Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) (2018-2021), ngành nông nghiệp Việt Nam đã có hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 4 sao và 20 sản phẩm đạt 5 sao trở thành quà tặng cấp quốc gia. Đây là kết quả rất đáng tự hào trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó trở thành động lực thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Từ ý tưởng đến
phong trào sâu rộng

Từ ý tưởng bảo vệ và phát triển các làng nghề, năm 2009, Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ làng nghề, thí điểm chương trình OCOP trên cơ sở kinh nghiệm và sự hỗ trợ của tổ chức Jaika của Nhật Bản.

Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP một cách có bài bản, hệ thống gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp tỉnh Quảng Ninh tổ chức sơ kết chương trình. Từ những kết quả bước đầu khả quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành xây dựng đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg. 

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định 490, chỉ trong 3 năm (2018-2020), cả nước đã có 2.400 sản phẩm OCOP với 100% chủ thể được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình. Đến hết năm 2020, chúng ta đã có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng và phê duyệt thành công đề án chương trình OCOP. Sau khi xây dựng và phê duyệt thành công đề án, các địa phương cũng nỗ lực giúp chủ thể xây dựng các đề xuất, tổ chức đánh giá sản phẩm theo quy trình 6 bước.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành sổ tay hướng dẫn, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và hỗ trợ xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.

Số lượng sản phẩm OCOP
không ngừng tăng

Đến tháng 7/2022, cả nước  đã có 8.340 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và có 4.273 chủ thể tham gia chương trình; trong đó, có 20 sản phẩm đánh giá đạt 5 sao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm quà tặng cấp quốc gia.

Vì vậy, có thể nói, với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chúng ta đang tạo “sân chơi” cho các hợp tác xã, phát triển sinh kế cho các vùng, miền và tạo ra thế cạnh tranh trong nông nghiệp. Ngoài số lượng chủ thể và sản phẩm OCOP không ngừng tăng lên, chương trình còn đạt được mục tiêu đẩy mạnh chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa các chủ thể, tăng hơn 1,85 lần so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2018-2020.

Cấp ủy, chính quyền
quyết liệt vào cuộc

Về cơ bản, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai đồng bộ chương trình OCOP. Tuy nhiên, có nhiều địa phương vượt trội hơn về số lượng như: Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, hoặc một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định; miền Trung thì có Hà Tĩnh, Quảng Nam; Khu vực Tây Nguyên có Gia Lai; Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có Đồng Tháp, Bến Tre. Còn lại khu vực miền Đông Nam bộ là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng có sản phẩm OCOP nhưng số lượng chưa nhiều.

Mấu chốt của những thành công nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của  cấp ủy, chính quyền các cấp, các công tác tuyên truyền và những sáng kiến đẩy mạnh sản xuất, thích ứng an toàn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Từ  tháng 4/2021, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản. Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh năm nào cũng tổ chức hai kỳ giới thiệu sản phẩm OCOP rất bài bản.

Hay tại Hà Nội, sản phẩm OCOP được giới thiệu tại các lễ hội, trưng bày tại phố đi bộ, livestream, tổ chức các phiên chợ “Hà Nội với vùng núi phía bắc”; “Hà Nội với Tây Nguyên”. Hoặc như An Giang xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với hội chợ Đồn hoặc lễ hội truyền thống ở Sóc Trăng…

Nhờ sự trợ giúp của chính quyền các cấp, các ban, ngành; đặc biệt là các đồng chí bí thư cấp ủy, từ tỉnh đến cơ sở đã giúp cho Chương trình OCOP phát triển rất mạnh. Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh, thời điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã trực tiếp chỉ đạo chương trình. Hay tại thủ đô Hà Nội, thời điểm phát triển OCOP mạnh mẽ nhất là khi đồng chí Vương Đình Huệ (Chủ tịch Quốc hội hiện nay) làm Bí thư Thành ủy...
Nguyễn Minh Tiến
Nguyên Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương

Ngoài sự xắn tay của cả hệ thống chính trị, còn phải kể đến sự sáng tạo, công tác tham mưu, đưa ra nhiều chính sách chưa có trong tiền lệ của các địa phương như vốn vay, cơ chế khen thưởng cho các sản phẩm: OCOP 3 sao, 4 sao. Cùng với những thay đổi về cơ chế, chính sách, các địa phương còn áp dụng giới thiệu sản phẩm quảng bá OCOP  trên báo chí, mạng xã hội  facebook, tiktok...; đồng thời, bắt tay với central details, Big C và hệ thống Aeon không chỉ để bán sản phẩm mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu đi Nhật Bản và nhiều quốc gia khác …

Phát triển sinh kế,
nhưng không làm mất
bản sắc văn hóa

Một trong những thành công quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là đã tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều vùng, miền, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được văn hóa bản địa.  Thông thường, làm đường, làm nhà máy sẽ thu hút lao động, tạo sinh kế cho người dân,  nhưng lại cũng đánh mất văn hóa và sinh thái của họ.

Thí dụ nếu chúng ta đặt nhà máy may giày da ở Mèo Vạc hay Đồng Văn thì sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xong tuyển người Mèo, người Dao làm công nhân thì sẽ đánh mất bản sắc của người ta, kiểu miền xuôi hóa, "kinh hóa" đồng bào.

Tuy nhiên, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm  đã tìm ra cách phát triển sinh kế ở các vùng đó, làm cho họ vừa có thu nhập vừa phát triển được cảnh quan văn hóa. Ví dụ như chuyện HTX Phìn Hồ của người Dao đỏ trên xã Thông Nguyên của tỉnh Hà Giang có chè san tuyết là sản phẩm OCOP 5 sao. 

Trà san tuyết đã có từ mấy trăm năm và hoàn toàn tự nhiên,  bón nhiều đạm là nó chết,  tất nhiên năng suất không cao, mỗi vụ chỉ 20-25 kg. Trở thành  sản phẩm OCOP, trà  san tuyết  được đánh giá đúng giá trị của nó. Càng đặc biệt hơn khi trà san tuyết  được bà cụ 90 tuổi người Dao đỏ giới thiệu, thì đằng sau đó là câu chuyện văn hóa,  người tiêu dùng được nghe những câu chuyện về những cây trà san tuyết cổ thụ 200, 300 năm, được tận mắt chứng kiến những cây trà trong thực tế.... Văn hóa người Dao qua đó cũng được bảo tồn, phát huy.

Item 1 of 3

Thay đổi tư duy chủ thể

Mỗi sản phẩm OCOP đều được gắn với các dư địa, tính đặc hữu của nông nghiệp các vùng miền khác nhau. Như Ninh Thuận chẳng hạn, cực kì đặc thù với nho, cừu, nha đam; mỗi một nguyên liệu đó có thể phát triển được rất nhiều sản phẩm OCOP gắn với vùng miền.

Một điểm nữa là sẽ thay đổi được tư duy chủ thể, họ nhận thức được rằng bán sản phẩm OCOP là phải làm theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu cụ thể.  Thí dụ, người làm nghệ, trước kia cứ làm ra rồi bán, giờ ông muốn bán nghệ ông phải cho chúng tôi biết là nghệ như thế nào, nghệ ở đâu để giám sát được chất lượng của nó, hay ông lại nhập nhèm ở đâu về. Giờ nhiều chủ thể người ta còn gắn với cộng đồng, thí dụ như trồng bí thơm ở Bắc Kạn, chị Giám đốc HTX Nhũng Luỹ đã liên kết với các hộ trồng cây bí đặc sản còn chị tổ chức sơ chế chế biến, như vậy chị vừa tạo được lao động tại chỗ, vừa phát triển vùng nguyên liệu đã chia sẻ lợi ích cho cộng đồng đó, đó là lý do vì sao khi chấm điểm,  bộ tiêu chí  hỗ trợ phát triển cộng đồng, phát triển vùng nguyên liệu được cho nhiều điểm, chứ không phải mình ông chủ thể, mình ông doanh nghiệp được hưởng lợi. Vậy mới nói tại sao OCOP lại lan tỏa đến các vùng khó khăn.

Thí dụ nước tắm của người Dao đỏ ở Hà Giang thì doanh nghiệp đến gom dược liệu chẳng hạn, người ta đến gom hết về bán thì lợi nhuận cho người ta, nhưng nếu thành lập HTX thì giờ lại phân công nhau, ông này hái gì, bà này thái lát, hỗ trợ họ làm mẫu mã bao bì, hỗ trợ cho cái máy hút chân không, bây giờ các sản phẩm bán rất chạy, đó là lan tỏa gia trị cho các vùng khó khăn.

Đằng sau OCOP là VĂN HÓA

OCOP giờ đây gắn với vấn đề giá trị, đằng sau nó là văn hóa, đằng sau nó là bảo vệ gìn giữ môi trường. Nhiều khi chúng tôi đánh giá các sản theo các thang điểm, ví dụ như không có hệ thống xử lý nước thải, không cho 100 điểm, không có hệ thống giám sát, nghiễm nhiên là không được công nhận, dây chuyền làm rất tốt, nhưng có những điểm như không có giấy tờ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì cũng không được…Những thang điểm này chính là sự tích hợp đa giá trị. Khi đã đạt được số điểm theo tiêu chí, thì đằng sau số điểm đó chính là niềm tự hào của chủ thể, là câu chuyện tạo ra giá trị và khách hàng sẵn sàng mua để có được trải nghiệm về văn hóa, trải nghiệm về câu chuyện của chính chủ thể đã làm ra những sản phẩm OCOP
Nguyễn Minh Tiến
Nguyên Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương

Tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thường hay kêu gọi nông dân, doanh nghiệp  chuyển từ bán sản phẩm nguyên liệu sang bán sản phẩm giá trị gia tăng, tạo ra tiện ích cho người tiêu dùng.

Câu chuyện ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) là một thí dụ. Nơi đây nổi tiếng với nghề nuôi hươu lấy nhung, một con một năm được một hoặc hai cặp (1,2 đến 1,4 kg) bán được 7 đến 8 triệu/kg, bán tươi thì rất khó, mình mua về mình phải xem ngâm như thế nào, bao giờ được uống.

Khi tham gia chương trình OCOP, thì chúng ta phải phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng và tiện ích cho người tiêu dùng, vậy nên Văn phòng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho HTX đó máy cắt da, máy sấy, máy cắt lát rất mỏng, thả lát đấy vào ngâm rượu rất là tốt. Không chỉ dừng ở đấy, chúng ta còn có thể tán bột, cho vào cái hộp nhỏ rất tiện cho khách. Vì vậy, từ đầu nguyên liệu chỉ 7,8 triệu, sau chế biến thành bột nâng giá trị lên từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Do đó, khi chúng ta áp dụng KHCN ra được sản phẩm có giá trị cao.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, nguyên Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương,  thời gian đầu, chúng ta chỉ nhấn mạnh vai trò của các bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh, sở ngành, huyện hầu như chưa đề cập đến vai trò cấp xã. Tuy nhiên, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ban hành hướng dẫn khẳng định vai trò cấp xã, thứ nhất người ta trực tiếp giám sát vùng nguyên liệu, nhấn mạnh sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu. Thí dụ sản phẩm miến dong có đúng xuất xứ ở vùng đó không hay lại mua ngoài thị trường…

Vai trò cấp xã rất quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích; nếu chúng ta làm du lịch cộng đồng thì cảnh quan, văn hoá của cả vùng đó chứ không phải một chủ thể, một hộ mà là nhiều người được hưởng lợi. Cấp xã cùng phối hợp với các chủ thể gây dựng cộng đồng để chia sẻ được lợi ích. Ví dụ như ở Tà Phìn Lào Cai có nhiều hộ người Dao làm du lịch như thế không phải tất cả các hộ đều làm homestay mà chỉ có 7,8 hộ, người ta hưởng lợi cảnh quan chung, rồi có 5, 7 hộ làm ẩm thực phải có cơ chế chia sẻ lợi ích. Vậy cấp xã cùng với các thôn, già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng tộc tìm ra chia sẻ lợi ích phân công với nhau. Cái nữa là tổ chức tuyên truyền nói về cơ chế, chính sách, về lợi ích chương trình OCOP, như vậy chủ thể mới mặn mà tham gia.

Những điểm nghẽn
cần tháo gỡ

Qua bốn năm triển khai Chương trình, có thế thấy, bên cạnh những kết quả đạt được,  cũng còn một số "điểm nghẽn" cần tập trung tháo gỡ để phong trào phát triển ngày càng rộng khắp và hiệu quả.

Thứ nhất,  cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là trong việc  quan tâm chỉ đạo, bố trí kế hoạch, nguồn lực. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thì nơi đó phong trào phát triển khá tốt và ngược lại, có những nơi có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng lại không phát triển được do thiếu sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền địa phương.  

Thứ hai, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho chủ thể hiểu nhận thức rõ vấn đề. Không ít chủ thể hiện nay vẫn đặt câu hỏi,  tham gia OCOP thì được cái gì, trong khi sản phẩm của chúng tôi hiện vẫn đang bán tốt.  

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vẫn  nói: "Hôm nay chúng ta thành công chưa chắc ngày mai chúng ta đã thành công, ta phải luôn thay đổi". 

Khi tham gia OCOP, sản phẩm được hệ thống đánh giá, giám sát, nâng cao chất lượng, bao bì, kết nối, xúc tiến như vậy sẽ tiêu thụ tốt hơn.

Thứ ba là cần  hỗ trợ chủ thể về KHCN nhất là về khâu sơ chế, chế biến vì nó góp phần tạo ra sản phẩm mới, giúp giảm bớt được rủi ro mùa vụ. Thí dụ như xoài tháng 4, 5 chín rộ ở Đồng Tháp, An Giang nếu chỉ xuất khẩu xoài tươi, khi có một hai điểm nghẽn trên thị trường là  gặp khó ngay.  Nếu người dân được hỗ trợ về KHCN để chế biến sản phẩm, làm  sản phẩm OCOP sẽ khắc phục được tình trạng được mùa rớt giá.

Hiện nay ở Đồng Tháp có những doanh nghiệp như doanh nghiệp Mỹ Sương với sản phẩm OCOP rất chất lượng, nhiều sản phẩm như  nước xoài, ép xoài sấy khô, làm bánh xoài rất nhiều vị... khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Như vậy, ứng dụng KHCN luôn là điểm hết sức quan trọng.

Thứ 4, cần tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm OCOP và chặt chẽ khâu chấm điểm công nhận. Thực ra đây là một điểm nhiều chủ thể to hay nhỏ đều hay mắc phải. Lúc đầu thì làm rất tâm huyết, rất ngon, tiêu biểu, thế nhưng sau một thời gian vào thị trường thì bắt đầu buông lơi, nhập nguyên liệu cũng không giám sát đầy đủ, dẫn đễn chất lượng xuống cấp. 

Chính vì vậy, cần phải có hệ thống đánh giá, kiểm tra, giám sát chất lượng thường xuyên, qua đó  nâng cao được nhận thức của chủ thể để phát triển một cách bền vững.

Item 1 of 3
Item 1 of 1

Mục tiêu
10.000 sản phẩm OCOP

Mục tiêu Chương trình OCOP đề ra đến năm 2025 có 10.000 sản phẩm, trong đó phải có 30% sản phẩm mới. Trong số 8.430 sản phẩm hiện nay chỉ có 8 đến 10% sản phẩm mới. Thí dụ, như củ nghệ nhưng chúng ta chỉ có sản phẩm thái lát sấy khô thì đó là sản phẩm cũ, nhưng sản phẩm mới nghĩa là củ nghệ đó mình làm thành bột, và nâng lên thành tinh dầu nghệ, hoặc viên cucumin trên Bắc Kạn, từ củ nghệ ta có 3 sản phẩm mới. Sen của Đồng Tháp cũng là sản phẩm tiêu biểu, bây giờ người ta có thể phát triển lên 15 đến 17 sản phẩm.

Thứ hai, phát huy được các làng nghề, và chúng ta có 2.000 làng nghề truyền thống, thì ít nhất mỗi làng nghề phải có một sản phẩm OCOP, phấn đấu sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, và số tỉ lệ lao động tham gia chủ để đó tối thiểu phải có 25% được tập huấn, và chuyển đổi số là mục tiêu tất cả các địa phương đều phải hướng tới, là hệ thống đánh giá phân loại xếp hạng đều trên cơ sở chuyển đổi số.

Suy cho cùng chương trình OCOP phải tích hợp ba giá trị là phát triển kinh tế, văn hóa bảo tồn các làng nghề, cảnh quan, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở những mục tiêu đó, cần phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng KHCN và phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch và trung tâm mua sắm lớn. 

Chuyển đổi số cũng là một yêu cầu hết sức quan trọng, qua đó sẽ góp phần tăng cường  hệ thống kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm; tăng cường thương mại điện tử, giúp cho sản phẩm OCOP chất lượng ổn định, chỉ tăng chứ không giảm.

Tăng cường tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia chủ thể OCOP cũng là một mục tiêu hết sức quan trọng, vì một trong những mục tiêu của chương trình OCOP là không bỏ ai lại phía sau. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15-16% trong tổng số chủ thể OCOP. Mục tiêu phấn đấu sẽ có khoảng 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số và hơn 40% trong số đó là chủ thể nữ.

Chỉ đạo thực hiện:
QUỐC VIỆT, NGỌC THANH
Nội dung:
HẢI PHƯƠNG, NGỌC SƠN
Trình bày mỹ thuật :
Ngọc Diệp