hai là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ các loại hình du lịch gắn với kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương. Phục dựng các làng nghề truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoạt động giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ khách thăm quan trải nghiệm tạikhu Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên)

Hoạt động giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ khách thăm quan trải nghiệm tạikhu Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên)

- Ba là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch; tăng cường tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.

- Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức thực hiện: Quốc Việt
Nội dung: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên
Trình bày: Bảo Minh