Thông tin tuyên truyền

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Một trong những mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) là đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế. Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM và đang tích cực triển khai thỏa thuận này.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM diễn ra ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM diễn ra ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội.

Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và người di cư (gọi tắt là Tuyên bố New York) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 19/9/2016. Thỏa thuận GCM được thông qua tại Hội nghị liên chính phủ về di cư vào ngày 10/12/2018 tại Morocco và sau đó được chính thức thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 ngày 19/12/2018 với 152 nước tán thành.

Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc.

Ngày 14/1/2021 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ra quyết định số 61/QĐ-BNG về việc thành lập Nhóm công tác liên ngành triển khai thỏa thuận GCM. Theo số liệu của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trong năm 2021, đã có 49 tỉnh và 5 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn chuyển tuyến liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân. Bộ Công an cũng tổ chức các hội thảo xác định ưu tiên chiến lược trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.

Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM trong gần 2 năm qua, tại Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM diễn ra ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định các bộ, cơ quan, địa phương cơ bản đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện trên cơ sở kế hoạch riêng của mình dù còn nhiều khó khăn về điều kiện và nguồn lực, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu tổng thể của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM. 

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự -0
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế, phát biểu tại Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM diễn ra ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội. 

Cũng tại Hội nghị nêu trên, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho rằng dịch bệnh Covid-19 đặt ra khó khăn cho rất nhiều bên liên quan, đặc biệt là đối với người di cư: họ bị mắc kẹt ở nước gốc, nước quá cảnh và nước tiếp nhận, đồng thời cũng là một trong nhóm dễ bị tổn thương, do vậy, các quốc gia cần phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm di cư diễn ra một cách an toàn, hợp pháp và được hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. Bà Park Mi-Hyung đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong quá trình xây dựng, thông qua Thỏa thuận GCM, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.

Tuy vậy, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam được bắt đầu triển khai vào thời điểm hết sức khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát trên toàn thế giới cũng như trong nước, và cho đến nay, sau gần 2 năm, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, tác động trầm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và ảnh hưởng ngay lập tức đến di cư quốc tế. Mặc dù một số quốc gia đã chuyển dịch sang xu thế mở cửa, trong đó có Việt Nam với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhưng, theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, việc thúc đẩy di cư hợp pháp trong tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn là điều không dễ dàng. Trong khi đó, hoạt động di cư qua các kênh không chính thức, đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới vẫn diễn ra dưới các hình thức tinh vi và phức tạp, tạo nhiều thách thức trong công tác quản lý di cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư.

Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền cần được thực hiện có trọng điểm, chiều sâu và rộng rãi tới cấp cơ sở, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả người dân và chính quyền các cấp. Thông qua các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và đổi mới, sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người - 1 trong 4 loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên hợp quốc.