Chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Ðể chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa bão năm 2021, Thủy đoàn I (Cục Cảnh sát giao thông) đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy.

Trung úy Nguyễn Việt Hoàng, cán bộ Thủy đoàn 1, Cục CSGT hỗ trợ cứu người dân bị lũ chia cắt tại Hà Tĩnh năm 2020.
Trung úy Nguyễn Việt Hoàng, cán bộ Thủy đoàn 1, Cục CSGT hỗ trợ cứu người dân bị lũ chia cắt tại Hà Tĩnh năm 2020.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, mùa mưa bão năm nay sẽ khó lường, thời tiết cực đoan, trong khi đó dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong thời điểm mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có xoáy nước, phức tạp về luồng lạch, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Tránh kịch bản bão lũ năm 2020 có thể sẽ lặp lại, ngay từ đầu năm 2021, Thủy đoàn I chủ động nắm tình hình, dự báo, cảnh báo thiên tai, từ đó đã tham mưu cho Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động lực lượng phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm sẵn sàng trong mọi tình huống thiên tai bất ngờ; trực tiếp và sẵn sàng phối hợp Công an một số địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường tuyên truyền thông qua công tác thanh tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường thủy nội địa trên các tuyến được giao trong các đợt cao điểm, 6 tháng đầu năm 2021, Thủy đoàn I đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nhất là các quy định cũng như kinh nghiệm phòng, chống, ứng phó với bão, lũ, thiên tai cho hơn 11 nghìn lượt người trên các phương tiện tham gia giao thông, cá nhân thuộc các cơ quan, doanh nghiệp vận tải đường thủy, người dân làm ăn, sinh sống dọc ven sông trên tuyến sông, tuyến ven biển. Ðồng thời, phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trên tuyến, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", "Người đi đò mặc áo phao" trên các tuyến đường thủy nội địa.

Phối hợp thực hiện diễn tập phương án phòng, chống thiên tai, bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức huấn luyện, thực hành điều khiển tàu tuần tra kiểm soát ven biển và xuồng máy cao tốc; tổ chức huấn luyện đi biển trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Ðà Nẵng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng và biện pháp phòng, chống thiên tai bão lũ cho hàng trăm sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với tất cả các chủ phương tiện đường thủy, chủ bến bãi, bến phà, bến đò chở khách ngang sông. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", "Người đi phà, đi đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cá nhân", "Tuyến sông an toàn" , "Cụm xã An toàn", tổ chức trao tặng áo phao, dụng cụ nổi, khẩu trang phòng, chống Covid-19 cho người dân làng chài, các đại diện chủ bến khách, bến phà ngang sông, các tổ chức cá nhân tham gia giao thông thủy tại Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…

Thượng tá Phạm Quang Huy, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn I, Cục CSGT nhấn mạnh: Ðơn vị đã chủ động cập nhật và nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên xuất bến, cập bến ở một số địa phương để kịp thời phối hợp, thông báo và hướng dẫn phòng, tránh an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra. Phối hợp triển khai việc khảo sát, xác định các bến neo đậu an toàn cho tàu thuyền trên địa bàn từng xã, thị trấn, có kế hoạch cụ thể để di chuyển, bố trí tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn và kiểm tra cách thức neo đậu tàu thuyền, lồng, bè cá đúng quy định trước khi bão đổ bộ vào đất liền cho người dân làng chài, không để xảy ra tình trạng bị va đập khi có sóng to, gió lớn. Ðồng thời, chỉ đạo các tổ công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu vận chuyển hành khách, tàu nhà hàng hoạt động trên các tuyến ven biển, đường thủy nội địa đơn vị phụ trách nhằm bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Chủ động bảo đảm lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Trực ban đơn vị nghiêm túc tiếp nhận, xử lý thông tin báo kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin thông suốt cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, bão lũ. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong vùng nước nguy hiểm phù hợp tính chất, mức độ thiệt hại. Ðồng thời, quá trình thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có bão lũ xảy ra.