Sau 2 ngày hẹn, sau cùng, chúng tôi mới gặp được Trần Hải Anh, chuyên viên của Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD). Vừa trở về sau chuyến khảo sát tại Tủa Chùa để hỗ trợ bà con mở tour tuyến mới, chàng trai sinh năm 1992 bảo: Càng đến gần dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc của anh càng nhiều khi các homestay đều trong tình trạng đầy khách, thậm chí quá tải.

Từ nhiều năm qua, Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên đã trở thành “bà đỡ mát tay” cho mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương chót cùng Tây Bắc.

Chia sẻ với chúng tôi, Hải Anh cho biết, từ năm 1999, Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên đã có những hoạt động hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế một cách bền vững. Tới giai đoạn cuối năm 2017, Quỹ bắt đầu “xắn tay” vào dạy bà con làm du lịch.

Vào thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung đã bắt đầu xuất hiện nhiều homestay, nhưng đều theo hướng tự phát, không có quy chuẩn thống nhất, mạnh ai nấy làm. Để “hoạch định” hướng đi mới, Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh xác định: Cần kết hợp phát huy thế mạnh về điều kiện văn hóa-lịch sử-tự nhiên từng vùng với chất “mộc” vốn có của các cộng đồng dân tộc.

Bắt tay vào việc, Hải Anh và đồng nghiệp có những ngày rong ruổi khắp các bản làng tìm kiếm địa điểm phù hợp để làm… mô hình điểm đầu tiên. Nhưng tới đâu, Hải Anh cũng nhận được những cái lắc đầu. Bà con luôn đặt ra câu hỏi: Làm homestay liệu có khách hay không, có duy trì đến lúc hoàn vốn được không? Rồi, nhà mình sao lại cho người lạ vào ăn ngủ được? Thậm chí, ngay cả khi CCD cam kết cho vay tiền không tính lãi để phát triển sinh kế, bà con vẫn… không tin. Tâm lý cố hữu, cộng với số vốn ban đầu khá lớn khiến hầu hết mọi người… chùn bước.

Trần Hải Anh, cán bộ Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên chia sẻ về hành trình "đỡ đầu" homestay đầu tiên tại Mường Phăng...

Trần Hải Anh, cán bộ Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên chia sẻ về hành trình "đỡ đầu" homestay đầu tiên tại Mường Phăng...

Duy nhất chỉ có Lò Văn Đức, người bản Che Căn (Mường Phăng) khi ấy chấp nhận… đánh liều, đồng hành cùng CCD. Về phía mình, CCD nhận thấy những lợi thế lớn của Mường Phăng. Nơi đây vừa có cảnh quan đẹp, nguyên sơ, vừa nằm trên mảnh đất lịch sử, vốn là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Du khách sẽ không thể bỏ qua Mường Phăng trên hành trình khám phá Điện Biên của mình.

Ban đầu, Đức được các cán bộ CCD đưa đi thăm quan gần chục mô hình khắp các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Sơn La để anh tận mục sở thị và thực sự hiểu về cách làm du lịch mới. Sau những lần thực tế ấy, Lò Văn Đức đã quyết định bán trâu bò… để mở homestay.

Sau khi thống nhất, CCD trực tiếp cho các hộ vay vốn, đồng thời hỗ trợ bà con lên ý tưởng cải tạo, vận hành; mở các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, quản lý với sự giảng dạy của các chuyên gia có uy tín. Lần đầu tiên, Lò Văn Đức và gia đình biết được cách cầm chén rượu, cách bắt tay và chào hỏi như thế nào cho đúng. Song song, cán bộ của CCD như Hải Anh cũng thường xuyên có mặt tư vấn, giám sát quá trình cải tạo, nâng cấp homestay để vừa giữ được nét mộc mạc của đồng bào, vừa bảo đảm tiện ích.

“Chúng tôi bắt đầu từ… nhà vệ sinh. Khách lưu trú, đặc biệt nhóm người nước ngoài yêu cầu rất cao về khu vực này. Nếu không đủ tiêu chuẩn, họ sẽ một đi không trở lại”, Hải Anh nhớ lại.

Hải Anh gọi những tháng đầu tiên đồng hành cùng Phương Đức homestay bằng hai chữ gian nan. Anh phải can thiệp từ những việc bé nhất như tư vấn xây nhà tắm, khu vệ sinh, vận động đưa trâu bò ra khỏi khu vực gầm sàn. Thậm chí, đi đường điện, mắc thêm vài chiếc bóng ngoài sân chung… cái gì Đức cũng "alo cho cán bộ cả”.

Bà chủ homestay Phương Đức ở Mường Phăng đang chuẩn bị hoa ban để làm món ăn cho khách. Sau vài năm "khởi nghiệp", chị đã quen dần với nếp sống mới...

Bà chủ homestay Phương Đức ở Mường Phăng đang chuẩn bị hoa ban để làm món ăn cho khách. Sau vài năm "khởi nghiệp", chị đã quen dần với nếp sống mới...

Sau vài tháng, Phương Đức homestay thành hình. Nhìn hai căn nhà sàn cổ hướng thẳng ra cánh đồng mênh mông của mảnh đất Mường Phăng lịch sử, cả Hải Anh và Đức khấp khởi mừng, khấp khởi… lo. Đến lúc này, CCD lại đóng vai trò tìm kiếm, kết nối khách cho ông chủ trẻ ở Mường Phăng thông qua hệ thống marketing hiện đại và các đầu mối có sẵn.

Vui nhất là ngày đầu tiên đón khách, không chỉ ông chủ Đức, Hải Anh cùng các đồng nghiệp tại CCD cũng có mặt từ sớm, líu ríu quét sân, trải lại tấm nệm cho phẳng phiu, kê bàn ghế, bê mâm đũa trong niềm… lo lắng vô bờ.

Rất may, đầu xuôi thì đuôi lọt. Homestay đầu tiên tại Che Căn dần đứng vững, phát triển mạnh mẽ, và nhận được sự ghi nhận của cộng đồng du lịch nói chung. Và từ đó, những “đứa con thứ hai, thứ ba” theo hình thức cộng đồng của Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên cũng lần lượt được ra đời, giúp cải thiện đáng kể sinh kế bền vững cho bà con nhiều huyện, thị.

Vui nhất là ngày đầu tiên đón khách, không chỉ ông chủ Đức, Hải Anh cùng các đồng nghiệp tại CCD cũng có mặt từ sớm, líu ríu quét sân, trải lại tấm nệm cho phẳng phiu, kê bàn ghế, bê mâm đũa trong niềm… lo lắng vô bờ.

Item 1 of 2

Homestay Phương Đức thành hình trong niềm vui vỡ òa của cả ông chủ người Thái lẫn các cán bộ Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên...

Homestay Phương Đức thành hình trong niềm vui vỡ òa của cả ông chủ người Thái lẫn các cán bộ Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên...

Homestay được trang trí bằng những vật dụng giản dị, gắn với đời sống của chính bà con bản Che Căn.

Homestay được trang trí bằng những vật dụng giản dị, gắn với đời sống của chính bà con bản Che Căn.

Item 1 of 3

Những nếp nhà sàn Thái cổ tại bản Che Căn, xã Mường Phăng...

Những nếp nhà sàn Thái cổ tại bản Che Căn, xã Mường Phăng...

Giữ được những nếp nhà cổ, Che Căn trở thành điểm đến bình yên với du khách mỗi dịp tới với Điện Biên.

Giữ được những nếp nhà cổ, Che Căn trở thành điểm đến bình yên với du khách mỗi dịp tới với Điện Biên.

Một góc bình yên tại homestay Phương Đức.

Một góc bình yên tại homestay Phương Đức.

Sau thành công của Lò Văn Đức bản Che Căn, nhiều hộ dân khác đã chủ động liên hệ với Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh để vay vốn và xin hỗ trợ làm… homestay. Sau hơn 5 năm, đã có 6 mô hình tương tự được triển khai thành công tại các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Phăng.

Giải thích về những điểm đặc biệt của chương trình hỗ trợ cộng đồng, Hải Anh cho biết, vấn đề đầu tiên là cách thức cho bà con vay vốn. Toàn bộ số tiền vay sẽ không tính lãi. Tuy nhiên, người dân sẽ phải trả dần theo từng năm để CCD quay vòng hỗ trợ thêm nhiều trường hợp khác. Bên cạnh đó, việc buộc bà con phải có nghĩa vụ trả theo năm cũng giúp họ có ý thức quản lý tài chính một cách hợp lý và hiệu quả.

Bên cạnh đó, toàn bộ các hộ tham gia vào chương trình phải cam kết hoạt động theo hệ thống chung với những tiêu chuẩn chặt chẽ. “Nhiều homestay như Phương Đức, Cầm Trường tại Mường Phăng thậm chí đã phải đập bỏ những phần bê-tông hóa sai cách như tường bao, cầu thang dẫn lên nhà sàn để bảo đảm chất mộc cho toàn khu. Tham gia chương trình, người dân cần phải có sự quyết tâm và tuân thủ theo hệ thống”, Hải Anh kể.

Ở phía ngược lại, CCD sẽ đồng hành, tìm kiếm , kết nối dòng khách cho các cơ sở, đặc biệt là các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp như Saigon Tourist, Viettravel… Ở vai trò tư vấn, định hướng, khi các cơ sở trong hệ thống do Quỹ phát triển có dấu hiệu quá tải, CCD sẽ đưa ra cảnh báo, đồng thời điều tiết để bảo đảm chất lượng chung.

“Chúng tôi quán triệt các chủ cơ sở cần chú trọng vào trải nghiệm của khách, tránh tình trạng chạy theo số lượng mà đánh mất bản sắc của mình”, Hải Anh nói tiếp.

"Cần chú trọng vào trải nghiệm của khách, tránh tình trạng chạy theo số lượng mà đánh mất bản sắc của mình"

-- Trần Hải Anh --

Đặc biệt, trong quá trình đồng hành, CCD cũng quan tâm tới việc hình thành hệ sinh thái bền vững, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Theo đó, CCD khuyến khích thành lập các tổ hậu cần chung quanh các homestay.

“Đó là các nhóm chuyên chăn nuôi gia cầm, trồng rau sạch, nhóm múa truyền thống hay đội chuyên dẫn tour tại chính địa phương. Khi các homestay tương tự như Phương Đức phát triển mạnh, các tổ này sẽ tự hình thành để phát huy thế mạnh, từ đó kéo cả cộng đồng cùng được hưởng lợi”, chuyên gia Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh nhấn mạnh.

Trên góc độ vĩ mô, để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ đó đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công thêm nhiều bản văn hóa mới, thường xuyên quan tâm đầu tư hỗ trợ nâng cấp, cải tạo các điều kiện, dịch vụ phục vụ du lịch, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các bản này.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho hay, trong thời gian qua, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư địa phương. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

“Ở nhiều bản văn hoá, các hộ gia đình đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động cải tạo và vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, khu vực chuồng trại hợp vệ sinh; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; tham gia các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch…”, ông Chì nhấn mạnh.

Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

-- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên--

Đổi đời nhờ làm du lịch cộng đồng trên chiến trường xưa

Ngày xuất bản: 19/04/2024
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: HỒNG MINH-SƠN BÁCH
Trình bày: BÌNH NAM
Ảnh: NHẬT QUANG, NGUYỄN HOÀI NAM