Thông tin tuyên truyền

Cần nhân lên nhiều “Ngôi nhà bình yên”

Nạn nhân của mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế, có tính đặc thù do phải chịu những tổn thất về cả thể chất lẫn tinh thần, nhiều người không có việc làm, thiếu định hướng trong cuộc sống... Do đó, họ rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách toàn diện, kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng quà trung thu cho các cháu tại "Ngôi nhà bình yên".
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng quà trung thu cho các cháu tại "Ngôi nhà bình yên".

Từ thành công của một mô hình

Mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là mô hình đầu tiên tại Việt Nam dành cho nạn nhân bị mua bán và tới nay đã chứng minh được vai trò tích cực trong việc giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Mô hình ra đời năm 2007 dành cho nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về và được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao cho Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý và vận hành.

Từ mô hình “Ngôi nhà bình yên” đầu tiên, đến nay đã có 2 “Ngôi nhà bình yên” tại Hà Nội (1 dành cho nạn nhân bạo lực giới và 1 cho nạn nhân bị mua bán); 1 “Ngôi nhà bình yên” cho phụ nữ bị bạo lực giới tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua gần 15 năm hoạt động, 3 “Ngôi nhà bình yên” được đặt tại Hà Nội và Cần Thơ đã trở thành địa chỉ tin cậy với những nạn nhân không may mắn của xã hội.

“Ngôi nhà bình yên” đặt ra mục tiêu hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán người, giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ toàn diện hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, kiến thức, kỹ năng và trợ giúp pháp lý theo phương pháp tiếp cận đa ngành, liên tổ chức dựa vào cộng đồng; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp chính sách trong phòng chống bạo lực giới, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội của Việt Nam.

Về hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người, theo thông tin của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tính đến tháng 9/2021, “Ngôi nhà bình yên” đã hỗ trợ 385 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 244 người lớn (63%) và 141 trẻ em (37%). Trong số 385 người được hỗ trợ có 11 người (khoảng 3%) có quốc tịch nước ngoài, còn lại 97% nạn nhân đến từ 49/63 tỉnh thành khác nhau của Việt Nam, thuộc 17/54 dân tộc khác nhau.

Cần nhân lên nhiều “Ngôi nhà bình yên” -0
Trung tâm Phụ nữ và Phát triển hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế cung cấp Gói Hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Mô hình này cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của một số nước trong khu vực và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 12/10 vừa qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ký kết Thỏa thuận về việc triển khai cung cấp Gói hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về tại “Ngôi nhà bình yên”. Những hỗ trợ này của IOM nằm trong dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” với nguồn tài trợ từ Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh. Trong khuôn khổ hợp tác này, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của IOM, sẽ thực hiện hỗ trợ tái hòa nhập trực tiếp cho tối thiểu 48 nạn nhân của nạn mua bán người đã được chính thức xác định bởi Chính phủ Việt Nam hoặc được xác định thông qua quy trình sàng lọc theo tiêu chuẩn của IOM. 

Việc hỗ trợ tái hòa nhập trực tiếp này sẽ giúp các chị em bị mua bán và gia đình họ ổn định, xây dựng lại cuộc sống thông qua được đào tạo các kỹ năng, trang bị các phương tiện để tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, từ đó tăng quyền năng kinh tế. Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ cải thiện khả năng kết nối xã hội, sức khỏe và tâm lý cho các chị em. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ tuân theo phương pháp tiếp cận tổng hợp của IOM trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập và cung cấp các hỗ trợ trên các khía cạnh về kinh tế, tâm lý, xã hội như: học nghề, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ tâm lý, pháp lý...

Cần nhân lên nhiều “Ngôi nhà bình yên”

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, ở nước ta trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. 

Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã rất nỗ lực thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Điển hình như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đường dây nóng 111); Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và hàng nghìn nạn nhân khác đã được chính quyền, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ dịch vụ liên quan, như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh…

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại cộng đồng hiệu quả, đặc biệt là duy trì hoạt động và nâng cấp mô hình “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, kết nối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội trong cả nước để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững và phòng ngừa nguy cơ bị mua bán trở lại.

Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định xây dựng, triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu, thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.