Phiên họp toàn thể lần thứ hai Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

NDO -

Sáng 29/9, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đồng chí Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị cho nội dung kỳ họp thứ hai của Quốc hội sắp tới, trong phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra hai báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Ủy ban cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Pháp luật năm 2021, dự thảo báo cáo kết quả công tác năm 2021 và dự kiến chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban; xem xét, thông qua chương trình giám sát của Ủy ban năm 2022.

Trình bày báo cáo, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo và các bộ trưởng đã thường xuyên quán triệt, đôn đốc công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; đồng thời, rà soát, đề xuất giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, gây khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được quan tâm. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua các đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện pháp luật về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Về kết quả tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Bộ tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể đều ban hành kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong chương trình, kế hoạch công tác năm. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”; chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức như thực hiện phổ biến qua fanpage, zalo, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 94/102 văn bản. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục Luật định.

Đa số đại biểu cho rằng, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả, nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời; việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương. Tình trạng pháp luật không được thực thi đầy đủ, nghiêm túc xảy ra ở một số lĩnh vực, như: quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư công… Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết chưa tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật….

Nhằm khắc phục, hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đề xuất giải pháp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật…