Tổ chức xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động của tòa án

NDO -

Trong định hướng nghiên cứu các vấn đề cốt lõi liên quan đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án đáp ứng yêu cầu các Nghị quyết của Đảng trong tình hình mới, một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu xây dựng tổ chức xét xử trực tuyến phù hợp tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu các tài liệu, chứng cứ trong quá trình xét xử tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu các tài liệu, chứng cứ trong quá trình xét xử tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Khung pháp lý và giải pháp kỹ thuật

Thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai các bước đi quan trọng nhằm xây dựng Tòa án điện tử như một phần cam kết của Tòa án Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN cho đến năm 2025, phù hợp xu thế tất yếu trong thời đại số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với các nền tư pháp văn minh của thế giới. Tòa án nhân dân TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng bước đầu xây dựng Đề án thí điểm xét xử trực tuyến vụ án hình sự.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã và đang có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam. Số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngành Tòa án đã ban hành nhiều chỉ thị và giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoạt động xét xử phù hợp với tình hình giãn cách xã hội kéo dài. Nhu cầu xây dựng mô hình xét xử trực tuyến hiện nay đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Hiện nay, nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, CHLB Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật. Một số ứng dụng nhằm áp dụng hệ thống nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng (eLodgment); hệ thống quản lý án (Federal Law Search); phòng xử án ảo (eCourtroom); xây dựng mô hình và quy trình thực hiện xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó, các phòng  xử mới để ứng dụng công nghệ thông tin cũng được xây dựng ở nhiều quốc gia, sử dụng để xét xử trực tuyến khi được kết nối với mạng nội bộ của Tòa án và mạng internet, tích hợp hệ thống âm thanh, hình ảnh và kết nối với những hệ thống dữ liệu, thông tin của Tòa án. Với sự hỗ trợ của các Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chia sẻ nhiều tài liệu nghiên cứu, mô hình và các giải pháp kỹ thuật phục vụ cho mô hình xét xử trực tuyến.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức tổ chức xét xử trực tuyến. Trong khi đó, với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm nghìn vụ án hằng năm, áp lực về bảo đảm thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn. Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp, sẽ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm nguyên tắc phòng, chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, luật sư và của cả cộng đồng xã hội.

Ứng dụng công nghệ mới trong xét xử

Trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, việc thực hiện xét xử trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích: Không cần trích xuất các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam đến tham gia phiên tòa xét xử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trích xuất, dẫn giải và chi phí cho công tác bảo đảm an ninh tại phiên tòa, bảo đảm thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội nhưng vẫn bảo đảm quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của bị cáo.

Mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự còn ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TANDTC ngày 10/6/2021 của Tòa án nhân dân tối cao.

Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường và xét xử trực tuyến, là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian. Việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính… vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục, trong đó có nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, do đặc điểm phiên tòa xét xử vụ án hình sự trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua một đường truyền viễn thông, nên các yếu tố pháp lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, trình tự tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Chúng tôi kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, cần sớm ban hành Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, trên tinh thần phù hợp Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong đó hướng dẫn cách thức tổ chức và trình tự phiên tòa xét xử trực tuyến đối với một số loại vụ án được lựa chọn, với các phạm vi về tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử trực tuyến, cách thức tống đạt thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục phiên tòa, điều kiện hạ tầng và chất lượng đường truyền, kết nối phần mềm bảo đảm sự có mặt của người tiến hành tố tụng tại đầu cầu trụ sở Tòa án, bị cáo tại cơ sở giam giữ và các đầu nối của người tham gia tố tụng, cách thức tiếp xúc của Luật sư với bị cáo thông qua hệ thống trực tuyến.

Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể về trình tự xét hỏi, cách thức xem xét vật chứng, tài liệu, chứng cứ thông qua màn hình và âm thanh trực tuyến, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống mạng truyền dẫn, bảo mật thông tin ngành Tòa án. Ngành Tòa án cần phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án, thiết lập các tiêu chuẩn của thiết bị kỹ thuật tại các Tòa án, cung cấp phần mềm và dịch vụ lưu trữ cho phiên xử trực tuyến.

Quy chế này cũng cần hướng dẫn bằng phụ lục về chức năng cơ bản trong Zoom như cách thức cài đặt Zoom (Zoom Setting); bật/tắt âm thanh/video, mời người tham gia xét hỏi, xem không gian và những người tham gia phiên tòa, cách thức chia sẻ màn hình và thứ tự tranh luận, tuyên án; ghi âm lại phiên tòa và rời khỏi phòng xử trực tuyến. Ngoài ra, cần quy định về quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án để chuẩn bị cho việc tham dự phiên tòa trực tuyến.