Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã ra Nghị quyết Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay và quyết định mở cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai năm (từ 19/5/1999 đến 19/5/2001). Đây là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng và tiến trình đổi mới ở nước ta.

Ngày 18/5/1999, tại Lễ kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của Người, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức phát động cuộc vận động và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động này.

Điều đó một lần nữa thể hiện bản chất tốt đẹp, tinh thần thật sự cầu thị và trách nhiệm lớn lao của Đảng ta trước vận mệnh của đất nước, tiền đồ của dân tộc và tương lai, hạnh phúc của nhân dân.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VIII, tại Hội nghị Trung ương Hội nghị Trung ương 6 lần 2, tháng 1/1999, Trung ương triển khai Nghị quyết Số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. 

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VIII, tại Hội nghị Trung ương Hội nghị Trung ương 6 lần 2, tháng 1/1999, Trung ương triển khai Nghị quyết Số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi ra đời, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lập tức được dư luận toàn Đảng, toàn xã hội nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng; và đang theo dõi, mong chờ làm sao để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt được kết quả thiết thực, làm chuyển biến thực sự tình hình.

Các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ bộ, ban, ngành đến các cơ quan, đơn vị cơ sở đảng khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao tạo ra được những hiệu quả cụ thể; làm cho cuộc vận động đạt được kết quả cao nhất, nhiều nhất, tốt nhất. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy đây là công việc không đơn giản, trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.

Trước hết, mỗi đảng bộ, chi bộ cần tổ chức nghiên cứu quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), kết hợp nghiên cứu học tập Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương tại Lễ truy điệu Bác Hồ, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Lễ kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quy định của Bộ Chính trị và các văn bản pháp quy của Nhà nước có liên quan...

Qua việc nghiên cứu, học tập đó, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, có chuyển biến thật sự về nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), nắm vững mục đích, yêu cầu của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó thấy đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện Nghị quyết và cuộc vận động.

Chúng ta đều đã biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; công tác xây dựng đảng giữ vị trí then chốt trong các công việc của Đảng. Đây là bài học được rút ra từ thực tiễn gần 70 năm qua của Đảng ta và từ thực tiễn của phong trào cách mạng thế giới.

Các đảng cộng sản và công nhân quốc tế đã từng coi sự lãnh đạo của đảng cộng sản là vấn đề có tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lê-nin đã nhiều lần khẳng định, nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng và khoa học, đoàn kết và thống nhất chặt chẽ, có đủ bản lĩnh và trí tuệ, gắn bó mật thiết với nhân dân thì không thể tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi.

Người nói: “Chúng ta phải luôn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, và không được quên điều đó”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu chuẩn bị vận động cách mạng cũng đã chỉ rõ: Cách mệnh “trước hết phải có đảng cách mệnh”, “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn nhiều việc, nhưng việc đầu tiên, việc trước hết cũng là “nói về Đảng”: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trên thực tế, từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, và nhờ thế đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.

  • Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên Nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chọc thủng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
  • Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giải phóng miền bắc, chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ.
  • Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 21 năm chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đánh sập chủ nghĩa thực dân mới.
  • Đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước trong 12 năm gần đây, vượt qua mọi khó khăn bao vây cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn động đất chính trị dữ dội trên thế giới (năm 1989-1991) và cơn bão táp khủng hoảng tài chính, kinh tế ở khu vực (năm 1997-1998).

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị tiến vào thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba. Nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới hết sức quan trọng, nhưng cũng rất nặng nề. Bên cạnh thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với không ít khó khăn và thách thức.

Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong một bối cảnh rất phức tạp. Cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp đang diễn ra sâu sắc, quyết liệt. “Sự kiện Côxôvô” ở Nam Tư gần đây càng nói rõ điều đó. Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển như vũ bão.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Người ta đang nói nhiều đến thế kỷ XXI như một thế kỷ phát triển kỳ diệu của khoa học công nghệ, làm cho loài người còn phải sửng sốt, ngạc nhiên. Đảng ta đứng trước nhiều vấn đề mới, phải xử lý nhiều việc hết sức phức tạp tưởng như mâu thuẫn, nghịch lý. Trong khi đó, trình độ nhận thức, trình độ trí tuệ của chúng ta còn hạn chế. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa tổng kết được hoặc chưa đủ sáng tỏ, cho nên còn những ý kiến khác nhau, cả trên vấn đề cụ thể cũng như trên một số vấn đề cơ bản.

Bản thân Đảng ta, như trong Nghị quyết chỉ rõ, có những yếu kém, tiêu cực rất đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; tình trạng quan liêu xa dân; tổ chức không chặt chẽ, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng.

Nếu Đảng ta không vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững được chứ đừng nói đi lên.

Đó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.

Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững được chứ đừng nói đi lên. Điều đó giải thích vì sao lần này Trung ương quyết định phải tiến hành Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) chỉ rõ: Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn một cách tích cực và kiên quyết hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến thật sự trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động, củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Những lời đầy tâm huyết ấy của đồng chí Tổng Bí thư là lời kêu gọi thiêng liêng và chân tình đối với mỗi chúng ta, là chỉ thị của Đảng yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt cuộc vận động này.

Mỗi cấp ủy và tổ chức đảng cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào sự hướng dẫn của cấp trên, có kế hoạch triển khai cuộc vận động một cách cụ thể, chặt chẽ, thiết thực, bảo đảm thu được kết quả thực tế. Tránh tình trạng hình thức ồn ào, “đầu voi đuôi chuột”, lúc đầu thì hăng hái, phát động thì rầm rộ, nhưng về sau nguội dần, kết quả là không có chuyển biến gì cả. Chúng ta hãy dựa vào nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của chính chúng ta để làm. Làm đến đâu chắc đến đó, đạt được kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức, chiếu lệ.

Trong kế hoạch thực hiện, cần chú trọng kết hợp việc tiến hành cuộc vận động với các hoạt động khác, bảo đảm thúc đẩy các mặt công tác, chứ không phải “đóng cửa để chỉnh đốn Đảng”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng mạnh hơn, nội bộ đoàn kết tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, thúc đẩy thực hiện có kết quả hơn mọi nhiệm vụ chính trị, chứ không phải ngược lại.

Chương trình hành động của các cấp ủy và tổ chức đảng cần gắn với việc chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Trung ương 2, 3, 4, 5, 6 (lần 1) và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tiến hành các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 1999 và năm 2000, tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, chuẩn bị tiến tới Đại hội IX của Đảng.

Phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và năm lời thề trong Lễ truy điệu Người, qua đó nâng cao thêm nhận thức về Đảng và công tác xây dựng đảng, đẩy mạnh việc rèn luyện đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, đảng viên.

Nêu gương những người tốt, việc tốt, ngăn ngừa và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, vụ lợi. Nêu cao tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

***

Riêng về tự phê bình và phê bình:

Đây là khâu mấu chốt nhất và thực hiện có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ chính bản thân mình, phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác, trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.

Nếu không có dũng khí, không thực sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng.

Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí sâu sắc và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”, “cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng".

Cho nên, “một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".

Bác không chỉ kêu gọi, nhắc nhở, mà bản thân Bác luôn luôn gương mẫu tự phê bình và yêu cầu mọi người phải thẳng thắn góp ý phê bình Bác. Có lần Bác nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người ta”. Những lời dạy ấy thật là chí tình, chí lý.

Tự phê bình và phê bình trước hết phải làm tốt trong từng cấp ủy, từng ban cán sự đảng, đảng đoàn, và trong cán bộ chủ chốt.

Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt: nhận thức, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, “trị bệnh cứu người”. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Lâu nay chúng ta vẫn nói, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực tế cũng có những nơi làm tốt vấn đề này. Nhưng nhìn chung, do chỉ đạo không tốt, do ý thức tự giác của nhiều cán bộ, đảng viên không cao, cho nên kết quả còn hạn chế.

Lần này, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương, chúng ta cần rút kinh nghiệm, chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng. Trước khi kiểm điểm, phê bình cá nhân, cần tiến hành kiểm điểm, phê bình tập thể. Ngay từ lúc chuẩn bị, mỗi cấp ủy và tổ chức đảng đã phải suy nghĩ xem trong đơn vị mình có gì nổi bật về mặt mạnh và mặt yếu, trách nhiệm của những người lãnh đạo chủ chốt đối với các mặt đó đến đâu, có vấn đề gì nổi cộm không, dư luận quần chúng thế nào...

Cần có sự tổng hợp, thông báo gợi ý cho đương sự biết để suy nghĩ trong quá trình chuẩn bị và có sự giải trình rõ trong kiểm điểm. Ở những nơi nội bộ mất đoàn kết thì cấp trên phải trực tiếp chỉ đạo, kết hợp với việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng, của những đơn vị cấp dưới và cơ quan có liên quan. Sau mỗi bước cần có sơ kết, đánh giá, kịp thời rút kinh nghiệm để làm bước tiếp theo. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau, cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác.

Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên, và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng

Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống quan liêu gắn với trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo các cấp ủy và người đứng đầu các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm về các hiện tượng tham nhũng, tham ô, lãng phí tại đơn vị mình.

Các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan thanh tra của Nhà nước cần làm tốt việc điều tra, kịp thời có kết luận về các đơn thư tố cáo và các khiếu nại về những việc làm trái quy định, pháp luật.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống quan liêu chỉ thu được kết quả nếu nó được kết hợp chặt chẽ với việc tăng cường sự quản lý của cơ quan nhà nước, thực hiện tốt các quy chế dân chủ ở cơ sở; nêu cao vai trò kiểm tra của các cơ quan chức năng; sự giám sát của nhân dân, các đoàn thể nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường trách nhiệm và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; đồng thời được tiến hành thường xuyên trong quá trình triển khai các nhiệm vụ công tác.

Một việc rất quan trọng nữa là trong quá trình tiến hành cuộc vận động, cần chú trọng củng cố tổ chức cơ sở đảng. Toàn bộ các chế độ sinh hoạt Đảng, như: sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình... cần đưa thành nền nếp, làm tốt việc phân công và kiểm tra công tác của cán bộ, đảng viên để nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng.

Nếu làm tốt những việc nêu trên, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như toàn bộ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng Đảng, đóng góp vào thắng lợi chung của toàn Đảng.

Và chính qua mỗi bước triển khai thực hiện cuộc vận động này, mỗi tập thể cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có thêm một tầm cao mới về trí tuệ và lòng tin, về lương tâm và trách nhiệm, về đạo đức và lối sống, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình, góp phần từng bước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn.

Báo Nhân Dân, số 16049, ngày 15/6/1999.