Phát huy vai trò người đứng đầu ở Nghệ An

Bí thư Thành ủy TP Vinh Phan Ðức Ðồng cho biết: Ðại hội Ðảng bộ thành phố Vinh, khóa 24 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định các mũi đột phá là xây dựng đô thị thông minh; cải tạo, chỉnh trang đô thị… Ngay sau đại hội Ðảng bộ, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn với huy động nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Nhờ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng mà tiến độ thi công quốc lộ ven biển đoạn qua Nghệ An được bảo đảm.
Nhờ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng mà tiến độ thi công quốc lộ ven biển đoạn qua Nghệ An được bảo đảm.

Lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo đôn đốc, giám sát công việc quyết liệt, yêu cầu cấp dưới thực hiện đến cùng. Nhờ thế, đến nay nhiều tuyến đường ở TP Vinh đã, đang được chỉnh trang theo hướng hiện đại, bảo đảm thẩm mỹ.

Ðể triển khai đô thị thông minh, TP Vinh học hỏi kinh nghiệm của một số đô thị ở trong nước. Thành phố đưa vào hoạt động Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh IOC, triển khai đồng thời chín dịch vụ giám sát đô thị thông minh. Trước mắt, ưu tiên giám sát các lĩnh vực giao thông, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường...; bước đầu đã cho kết quả khả quan. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng luôn được địa phương quan tâm. Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án quan trọng của thành phố và của tỉnh như dự án mở rộng Khu công nghiệp VSIP, đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường Lý Thường Kiệt, đường Lê Mao kéo dài… Ở các huyện sáp nhập vào TP Vinh đang "nóng" việc cấp đổi "sổ đỏ". Bí thư Thành ủy đã giao UBND thành phố tập trung giải quyết nhanh chóng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Trung tâm cấp quyền sử dụng đất cùng Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố đã cử đội công tác xuống cơ sở làm cả ngày thứ bảy và ngoài giờ.

Diện mạo ở huyện Nghi Lộc thay đổi khá nhanh nhờ có hàng loạt công trình, dự án lớn được triển khai, nhưng cũng vì thế mà tạo ra sức ép lớn đối với lãnh đạo huyện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Phát huy vai trò người đứng đầu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảm nhận những việc khó nhất như bảo đảm an ninh tôn giáo, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại với các hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường… Sự vào cuộc trách nhiệm của các cán bộ chủ chốt Huyện ủy, UBND huyện giúp tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện chuyển biến tích cực hơn.

Qua thực tiễn cho thấy, nơi nào phát huy được vai trò của người đứng đầu gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nơi đó có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong mọi hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ở huyện miền núi rẻo cao 30a Kỳ Sơn, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe với vai trò "đầu tàu" cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức Ðảng và đảng viên hành động thiết thực giúp đỡ hộ nghèo sớm thoát nghèo; trong đó tập trung vào xã Hữu Kiệm để xây dựng nông thôn mới (NTM). Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua bằng Chỉ thị 17: "Ðảng viên giúp đỡ hộ nghèo", và phát động phong trào "các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ hộ nghèo". Chỉ tính riêng ở xã Hữu Kiệm, thông qua đóng góp tự nguyện của cán bộ, công/viên chức các cơ quan đã tặng hàng chục con bò giống cho các hộ nghèo. Phát huy tính gương mẫu, mỗi đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đã hỗ trợ một con bò giống, trị giá 15 triệu đồng/con. Ngoài việc góp tiền mua bò, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe còn vận động các cá nhân, doanh nghiệp ở ngoài địa bàn hỗ trợ cho người dân hơn 10 con bò giống... Hữu Kiệm - xã 135 đầu tiên của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn đã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Hữu Kiệm còn giúp Kỳ Sơn - huyện cuối cùng của Nghệ An có xã đầu tiên về đích NTM.

Cũng như Kỳ Sơn, nhiều địa phương ở Nghệ An đã có cách làm sáng tạo, đổi mới trong xây dựng huyện NTM, xã NTM; và các thôn, bản NTM ở địa bàn miền núi, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 68,37% số xã đạt chuẩn NTM, có 6 trong số 21 huyện, thành phố, thị xã chiếm 28,57% về đích huyện NTM.

Tại các cuộc họp định kỳ hằng tháng của UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ðức Trung đều yêu cầu các thành viên ủy ban, lãnh đạo các sở, ngành tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… ở ngay tại công sở của mình. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên làm việc với từng sở, địa phương liên quan để tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc. Ðiều này đã góp phần cho môi trường đầu tư ở Nghệ An dần được cải thiện. Chỉ số CPI tăng dần từng năm, đứng vào tốp đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Một trong những điểm sáng của tỉnh chính là kết quả xúc tiến, thu hút đầu tư.  Tính đến giữa năm 2021, Nghệ An đã thu hút được 253 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 69.907 tỷ đồng (tương đương hơn ba tỷ USD) trong đó có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1,09 tỷ USD...

Thực hiện Quy định số 11 ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, hằng tháng, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trì phiên tiếp công dân vào ngày mồng 5 hằng tháng, chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc được dư luận đồng tình. Các phiên tiếp công dân được tổ chức định kỳ đồng loạt ở cấp huyện và các xã đã hỗ trợ tích cực cho việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đang tập trung xử lý những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có sai phạm, cửa quyền, lộng quyền, lạm quyền.