Phân tích cần tránh chủ quan

Nhiều câu chuyện trên thị trường chứng khoán đang đặt ra câu hỏi về tính chuyên nghiệp trong các mô hình dự báo của một số tổ chức. Họ luôn nhấn mạnh là hoạt động chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm nhưng lại cho thấy những dấu hiệu có phần duy ý chí.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi cuối tháng 5, tại đại hội cổ đông của một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất, chủ tịch hội đồng quản trị đã đưa ra nhận định về tình hình khó khăn trong các quý II, III và IV của năm 2022. Thực tế đã diễn ra đúng như dự báo từ người đứng đầu của doanh nghiệp này, chỉ có điều hệ quả lại… vượt cả dự báo. Nửa năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, nhà đầu tư cá nhân mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp kể trên và… thua lỗ, thậm chí có người lỗ rất nặng khi giá cổ phiếu đã lao dốc hơn 65%. Thậm chí khi giá cổ phiếu giảm hơn phân nửa, nhiều người nghĩ là rẻ, mua vào thì lại đón nhận tiếp thông tin doanh nghiệp này thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong quý III.

Nghịch lý ở đây là tình hình khó khăn đã được người của chính doanh nghiệp chia sẻ, thực tế cũng diễn ra như vậy, nhưng lại vẫn xảy ra những hệ lụy đáng tiếc. Chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm đang làm việc tại một công ty chứng khoán lớn lý giải: “Dường như một số cá nhân và đơn vị đã thiếu đi sự thận trọng khi cho rằng, dự báo của lãnh đạo nêu trên là “bi quan thái quá” dẫn đến những đánh giá rằng, doanh nghiệp này chỉ có thể lãi ít, hoặc lỗ nhẹ chứ không đến mức thua lỗ lên đến con số nghìn tỷ đồng như vừa công bố. Nói rõ hơn nữa thì nhiều người tin rằng, với sự lèo lái của ban lãnh đạo doanh nghiệp thì kịch bản xấu sẽ không xảy ra”.

Thêm một thực tế là có một số doanh nghiệp dường như chỉ tìm cách “nắm ý” của các tổ chức hay cổ đông rồi diễn giải sao cho số đông hài lòng thay vì đi vào thực chất hoạt động. Điển hình như trường hợp một doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, rất chịu khó gặp gỡ cổ đông, người đứng đầu doanh nghiệp không ít lần tuyên bố hoành tráng về khả năng của doanh nghiệp. Nhưng qua nhiều năm kết quả hoạt động của họ lại không như vậy. Cuối cùng, doanh nhân này lại tuyên bố sẽ cắt giảm những cửa hàng không đem lại hiệu quả, trái ngược hẳn với tuyên bố mở rộng chuỗi để có nguồn thu.

Cũng phải nói thêm rằng, trong số nhiều chuyên gia hay đơn vị phân tích, chắc hẳn phải có những người nhận ra các vấn đề này, nhưng dường như tâm lý ngại “làm khác số đông” khiến cho rất ít trường hợp có thể mạnh dạn đưa ra những nhận định mang tính khác biệt.

Nói đến đây, sẽ có câu hỏi rằng, nếu những tổ chức hay chuyên gia có phần chuyên nghiệp vẫn có khi cảm tính thì làm sao nhà đầu tư cá nhân có thể tự trang bị cho mình những “bộ lọc” phù hợp để tránh rủi ro. Câu trả lời thật ra không khó khi các công cụ phân tích, số liệu miễn phí được đăng tải trên nhiều kênh thông tin hằng ngày. Vấn đề là mỗi nhà đầu tư cần có kỷ luật trong việc phân tích, nhận định, kiểm nghiệm lại những phán đoán của mình sau khi các sự kiện diễn ra. Từ đây, nhà đầu tư sẽ có thêm kinh nghiệm, sự quyết đoán để có thể quản trị rủi ro trong những thời khắc quan trọng, tránh những suy nghĩ chủ quan.