Khu vực hạ lưu sông Yên là ranh giới giữa xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) và Hải Châu (huyện Tĩnh Gia). Người dân khu vực này vẫn khai thác nguồn lợi sẵn có trên sông Yên để mưu sinh. Nhận thấy ngao có giá trên thị trường, gia đình ông Tô Quốc Dũng (SN 1952), Lê Văn Hiệu (SN1966) cùng ở xã Hải Châu tự phát đóng cọc, quây bãi khai thác, nuôi ngao, thuê lao động trả lương theo tháng và sản lượng thu hoạch.
Khi khu vực khai thác thủy sản tự nhiên bị thu hẹp, giữa người dân xã Quảng Nham với hai hộ nêu trên đã phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn trong khai thác ngao và từng xảy ra xô xát vào ngày 5-7. Sáng 7-7-2013, các ông Dũng, Hiệu thấy đông người dân xã Quảng Nham cào ngao trên sông, nghĩ rằng họ cào ngao trên phần bãi của mình nên huy động thêm 13 người đi ba thuyền mảng mang theo đá, gậy, dao, những đoạn sắt được mài nhọn hai đầu ra xua đuổi.
Trước đó, do có va chạm, các hộ dân xã Quảng Nham mang theo đá, dao, gậy đi trên 25-30 bè, mỗi bè chở hai đến năm người, đầu đội mũ bảo hiểm ra sông cào ngao. Khoảng 10 giờ 30, ba thuyền, bè xã Hải Châu ra đến khu vực các bè của xã Quảng Nham đang cào ngao xua đuổi. Một số bè của xã Quảng Nham bỏ chạy, sau quay lại, hai bên dùng đá ném, sử dụng hung khí đánh, chém nhau. Hậu quả Tô Quốc Dũng, Lê Văn Hiệu, Lữ Kiên Cường tử vong, 11 người bị thương.
Kết quả giám định pháp y cho thấy, nguyên nhân chính khiến ba nạn nhân tử vong là do ngạt nước, nhiều người bị thương tích từ nhẹ đến tổn hại 30% sức khỏe.
Có ba người dân phía xã Hải Châu bị rơi xuống nước được người dân xã Quảng Nham vớt kịp thời.
Qúa trình điều tra, xét xử đủ căn cứ xác định Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987) ở thôn Thạch Đông, xã Quảng Thạch và Phạm Văn Thành (SN 1994) ở thôn Điền, xã Quảng Nham phạm tội giết người, cố ý gây thương tích; 17 bị cam phạm tội “gây rối trật tự công cộng”. Xét các đối tượng phạm tội trong bối cảnh xung đột, tâm lý bị kích động khó lường trước hậu quả và đã chủ động bồi thường một phần cho người bị hại; nhiều bị can phạm tội lần đầu, gia cảnh khó khăn còn có nghĩa vụ nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt: Phạm Văn Thành 18 năm tù giam; Nguyễn Văn Tuyển 13 năm tù giam. Phạm Văn Thành phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại hơn 112 triệu đồng; Nguyễn Văn Tuyển phải bồi thường Dương Văn Quân hơn 63 triệu đồng, Tô Văn Mạnh hơn 37 triệu đồng. Thành và Tuyển liên đới phải bồi thường cho Tô Văn Dầu hơn 49 triệu đồng. Các bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng gồm: Lê Văn Hòa 2 năm tù giam; Lê Văn Linh 9 tháng 24 ngày tù; bốn bị can bị tuyên phạt mỗi người 9 tháng tù giam là Đinh Văn Dũng, Lê Văn Mạnh, Đinh Văn Hà, Trần Quốc Hùng; bốn bị can mỗi bị can bị phạt hơn sáu tháng tù: Vũ Văn Thành, Phạm Văn Tám, Đặng Văn Sinh, Vũ Văn Trường; bốn bị can bị phạt mỗi người hơn 5 tháng tù giam là: Nguyễn Văn Đạt; Trần Văn Quân; Hoàng Văn Quang; Vũ Văn Trung. Ba bị can được hưởng án treo là: Tô Văn Thêm sáu tháng tù; Đinh Bá Thịnh 9 tháng; Ngô Văn Sơn 6 tháng tù.