Góc cuối tuần

Phẩm cách con người, phẩm cách quốc gia

NDO -

NDĐT - Tôi có một người bạn đã hết thời hạn lao động tại Hàn Quốc từ năm 2014. Theo quy định, cậu bạn tôi đã phải trở về Việt Nam từ lâu. Nhưng cậu ta đã chọn cách ở lại.

Bốn du khách ra đầu thú tại cơ quan công an Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: TTXVN/CNA)
Bốn du khách ra đầu thú tại cơ quan công an Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: TTXVN/CNA)

Gia đình nhiều lần gọi điện nói chuyện khuyên bảo, nhất là những đợt cơ quan chức năng của Hàn Quốc tạo điều kiện cho những người nhập cư bất hợp pháp trở về. Bằng nhiều cách khác nhau, cậu ta vẫn trót lọt qua những đợt chính phủ Hàn Quốc truy bắt người lao động bất hợp pháp. Tiền thi thoảng vẫn được gửi về. Trên những bức ảnh, cậu ta nở nụ cười ngạo nghễ, dường như cậu ta đang tận hưởng một cuộc sống khá hạnh phúc, ít nhất là sung túc hơn những người bà con nơi quê nhà. Không biết liệu một lúc nào đó, cậu ấy có nghĩ, việc mình làm đang “làm khó” không biết bao nhiêu người đang muốn sang Hàn Quốc làm việc hay không?

Xuất khẩu lao động trở thành một ngành kinh tế thu lại khá nhiều lợi nhuận những năm gần đây. Nó cũng giúp nhiều người thoát nghèo. Thậm chí, có cả những “làng triệu phú” nhờ xuất khẩu lao động. Nhưng hầu như ở thị trường lao động nào mà Việt Nam xuất khẩu, cũng có tình trạng người Việt tìm cách trốn ở lại, sau khi hết hợp đồng lao động, hoặc bỏ việc theo hợp đồng để trốn ra ngoài làm công việc khác thu nhập cao hơn. Tất nhiên, có cả những trường hợp tìm cách nhập cư, lao động bất hợp pháp thông qua con đường du lịch. Cũng bởi vậy, việc 152 người Việt Nam đồng loạt “mất tích” tại Đài Loan (Trung Quốc) khiến nhiều ánh mắt dấy lên sự nghi ngờ. Rất có thể đó là một cuộc “mất tích” có chủ đích.

Hậu quả của vụ 152 người mất tích, có thể không dừng lại ở việc các công ty du lịch gặp khó khăn do Đài Loan (Trung Quốc) ngừng ưu đãi cấp visa cho người Việt. Về lâu dài, nếu đây là vụ việc tìm cách nhập cư trái phép, thì việc xuất khẩu lao động của Việt Nam sang một số thị trường có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Kể từ khi mở cửa, rồi nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn với thế giới, chuyện người Việt xuất ngoại trở thành chuyện cơm bữa. Ngoài việc đi lao động, còn có nhiều lý do khác, buôn bán, làm ăn, du lịch, học tập… Hình ảnh người Việt để lại trong con mắt bạn bè quốc tế là gì? Cùng với những hình ảnh đẹp, không hiếm những hình ảnh xấu xí.

Chúng ta đều biết, tiếng Việt hoàn toàn không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Nhưng tại sao, ở Nhật Bản, Thái-lan, Hàn Quốc… lại thường có những câu cảnh báo được viết bằng tiếng Việt? Tất nhiên, đối tượng mà những lời cảnh báo đó hướng đến chính là cộng đồng người Việt. Những câu cảnh báo thường xuất hiện ở siêu thị, quán ăn, nội dung thường là: “Ăn cắp ở siêu thị là phạm pháp”, “Ở đây có camera theo dõi”, “Không được lấy ô và giày của người khác”, “Không lấy nhiều đồ ăn quá mức bạn dùng”…

Và tất nhiên, chúng ta đều biết, vì sao lại có những lời cảnh báo đó. Cháu tôi học tại Nhật Bản và làm thêm ở một quán ăn. Khi một người trong quán mất đồ, tất cả đổ xô ánh mắt về phía con bé dù không có chứng cứ nào. Đơn giản, vì thông thường người Nhật không bao giờ làm thế. Phải mấy hôm sau sự nghi ngờ mới tan biến khi nguyên nhân mất đồ được làm rõ. Cũng chính cháu tôi, có lần bị rơi ví khi đi tàu điện ngầm. Ngay ngày hôm sau có người gọi điện thông báo đến nhận đồ thất lạc. Chiếc ví được trả lại, còn nguyên cả giấy tờ lẫn tiền bạc.

Khi tiếp xúc với thế giới, giữa Việt Nam và các nước cũng có “độ vênh” nhất định về văn hóa, nhất là khi ta chưa hiểu nhiều về văn hóa, pháp luật bản địa. Nhưng trong khi chưa hiểu mà người Việt cư xử theo chuẩn văn hóa, pháp luật Việt, và chịu khó quan sát, học hỏi, thì “độ vênh” ấy, về cơ bản sẽ được chấp nhận là do khác biệt văn hóa. Thực tế, còn quá nhiều hành vi “dưới chuẩn” văn hóa, pháp luật Việt Nam được người Việt đem đến thế giới. Tiếp xúc với thế giới, chính là dịp chúng ta nhìn lại mình. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; hay việc kêu gọi người Việt lao động ở nước ngoài tuân thủ pháp luật sở tại chỉ giải quyết được phần ngọn. Phần gốc là giáo dục con người.

Cần nhìn sâu hơn vào vấn đề. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở hành vi xấu - đẹp của người Việt ở nước ngoài. Hành vi xấu hay đẹp của một cá nhân, có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh một quốc gia. Nhưng những hành vi ấy lặp đi, lặp lại nhiều lần bởi những cá nhân khác nhau, sẽ là một câu chuyện khác. Khi ấy, phẩm cách cá nhân, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, phẩm cách quốc gia.

* Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấn chỉnh doanh nghiệp lữ hành

* Vụ 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc): Xác minh và xử lý vi phạm