“Nút thắt” tài chính

Tài chính đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu quyết định cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu, khống chế nhiệt độ bề mặt Trái đất không tăng quá 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), diễn ra từ ngày 6 đến 18/11 tại Ai Cập, với sự tham dự của hơn 35.000 đại biểu, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia, được xem là cơ hội quan trọng để những cam kết mạnh mẽ tròn một năm trước đó tại COP26 thành hiện thực. Với chủ đề bao trùm “Cùng nhau thực thi các cam kết” (Together For Implementation), COP27 bàn thảo, xem xét hàng chục chủ đề lớn, song điều được trông đợi nhất là biến cam kết hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu thành hành động cụ thể.

Một trong những cam kết quan trọng đạt được tại COP26 là các quốc gia công nghiệp phát triển, cũng là những quốc gia đã trải qua quá trình công nghiệp hóa hàng trăm năm và thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải ròng về mức 0 vào năm 2050. Các quốc gia đang phát triển không chỉ đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mà còn là những nước đang có nhu cầu công nghiệp hóa nhanh.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Dù lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn, do biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD. Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng khi Trái đất nóng lên, đe dọa nguồn cung lương thực, kinh tế và y tế của khu vực.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7 năm nay cho thấy, Việt Nam đã gánh chịu thiệt hại 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Chính vì thế, không phải đợi đến COP26 mà ngay từ COP15 tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009, các nước giàu với mức phát thải nhiều nhất đã cam kết đến năm 2020 cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tới nay đã quá thời hạn hai năm mà cam kết này chưa được thực hiện đầy đủ. Các quốc gia phát triển tham gia các cuộc đàm phán tại COP27 cho rằng, mục tiêu 100 tỷ USD chỉ đạt được vào cuối năm 2023.

Thế nhưng, cho dù các nước công nghiệp phát triển giàu có đóng góp đủ 100 tỷ USD/năm thì nguồn tài chính này xem ra đã “lạc hậu”, không đủ để hỗ trợ các nước đang phát triển vừa giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, vừa chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ít phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Phát biểu ý kiến tại COP27, Ðặc phái viên của LHQ về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin cho rằng, số tiền 100 tỷ USD/năm mới chỉ đáp ứng hơn 3% nhu cầu cần thiết. Các nước đang phát triển và mới nổi đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, ước lên tới 1.300 tỷ USD đến năm 2025 và con số này có thể tăng lên 2.400 tỷ USD vào năm 2030 để hiện thực hóa mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Lên tiếng tại COP27, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới đang kề cận “thảm họa khí hậu” nếu không thực hiện được mục tiêu chống biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ này. Nếu không gỡ được “nút thắt” tài chính để đạt được một hiệp ước giữa các nước giàu và các nước đang phát triển, thế giới “đang đạp chân ga lao trên cao tốc dẫn tới địa ngục khí hậu”, ông Guterres cảnh báo.