Phát huy nguồn lực từ kiều bào hồi hương

Kiều bào hồi hương đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; góp phần cùng đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng...
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến các loại gia vị Việt Nam tại Công ty Dh Foods.
Chế biến các loại gia vị Việt Nam tại Công ty Dh Foods.

Nhiều năm sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản Lê Ngọc Lâm (kiều bào Nhật Bản) vẫn đau đáu nỗi niềm hướng về quê hương. Năm 2006, ông Lâm quyết định hồi hương về Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, kiều bào hồi hương là những người sống đủ lâu ở Việt Nam để hiểu về kinh tế, xã hội, pháp luật trong nước cũng như có nhiều năm kinh nghiệm cùng mối quan hệ sâu rộng ở nước sở tại. Họ sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp có điểm tựa xuất khẩu ở nước ngoài.

"Thân nhân, kiều bào hồi hương là cầu nối rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi qua họ, doanh nghiệp sẽ kết nối được với các Việt kiều đang ở nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn bán hàng ra nước ngoài thuận lợi và mở rộng thị trường rất cần có điểm tựa ở nước ngoài. Ðó là những người đang sống, làm việc ở nước sở tại, hiểu được nhu cầu của người dân tại chỗ. Muốn kết nối với Việt kiều phải tiếp cận với những kiều bào hồi hương đang có con, cháu ở nước ngoài để được hỗ trợ. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ để Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có thể kết nối, xuất khẩu hàng hóa, lao động ra nước ngoài", ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ.

Nhà sáng lập thương hiệu Dh Foods Nguyễn Trung Dũng (kiều bào Ba Lan) bộc bạch, nếu không "duyên nợ" với gia vị Việt, có lẽ ông đã không trở về quê hương để khởi nghiệp ở cái tuổi ngấp nghé 50. "Trong những chuyến công tác từ bắc đến nam, đến đâu tôi cũng lân la tìm hiểu gia vị của vùng đó. Tôi ngộ ra, vùng nào cũng có các gia vị đặc sản nhưng đa số chỉ dừng ở mức kinh doanh nhỏ lẻ. Ðó là lý do tôi quyết định khởi nghiệp để đưa gia vị đến gần hơn với người Việt và chinh phục thị trường thế giới", ông Nguyễn Trung Dũng trải lòng.

Tháng 5/2013, ông Nguyễn Trung Dũng cho ra mắt ba sản phẩm muối chấm Tây Ninh kèm hai sản phẩm bột nêm thịt, bột nêm tôm và rau củ với công thức phối trộn hoàn toàn dựa trên nguyên liệu tự nhiên. Ðây là những bước đi đầu tiên mở ra hành trình chinh phục thị trường trong nước và đưa gia vị Việt vươn tầm thế giới. Hiện, danh mục gia vị của Dh Foods đã có hơn 150 sản phẩm không chỉ hiện diện ở hầu hết các siêu thị tại Việt Nam mà còn xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Mỹ, Anh, Ðức, Nga…

Bà Ðinh Kim Nguyệt (kiều bào Canada) nhìn nhận, người Việt Nam định cư tại nước ngoài có vai trò rất lớn trong kết nối quan hệ hai nước. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến nhiều kiều bào e ngại khi trở về quê hương sinh sống, làm việc là vấn đề đăng ký thường trú. Theo bà Nguyệt, nhiều người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã lâu nên không hiểu rõ luật pháp Việt Nam. Hiện, bà đang làm công việc hỗ trợ, giúp đỡ kiều bào tại Canada hiểu về luật pháp, chính sách thuế của Việt Nam; giúp kiều bào liên lạc với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài để họ tìm hiểu thêm về vấn đề này…

Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới về đầu tư, kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố. Ðến nay, đã có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu. Từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022, có hơn 400 trường hợp đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú, tức là xin được hồi hương, trong đó đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thành Chất khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục cố gắng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ kiều bào trong việc xử lý các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Ðồn Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh và đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố; mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình giải quyết một số thủ tục hành chính về quản lý xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào và thân nhân tiến hành các thủ tục theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về làm thủ tục đăng ký thường trú trở về quê hương sinh sống.