Nữ điều dưỡng

đứng sau những cuộc đoàn tụ trong đại dịch

Cất giấu những vất vả, hy sinh, đại dịch Covid-19 đã biến những nữ chiến sĩ áo trắng thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch, tận hiến không biết mệt mỏi. Chuyên đề Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch khắc họa vài nét chân dung những người phụ nữ Việt Nam như thế.

Hành trang trở về của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế là những bức thư tay, tin nhắn cảm tạ và dãy dài số điện thoại bệnh nhân. Ẩn sâu những đau thương, nhìn thành phố Hồ Chí Minh đã bước qua những ngày tổn thương nặng nề nhất, cô thấy hạnh phúc vì đã được góp "một phần công sức cho những cuộc đoàn tụ".

"Nếu mình khóc, bệnh nhân biết dựa vào ai…”

Ngày 13/7, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh gửi hai con cho ông bà nội, ngoại để lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Chồng cô làm bên quân đội, không thể thu xếp thời gian để chăm con thường xuyên lúc cô rời nhà mà chưa biết ngày trở về.

Đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, Quế cùng đồng đội trực chiến tại Bệnh viện Dã chiến số 6 (quận 3). 2 ngày đầu, cả đội rơi vào sự hoang mang, sợ hãi vì chưa bao giờ chứng kiến một "thảm họa" có đông bệnh nhân đến thế. Bấy giờ, mang theo được bao nhiêu bộ đồ bảo hộ, anh em chia nhau, tằn tiện từng chút một vì mọi thứ đều rất thiếu thốn. Không nói ra, nhưng trong lòng ai cũng nhen nhóm một nỗi sợ khi bệnh nhân được chuyển tới dồn dập.

Một người phải chăm sóc cho tới cả trăm bệnh nhân cùng lúc với đủ các tình trạng từ nặng tới nhẹ. Y lệnh được bác sĩ ra liên tục, và điều dưỡng phải nhớ hết từng trường hợp để theo dõi, chăm sóc. “Đó là một cảm giác sốc ngoài sức tưởng tượng. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, rất nguy hiểm và tang thương. Có những bệnh nhân, mình vừa gặp họ, theo dõi chỉ số SpO2 vẫn tốt, bệnh nhân vẫn tương tác với mình mà chỉ đi một vòng quay lại, họ đã rơi vào suy hô hấp, nguy kịch. Chưa bao giờ, tôi thấy cuộc sống mong manh như thế”.

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Đêm ở TP Hồ Chí Minh liên tục đổ mưa, tiếng xe cứu thương trở thành âm thanh ám ảnh với các nhân viên y tế mỗi lần "xé" màn đêm chở bệnh nhân vào viện cấp cứu. Ca bệnh đầu tiên Quế trực tiếp nhận là một bệnh nhân còn rất trẻ. Lúc vào viện, chỉ số SpO2 còn 92, được cho chuyển thở ô-xy. Tuy nhiên lúc đó để tìm được bình ô-xy rất khó khăn và các bệnh viện đều trong tình trạng thiếu trang thiết bị, máy móc hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Chỉ 2 giờ sau, bệnh nhân diễn biến nặng buộc phải chuyển sang Bệnh viện Thủ Đức và đã không qua khỏi.

“Tôi bị sốc và phải kìm những cơn khóc. Bệnh nhân sẽ chỉ nhìn mình để có thêm niềm tin sống. Nếu mình khóc, bệnh nhân dựa vào ai. Thi thoảng, giấu mặt vào góc tường mà khóc vì quá thương bệnh nhân”.

Quế mô tả cuộc sống những ngày đó hối hả tới ngạt thở, mọi bước đi đều là bước chạy. Tất cả mọi việc từ công tác hậu cần, sinh hoạt, công tác chuyên môn gộp vào chữ phải “rất nhanh”. Guồng quay công việc có lúc làm cô kiệt sức, có lúc rất mệt nhưng cũng chỉ dám ngồi gục xuống 10 phút là phải quay trở lại guồng. Chỉ dừng lại vài phút, cô có cảm giác sẽ thêm bệnh nhân tuột khỏi tay mình.

Sau 6 ngày đầu tiên rơi vào trạng thái sốc, Quế cùng đồng đội được chuyển sang quản lý bệnh nhân bên Bệnh viện dã chiến 12. Nửa cuối tháng 8 là thời điểm TP Hồ Chí Minh rơi vào cảnh khốc liệt nhất. Tại đây, bệnh nhân đông hơn, nhưng mọi thứ được trang bị tốt hơn và các quy trình cũng đã dần bài bản. Quế cùng 74 đồng đội nhận nhiệm vụ chăm sóc cho hơn 4.000 bệnh nhân tại tòa A, và một vài tầng ở tòa B. Với số người ấy, mỗi nhân viên y tế phải đảm nhiệm theo dõi y tế và chăm sóc hàng trăm bệnh nhân, trong khi, mỗi người lại đòi hỏi sự theo dõi y tế khác nhau, cần sự chăm sóc như người nhà ở khía cạnh tinh thần khác nhau.

Quế chọn một góc riêng để được khóc cho nhẹ lòng sau khi chứng kiến người bệnh ra đi.

Quế chọn một góc riêng để được khóc cho nhẹ lòng sau khi chứng kiến người bệnh ra đi.

Mỗi ngày, Quế cùng đồng nghiệp lăn trở hàng trăm bệnh nhân để họ lưu thông khí huyết, lo ăn từng bữa cho người bệnh, chăm sóc từ vệ sinh thân thể tới các nhu cầu cá nhân tại chỗ. Phải thật sự kiên nhẫn và yêu thương, vừa phải đanh giọng, vừa nịnh nọt để bệnh nhân hợp tác. Cứ như thế, họ xoay vòng công việc của một điều dưỡng trong tình thế luôn hối hả.

Khó khăn, vất vả chỉ là sự tác động về mặt sức khỏe với mỗi nhân viên y tế. Nhưng nỗi cô quạnh của những người ra đi khi không có người thân bên cạnh, những người vừa mới hôm qua có tín hiệu khả quan thì nay đã bất ngờ tắt lịm mới là nỗi đau tâm lý khiến họ chỉ muốn khuỵu xuống.

Mỗi ngày trôi qua, những nỗi đau cứ dầy thêm lên. Nhất là người làm vị trí ở phòng cấp cứu như Quế, chứng kiến bệnh nhân không còn cơ hội sống rất đau đớn. Nhiều chuyến chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, mà một đi không thể trở lại. Có những bệnh nhân không dám chuyển viện vì họ biết, phải đi là nguy kịch hơn. Họ nghĩ, lên tầng điều trị cao hơn, cơ hội sống rất mong manh. Trên những tuyến đường chạy cấp cứu, rất nhiều bệnh nhân sợ ứa nước mắt, thều thào nói ra những lời khẩn thiết : “Con ơi, cứu má với”.

Trên những chuyến xe ấy, hầu hết bệnh nhân còn chút ý thức đều run lên bần bật, Quế chẳng biết làm gì hơn ngoài nắm chặt bàn tay họ. Người bệnh lúc này coi nhân viên y tế là niềm hy vọng cuối cùng của họ. “Chúng tôi có sắt đá tới mấy cũng không thể cầm lòng được, cảm xúc đau khó tả, mờ hết mắt. Chỉ biết cố gắng động viên bệnh nhân tập trung thở để vượt qua cửa tử”, Quế chia sẻ. Có những trường hợp ra đi trong hoàn cảnh vô cùng đau thương khi sáng còn khỏe mạnh, nhưng tới chiều thì đã ho ra máu, mọi dấu hiệu sinh tồn không còn.

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

“Hình ảnh bệnh nhân thoi thóp lúc chuyển viện, tử vong tại phòng bệnh mà chưa thể đưa đi được vì liên hệ xe thật sự ám ảnh tôi đến hết đời. Mỗi ngày, chúng tôi đi qua ranh giới sống chết của các bệnh nhân, đi qua những khu bệnh mà người sống nằm bên cạnh những tử thi chưa kịp đưa đi. Nếu không bản lĩnh, thật sự rất khó để trụ vững”, Quế khóc nghẹn ngào.

"Số phận sắp đặt tôi trở thành người nhà đặc biệt của người bệnh"

Trong khu cấp cứu, điều trị Covid-19, Bệnh viện Dã chiến 12, điều dưỡng Nguyễn Thị Quế cùng đoàn chi viện của tỉnh Quảng Ninh đã quen với công việc của một người nhà bệnh nhân. Lúc giống như những đứa con của các cụ cao tuổi, không nơi nương tựa. Lúc trở thành các bảo mẫu bất đắc dĩ khi những đứa trẻ phải điều trị riêng biệt tại đây hoặc trở nên bơ vơ khi mẹ rơi vào nguy kịch. Có nhiều người, sau khi được trở về, nhất quyết nhận Quế làm con nuôi.

Bệnh nhân Hồ Bửu Phước cùng hai vợ chồng con gái và cháu ngoại nhập viện. Tình trạng của cụ bà trở nặng, phải chuyển xuống khu cấp cứu. Ban đầu dấu hiệu bệnh nhân rất tốt, các nhân viên y tế nhìn nhau vui mừng, nhưng chỉ hôm sau, bệnh nhân trở nặng nhanh chóng buộc phải chuyển sang Bệnh viện 115 và chuyển lên Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

“Lúc tôi đưa bà đi, chỉ mang theo một bộ quần áo duy nhất. Bệnh viện yêu cầu cần nộp viện phí mà không có người nhà tạm ứng. Để bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu qua được cơn nguy kịch, tôi xin tạm ứng trước tiền để bà được nhập viện. Số tiền rất ít thôi, nhưng là cần thiết trong lúc bệnh nhân cần mình nhất”. Biết tâm trạng lo lắng của người nhà khi vẫn nằm tại viện của mình, những ngày sau đó, Quế liên tục liên lạc để động viên bà cố gắng vượt qua bệnh tật ở tuyến cao hơn, gia đình cũng yên tâm hơn khi điều trị.

Mỗi chuyến xe đưa và đón bệnh nhân cấp cứu đều mang những cảm xúc không quên.

Mỗi chuyến xe đưa và đón bệnh nhân cấp cứu đều mang những cảm xúc không quên.

Một tháng sau, nhận tin cụ bà được ra viện, cô vỡ òa hạnh phúc vì sự hỗ trợ nhỏ nhoi lúc đó đã giúp bà có được sự can thiệp kịp thời, vượt qua giai đoạn nguy kịch. Thi thoảng cô vẫn gọi điện hỏi thăm cụ bà, chủ yếu để động viên, giúp bà vượt qua được những sang chấn về mặt tâm lý, bởi cô hiểu “nhiều khi nhân viên y tế nói một lời hơn người nhà nói mấy lời”.

Tại phòng cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, điều phải học nhiều nhất chính là sự kiên trì, nhẫn nại. Mỗi ngày trôi qua, trong khu điều trị vốn đã căng thẳng, cô phải trả lời hàng trăm câu hỏi thắc mắc: “Bệnh này có khỏi không?, “Bác thế này có sao không?”… Mỗi ngày, cô phải đối mặt với nhiều bệnh nhân ở các trạng thái bệnh, tâm lý, cảm xúc khác nhau, có cả những bệnh nhân nghiện, có những bệnh nhân liên tục chống đối mà không thể mặc kệ họ. “Lúc đó, chúng tôi phải kiên trì để tác động vào tâm lý người bệnh. Bất kỳ ai khi ốm đau không có người thân bên cạnh rất muốn được quan tâm, chăm sóc. Kể cả nửa đêm, dù không trong ca trực, khi bệnh nhân diễn biến nặng lên thì bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng phải hỗ trợ, để họ có cảm giác yên tâm điều trị bệnh”, Quế chia sẻ.

Hình ảnh thương nhất là những bệnh nhi còn rất nhỏ, chưa hiểu điều gì đang diễn ra khi phải theo bố, mẹ, người thân vào khu điều trị. Quế nhớ nhất bé gái tên Trâm mới 3 tuổi, cùng mẹ vào viện trong tình cảnh rất đáng thương. "Đặc sản" của các bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh là Covid-19 và kiến ba khoang và bé Trâm cũng rơi vào cảnh rất khó chịu này khi da đau rát do nọc độc của kiến ba khoang. Bé quấy khóc liên tục, trong khi đó, mẹ của bé suy hô hấp phải nằm trong khu cấp cứu, không còn đủ sức để vực dậy chăm sóc con.

“Lúc đó chúng tôi không biết phải làm gì khi khối lượng công việc rất lớn trong một tua trực. Đồ chơi không có, chúng tôi phải dùng đèn nhiệt độ bấm ra những tiếng kêu “chít chít” để đánh lạc hướng khi bé khóc. Chúng tôi cố gắng tìm thuốc để bôi cho bé dịu đi và không loang rộng vết thương. Chúng tôi gửi sữa, bánh trái cho bé và nhiều người bệnh tại đây để họ có cảm giác như được người nhà chăm sóc. Khi bé Trâm có kết quả xét nghiệm âm tính được ra viện, mẹ bé vẫn phải nằm cấp cứu. Cảm giác lúc đứa bé nhao vào lòng bố khi bố đến đón hạnh phúc đến phát khóc. Tôi cứ nghĩ đến những đứa con ở nhà mà tự dưng ứa nước mắt”, Quế tâm sự.

Mỗi bệnh nhân được bình phục là nguồn động viên lớn với đội ngũ y, bác sĩ như Quế.

Mỗi bệnh nhân được bình phục là nguồn động viên lớn với đội ngũ y, bác sĩ như Quế.

Như một sự sắp đặt đặc biệt, khu cấp cứu luôn nằm cạnh khu cho bệnh nhân xuất viện. Mỗi ngày, ở phòng cấp cứu bận rộn không ngừng, nhưng được nhìn thấy xa xa, những bệnh nhân của mình vẫy tay chào ra về là Quế và các đồng nghiệp có thêm động lực cố gắng. “Thân thương và hạnh phúc nhất là nhìn họ chào mình ra về, chứ không phải là cảnh đau xót nằm trên xe cứu thương hay phải đặt ống thở”, Quế xúc động kể lại.

“Tôi thấy mình học hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên môn từ những khó khăn thiếu thốn, thấu hiểu nhiều hơn trước sự sống và cái chết, về tình người, tình đồng đội, về sự hy sinh. Tôi cũng đã thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ tốt đẹp”.

“Cùng đi, chúng tôi phải cùng trở về”

Giữa tháng 9, phòng Cấp cứu, Bệnh viện dã chiến 12 mới bắt đầu có sự khởi sắc. Thời gian đầu, có những ngày khu cấp cứu tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân nhưng đến giữa tháng 9, số ca đưa vào đây giảm còn một nửa và diễn biến nặng giảm đi rất nhiều. Đó là tín hiệu tích cực để Quế và đồng đội cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn, trút được bao nhiêu áp lực mà Quế bảo sẽ không bao giờ muốn chứng kiến lại trong đời.

Ngày 22/9, Quế đủ điều kiện để trở về. Nhưng một bác sĩ nữ trong đoàn là F0 mới âm tính lần 1, Quế quyết định xin ở lại. “Khi đi, chúng tôi có nói với nhau, cùng đi phải cùng trở về đủ. Đoàn có hai chị em, tôi không thể về trước vì rất thương chị. Chị có kết quả âm tính lần 1, dù còn rất mệt nhưng vẫn cố gắng vừa đi làm, vừa điều trị cho bệnh nhân. Mình khỏe mạnh không thể nào bỏ mặt trận để về trước”, Quế nói.

Quế cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho Bệnh viện dã chiến 12.

Quế cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho Bệnh viện dã chiến 12.

Ngày 30/9, đồng nghiệp Quế có kết quả âm tính. Ngày rời TP Hồ Chí Minh, cô mang theo cảm xúc lẫn lộn. “Tôi buồn nhiều hơn vì đang quen với guồng quay công việc, quen với bệnh nhân và có cảm giác, dường như mình đã thành người ở thành phố này rồi. Tôi nghĩ, hay mình ở lại thêm 1-2 tháng nữa cho tới khi toàn đoàn chi viện trở về. Người dân trong đó vẫn đang chịu nhiều hậu quả của dịch".

Quế bộc bạch, nhiều lúc cô nghĩ mình phải trả ơn đời vì những bệnh nhân đã khỏi bệnh. Bởi vì, nếu họ không cố gắng vượt qua, không có khát vọng sống, buông lơi vào lúc nguy kịch nhất thì nhân viên y tế không thể làm gì được. “Tôi đến thăm một vài bệnh nhân sau khi khỏi bệnh. Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới nhiều người vì nếu họ không có nghị lực sống thì chúng tôi không làm gì khác được. Vì họ có động lực, chúng tôi mới sức chiến đấu vượt qua được”, Quế giãi bày.

Điện thoại của Quế lưu rất nhiều số bệnh nhân. Cô đặt tên bệnh nhân với nhiều những cái tên rất dễ thương, khi thì gắn với ngày cấp cứu, khi thì gắn với dấu ấn nào đó trong quá trình điều trị. Vốn là một điều dưỡng rất cứng nghề, nhưng trải qua 70 ngày gần như vắt kiệt sức trên tuyến đầu, cô thấy mình cứng rắn hơn, có nhiều kinh nghiệm về cách đối xử giữa người với người, nghĩ về cuộc sống khác hơn. “Suy nghĩ đó không còn gò bó trong sự cần phải có cuộc sống hoàn mỹ, giàu sang, chỉ cần được thở là hạnh phúc. Khó khăn mấy, vất vả mấy cùng cực mấy, chỉ cần có khát vọng sống, mọi thứ rồi sẽ đến”, Quế tâm sự.

Những ngày bận rộn trước, cô luôn cố gắng bắt máy điện thoại của mẹ, chồng và hai đứa con. “Ngày nào mẹ cũng gọi cho tôi, nhiều khi chỉ nhìn 2 giây để biết tôi bình an. Cho tới khi kết thúc chi viện, mẹ bảo: Con về đây thì mẹ mới ngủ ngon”. Còn những ngày này được nằm tại khu cách ly, cô thấy mình trở nên thừa thãi. Vất vả chịu được, khó khăn chịu được nhưng cách ly thì thật khó chịu. Chân tay đang chạy cuồng theo guồng, giờ được nghỉ ngơi, cô thấy thương người bệnh và nhớ các đồng nghiệp vẫn đang trụ ở bệnh viện.

Trở về, Quế gói ghém tất cả những hình ảnh từ đau thương, mất mát tới những niềm hạnh phúc dù nhỏ nhoi nhất cất riêng vào một góc. Thi thoảng cô lôi những bức thư của bệnh nhân, rảnh rang cô lại bắt máy gọi cho những bệnh nhân của mình để nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực sau hơn 2 tháng chứng kiến những gì khốc liệt nhất cuộc đời làm ngành y.

Nhiều bức thư cô mang theo mình trong chuyến trở về, cất riêng vào một góc kỷ niệm, nhắc nhớ về một thời khốc liệt nhất trong cuộc đời làm ngành y của mình.

Nhiều bức thư cô mang theo mình trong chuyến trở về, cất riêng vào một góc kỷ niệm, nhắc nhớ về một thời khốc liệt nhất trong cuộc đời làm ngành y của mình.

“Điều tôi làm được nhất là cuối cùng đã được cống hiến một phần sức của mình vào cuộc chống dịch này, góp một phần công nhỏ nhoi cho những cuộc đoàn tụ. Nhiều gia đình được sum họp sau khi họ đi qua những biến cố lớn nhất cuộc đời, những cái nắm tay vội rơm rớm nước mắt, những vẫy tay chào ra viện đầy thân thương của người mà mới hôm qua còn nằm thoi thóp, đó là điều tôi thấy mình đã được sống và cống hiến có ý nghĩa nhất trong cuộc đời”, Quế tâm sự.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, PHAN ANH
Trình bày: ĐỨC DUY
Ảnh: NGUYỄN THIÊM, HẢI AN, NHÂN VẬT CUNG CẤP