Phần rất nhỏ trong một câu chuyện lớn

Gregory là một người Mỹ. Lần đầu đến Thành phố Hồ Chí Minh, anh dành nhiều thời gian tham quan các di tích lịch sử-cách mạng. Anh chia sẻ, khi ở Mỹ, anh đã đọc, xem nhiều tư liệu về Việt Nam và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì vậy, trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam này, anh muốn tìm hiểu, kiểm chứng những điều đã thu nhận được. Với những gì đã tận mắt chứng kiến, Gregory nói, đã làm anh không thất vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách nước ngoài chăm chú tìm hiểu các trưng bày tại Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Anh
Du khách nước ngoài chăm chú tìm hiểu các trưng bày tại Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Anh

Một trong những điểm tham quan gây ấn tượng nhất với Gregory, và cả đoàn khách gần 20 người (đến từ nhiều quốc gia ở châu Âu), là Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Dù chỉ được tận mắt nhìn thấy một phần rất nhỏ của hệ thống hơn 250km địa đạo, song, với những di vật, hệ thống bản đồ, sa bàn mô phỏng cùng sự nhiệt tình và kiến thức sâu của các hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên của khu di tích, Gregory và các du khách nước ngoài thật sự ấn tượng và ngưỡng mộ sức chịu đựng, sự sáng tạo kỳ diệu và lòng quả cảm vô song của những chiến sĩ bộ đội, du kích Việt Nam ở Củ Chi.

Thủy, phiên dịch cho Gregory trong thời gian ở Việt Nam, cũng nói, đây là lần đầu cô đến Củ Chi, dù đã là công dân thành phố từ khi rất nhỏ. Chuyến đi cho cô hiểu, hòa bình đang có thật quý giá biết bao. Và cô chia sẻ, mỗi người, có lẽ, nên ít nhất một lần đến nơi này. Nhưng, nhiều bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi có dịp hỏi chuyện đều nói, họ có nghe tới địa danh Củ Chi, nhưng chưa tìm đến.

Cùng với hệ thống hiện vật được bảo tồn và sắp xếp hợp lý để giúp du khách hình dung được phần nào sự phi thường từ một kỳ quan chiến tranh mà những chiến sĩ quả cảm của Củ Chi năm xưa đã tạo dựng nên, Martin Ngo, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp và am hiểu vùng đất Củ Chi nói thêm với tôi rằng, bộ phim tài liệu, với những thước phim ghi lại hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu… của bộ đội, du kích ta được các du khách nước ngoài rất quan tâm, xem với sự chăm chú. Tuy nhiên, có lẽ do được dựng từ nhiều năm trước, nên bộ phim chưa chuyển tải đến được với công chúng cái nhìn mang tính khách quan, nhiều chiều với những tư liệu từ cả hai phía. Nếu được bổ sung và dựng lại, khai thác thêm hệ thống hình ảnh tư liệu khá dồi dào những năm gần đây về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thì có lẽ sự thuyết phục của thông điệp về sức mạnh và ý chí giải phóng dân tộc mà chúng ta muốn chuyển tải tới du khách, đặc biệt là những du khách quốc tế sẽ có chiều sâu và mạnh mẽ hơn nữa.

Đáng nói, đây cũng là cảm nhận ở nhiều di tích khác, nhất là hệ thống di tích lịch sử-cách mạng, khi chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với những sản phẩm bổ trợ cho hệ thống trưng bày hiện vật. Bởi vậy, để cải thiện tình trạng "lép vế" của nhiều di tích lịch sử-cách mạng, lan tỏa rộng những thông điệp về truyền thống dân tộc, rất cần sự đầu tư công phu và bài bản cho cả hệ thống trưng bày hiện vật cùng các sản phẩm bổ trợ ứng dụng công nghệ.