Nước Nhật sẽ trở lại “bình thường” dưới thời Shinzo Abe ?

NDO - NDĐT- Sau Thế chiến thứ hai, sự cam kết không có quân đội đã biến nước Nhật trở thành một quốc gia “bất bình thường”. Tuy nhiên, bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, thực tiễn diễn ra khiến người Nhật bắt đầu có những thay đổi để trở lại một quốc gia “bình thường”. Có lẽ người ghi dấu ấn đậm nét đầu tiên chính là Thủ tướng hiện tại, ông Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhìn về hơn một thế kỷ, thời kỳ châu Á chìm đắm trong cảnh nô lệ thuộc địa, cuộc cải cách Minh Trị (1860) đã đưa Nhật Bản trở thành điểm sáng duy nhất của châu lục. Nhật Bản cũng là cường quốc châu Á duy nhất sánh ngang các cường quốc châu Âu trong hai cuộc Thế chiến nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, thảm bại trong Thế chiến thứ hai buộc các Samurai phải chấp nhận một bản Hiến pháp do Mỹ, nước thắng trận, soạn thảo (1946). Theo Điều 9 của bản Hiến pháp này, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia “bất bình thường” thông qua cam kết không có quân đội.

Bằng những nỗ lực phi thường, nhân dân Nhật Bản đã mau chóng đưa đất nước lấy lại sức mạnh, trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới ngay từ đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Có lẽ do những ám ảnh của hai cuộc Thế chiến cùng với bối cảnh của Chiến tranh lạnh nên những thành công về kinh tế cũng đã không giúp người Nhật có được sự tự tin để trở lại là một quốc gia “bình thường”. Trước những lo ngại của các nước châu Á, trước hết là các nước Đông - Nam Á, về khả năng phục hồi sức mạnh quân sự cho tương xứng với sự giàu có đến mức có thể “sẽ mua cả thế giới bằng đồng yên”, Thủ tướng Takeo Fukuda đã khẳng định: “Nhật Bản sẽ vẫn chỉ là một quốc gia hòa bình” (còn gọi là Học thuyết Fukuda năm 1977).

Cơ hội để Nhật Bản trở lại bình thường lại đến từ những thay đổi to lớn sau Chiến tranh lạnh. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, tuy vẫn còn những e ngại nhất định, nhưng trước sự tham gia tích cực trong quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, vấn đề Triều Tiên và đặc biệt là những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế khu vực…, có lẽ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc cũng sẽ không phản đối quyết liệt nếu Nhật Bản thành lập Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh lạnh, ông Toshiki Kaifu lại lựa chọn “tinh thần Fukuda” cho chính sách đối ngoại của Nhật. Cam kết tiếp tục là một cường quốc “bất bình thường” được Thủ tướng Ryutaro Hashimoto tái khẳng định qua việc duy trì Hiệp ước an ninh tương hỗ với Mỹ (tháng 9/1996).

Phải chăng việc chấp nhận là một quốc gia “bất bình thường” đã trở thành một thói quen khó bỏ đối với người Nhật. Chắc chắn là không, bởi lẽ chẳng có quốc gia nào lại cam chịu cảnh để nước khác (Mỹ) bảo hộ an ninh trong bối cảnh đất nước hoàn toàn giàu có (thậm chí, Nhật Bản còn là chủ nợ lớn của Mỹ). Hơn thế, sự bảo hộ này cũng không phải là miễn phí và sự có mặt quân đội Mỹ trên lãnh thổ còn đem đến cho người Nhật không ít phiền toái. Có thể do người Nhật e ngại phản ứng của các nước có tỳ vết với họ trong Thế chiến II như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc…, hoặc cũng chính vì tư cách là một siêu cường kinh tế thế giới mà người Nhật buộc phải tỏ ra rất thận trọng trong quyết định trở lại bình thường.

Tuy nhiên, bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, người Nhật bắt đầu có những thay đổi khi tỏ ra khá hăng hái trong việc trở lại “bình thường”. Người ghi dấu ấn đậm nét đầu tiên chính là Thủ tướng hiện tại, ông Shinzo Abe.

Sau cuộc bầu cử năm 2006, trên cương vị Thủ tướng (lần đầu), ông Shinzo Abe đã nỗ lực thúc đẩy việc từng bước đưa Nhật Bản trở lại trạng thái cân bằng. Kết quả đầu tiên của những cố gắng này là vào tháng 1/2007, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc thành lập Bộ Quốc phòng trên cơ sở từ Cục phòng vệ. Việc ông Abe phải rời nhiệm sở trước thời hạn năm 2007 kéo theo khủng hoảng lãnh đạo và kinh tế trong suốt gần 6 năm qua khiến cho ước muốn trở lại bình thường của nhiều người Nhật bị ngưng trệ.

Chính vì thế, ngay sau khi quay trở lại chính trường, tân Thủ tướng Abe đã có một loạt những việc làm như: Quyết định tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2013, bổ sung khoản tiền 2,1 tỷ USD cho lực lượng không quân, thành lập đội đặc trách nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Trung Quốc, những tuyên bố cứng rắn đại loại như: “Trung Quốc đang sai lầm khi gây sức ép kinh tế với Nhật vì vấn đề tranh chấp đảo, và điều đó sẽ chỉ có hại cho Trung Quốc”…, cho thấy, dường như ông không quên những gì còn dang dở ở nhiệm kỳ trước. Cũng cần nhấn mạnh, chính cương lĩnh tranh cử được xây dựng dựa trên những tiêu chí an ninh quốc gia đã giúp ông Abe giành chiến thắng để quay trở lại chính trường. Trên thực tế, bối cảnh hiện tại của nước Nhật cũng đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Thủ tướng Abe hiện thực hóa việc đưa Nhật Bản trở lại bình thường.

Thứ nhất, thái độ nước đôi của chính quyền Obama khiến người Nhật hiểu rằng, để có thể đối phó với những nguy cơ an ninh, tiêu biểu là những tranh chấp biển đảo với Hàn Quốc và Trung Quốc, chính họ phải tự giải quyết là chính. Đạo luật PKO mà Quốc hội thông qua từ thập kỷ trước (chỉ cho phép quân đội Nhật tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình như trục vớt, rà phá bom mìn, cứu trợ nhân đạo…) đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Quân đội Nhật Bản giờ đây phải được trao thêm nhiều chức năng hơn;

Thứ hai, sự gia tăng các hoạt động quân sự cùng với việc tăng cường binh bị của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu thì việc Nhật Bản tăng chi phí quốc phòng cũng là điều hiển nhiên phải làm. Hơn thế, nhiều nước lo ngại những căng thẳng, xung đột trong những năm gần đây đang có nguy cơ phá vỡ thế cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương và họ hy vọng sự trở lại bình thường của Nhật Bản sẽ giúp tái lập lại sự ổn định cho khu vực;

Thứ ba, chính sách xoay trục của chính quyền Obama (thực chất là tăng cường chia sẻ trách nhiệm với các đồng minh khu vực) chắc chắn sẽ được tiếp tục ở nhiệm kỳ hai này và như vậy, sức ép từ phía Mỹ buộc Nhật Bản, cho dù không muốn đi nữa, phải tăng cường sức mạnh quân đội;

Thứ tư, việc tăng chi phí quân sự tuy có vẻ mâu thuẫn với những khó khăn kinh tế hiện tại, nhưng chính sự tụt hậu của Nhật Bản đang đánh mạnh vào lòng tự tôn của tinh thần Samurai, và vì thế người Nhật có thể chấp nhận nghịch lý này để có thể lấy lại vinh quang.

Như vậy, thời điểm hiện tại, việc chính phủ Shinzo Abe có đưa nước Nhật trở lại bình thường chắc cũng sẽ không bị coi là bất bình thường nữa.

Tất nhiên, người Nhật sẽ trở lại bình thường như thế nào, với mức độ ra sao vẫn sẽ được các nước trong khu vực hết sức quan tâm. Bởi cùng với thời gian, sự bình thường với người Nhật giờ đây không chỉ đơn thuần là sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp. Sức mạnh kinh tế của Nhật cũng đang trở nên không bình thường. Nói cách khác, nước Nhật cần trở lại bình thường một cách toàn diện, mà điều này lại cần có cả sự trợ giúp, trước hết, của các nước trong khu vực. Phải chăng vì thế mà Thủ tướng Abe quyết định lấy Đông - Nam Á làm điểm đến đầu tiên trong năm ?