Nước cờ khó hiểu

Thay vì tìm cách đạt được một thỏa thuận có lợi với Nga nhằm lấp đầy các kho dự trữ năng lượng chiến lược để đối phó mùa đông đang tới gần, phương Tây lại tung ra động thái làm phức tạp thêm nguồn cung dầu mỏ từ Moscow, có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay thêm nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RODRIGO
Biếm họa: RODRIGO

Ngày 2/9 vừa qua, theo AP, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, nhằm mục đích giới hạn nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow. Giá trần sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 tới đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023, mức giá này sẽ có hiệu lực với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính G7 nêu rõ, các bên cam kết khẩn trương hợp tác nhằm hoàn tất và tiến hành biện pháp này, đồng thời hối thúc tất cả các nước định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn. Mức giá trần ban đầu sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ mức giá cụ thể là bao nhiêu.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã hoan nghênh kế hoạch trên của G7, đồng thời kêu gọi nhanh chóng triển khai biện pháp này nhằm giúp hạ nhiệt giá năng lượng và lạm phát. Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, việc áp giá trần sẽ giúp giảm áp lực đối với giá năng lượng toàn cầu.

Trước đó, Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần đối với tài nguyên năng lượng của Nga, biện pháp mà Moscow cho là sẽ gây bất ổn lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Phát biểu ý kiến với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Các công ty áp giá trần sẽ không nằm trong số những khách hàng nhận dầu của Nga”. Moscow khẳng định sẽ không hợp tác với họ trên nguyên tắc phi thị trường như vậy.

Ông Peskov cũng cho rằng, người dân châu Âu sẽ là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ quyết định trừng phạt của phương Tây và Moscow đang nghiên cứu để đánh giá việc áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế quốc gia này.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm 2021, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng, những nỗ lực can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ sẽ dẫn đến sự mất ổn định, đe dọa toàn bộ thị trường dầu mỏ và có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh, chính người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ vốn đang trả giá cao cho năng lượng sẽ phải gánh chịu hậu quả của biện pháp này.

Quan điểm trên của ông Novak được giới phân tích nhận định là có cơ sở, bởi áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ chỉ gây tổn thất cho các nhà đầu tư phương Tây sau khi giá năng lượng tăng cao. Reuters dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Martin Hutchinson thuộc United Press International nhận định, việc G7 áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp lên Moscow. Ông cho rằng, việc áp giá trần sẽ khiến giá dầu tăng cao, gây khó khăn cho việc mua dầu của các nước phương Tây, trong khi Nga vẫn được hưởng lợi từ giá tăng khi bán cho các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, dù bán được ít dầu hơn.

Thành thử, nước cờ của G7 lần này xem ra khá khó hiểu, khi dầu giá rẻ của Nga hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng được săn đón nhiều hơn, đi ngược lại mục tiêu ban đầu của phương Tây. Dù cho G7 tuyên bố sẽ điều chỉnh mức giá trần này “một cách linh hoạt”, song thực tế cho thấy việc kiểm soát giá cả những mặt hàng chiến lược như dầu mỏ chưa bao giờ có tác dụng.